Chủ tịch Quốc hội dự Hội nghị lấy ý kiến vào nội dung dự án Luật Thủ đô (sửa đổi)
Chiều 30/10, tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự Hội nghị lấy ý kiến của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào nội dung dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).
Cùng tham dự có các Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Đức Hải, Nguyễn Khắc Định, Thượng tướng Trần Quang Phương, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về phía Hà Nội có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh…
Phát biểu tại hội nghị, các đại biểu cho rằng Luật Thủ đô được thông qua năm 2012 có tính chất đột phá, mở đường về mặt thể chế cho sự phát triển của Hà Nội. Tuy nhiên, sau 8 năm thi hành Luật Thủ đô đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức thi hành Luật không cao, dẫn đến Luật Thủ đô khó đi vào cuộc sống. Luật Thủ đô còn mang tính nguyên tắc, có tính mục tiêu, định hướng chung mà chưa có những quy định cụ thể để áp dụng trực tiếp, xử lý các vấn đề tồn tại do lịch sử để lại (như vấn đề ùn tắc giao thông, thoát nước, xử lý nước thải, nhà tập thể cũ, di dời các cơ sở ô nhiễm, bệnh viện, cơ sở đại học, chỉnh trang, tái thiết bộ mặt đô thị...) hoặc những vấn đề mới phát sinh trong từng lĩnh vực quản lý, phát triển Thủ đô; chưa có những quy định mang tính đặc thù, vượt trội đúng với vị trí, vai trò của Thủ đô, nhằm tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Thủ đô nhanh và bền vững. Một số luật được ban hành sau Luật Thủ đô đã có những tác động, ảnh hưởng lớn, làm hạn chế đến việc thực hiện các quy định liên quan của Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết thi hành…
Trên tinh thần này, Thành ủy Hà Nội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm xem xét, nhất trí đưa dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội với những định hướng lớn như: Tạo cơ chế để hoàn thiện tổ chức, bộ máy chính quyền thành phố theo hướng tinh gọn, hiện đại; tăng cường phân quyền, phân cấp cho Thủ đô trên các lĩnh vực như tài chính – ngân sách, văn hóa, giáo dục và nhiều lĩnh vực khác cũng như xây dựng những cơ chế chính sách mới có tính chất đặc thù, vượt trội về mặt thể chế để Thủ đô phát triển nhanh và bền vững…
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Nghị quyết đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII đề ra tầm nhìn phát triển rất dài hạn, trong đó đề ra một nhiệm vụ trọng tâm là trình Quốc hội sửa đổi Luật Thủ đô. Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao Thành ủy Hà Nội dù phải phòng, chống dịch COVID-19, thực hiện mục tiêu kép nhưng không quên nhiệm vụ quan trọng này, thành lập Ban chỉ đạo, tổ biên tập xây dựng dự án luật từ rất sớm. Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XV.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý việc xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) cần xác định được vị trí của Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, sau đó là trung tâm giáo dục, văn hóa, khoa học công nghệ, kinh tế, trung tâm giao dịch quốc tế của cả nước. Hà Nội vừa là Thủ đô, vừa là kinh đô ngàn năm văn hiến với những yếu tố văn hóa đậm nét. Ngoài ra, tỷ lệ đô thị hóa của Hà Nội còn thấp, Hà Nội còn dư địa, lợi thế của địa phương đi sau trong lĩnh vực này; 80% các trường đại học trên cả nước đóng trên địa bàn, cùng 65% đội ngũ giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học của cả nước tại Hà Nội. Thủ đô có nhiều làng nghề với xấp xỉ 1.000 sản phẩm OCOP (mỗi xã, phường 1 sản phẩm)...
Sau khi nêu những tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực của Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh,trên cơ sở đó Hà Nội nghiên cứu thiết kế điều luật trong dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) phù hợp với đặc trưng của Thủ đô Hà Nội.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Hà Nội tổng kết thực hiện Luật Thủ đô song song với Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 6/1/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020, Kết luận số 22 ngày 7/11/2017 của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020 cũng như rà soát lại vấn đề quy hoạch, đồng thời đánh giá Nghị quyết số 115/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân hàng đặc thù đối với thành phố Hà Nội…
Quá trình tổng kết, thi hành Luật Thủ đô, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hà Nội rà soát thực tiễn để trả lời câu hỏi vì sao đạo luật quan trọng với nhiều quy định có tính mở đường, đột phá nhưng chưa phát huy được, chưa đáp ứng kỳ vọng ban đầu. Hà Nội tìm hiểu nguyên nhân, nhất là do quy định của pháp luật hay do khâu tổ chức thực hiện…, để từ đó khi thiết kế dự án luật khắc phục được những nội dung này.
Về nghiên cứu đề xuất các chính sách để bổ sung trong dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), theo Chủ tịch Quốc hội, Hà Nội cũng cần rà soát để xác định phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), làm sao có tầm nhìn bao quát hơn, rộng hơn so với luật hiện hành để tương xứng với vị trí, vai trò của Thủ đô trong tiến trình phát triển đi lên của đất nước, đồng thời cũng tạo điều kiện cho Thủ đô phát triển mạnh mẽ và toàn diện hơn trong giai đoạn mới theo phương châm "Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước".
Do đó, ngoài những vấn đề cơ chế có tính chất đặc thù trên các lĩnh vực, Hà Nội cần nghiên cứu các thiết chế quy định tổ chức bộ máy và nhiệm vụ, quyền hạn và tính đặc thù, phương thức hoạt động, cơ chế vận hành, quản trị thành phố theo hướng xanh, thông minh, hiện đại và theo mô hình chính quyền đô thị.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý phạm vi điều chỉnh phản ánh đúng vai trò, vị trí của Thủ đô. Cùng với đó xây dựng dự án luật có tầm nhìn dài hạn.
Chủ tịch Quốc hội thống nhất báo cáo của thành phố, cho rằng ngoài những vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách pháp luật, kinh tế, tài chính, ngân sách, tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ ..., Hà Nội cần nghiên cứu cơ chế chính sách đặc thù vượt trội. Đây là cơ hội để Hà Nội huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển với mục tiêu là thành phố kết nối toàn cầu, vào năm 2045 có thu nhập cao…
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh yêu cầu cần thiết kế điều luật về mô hình chính quyền đô thị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, chính quyền điện tử, thành phố thông minh, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và tăng giao quyền phân cấp cho các địa phương. Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hà Nội tham khảo ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, kinh nghiệm của nước ngoài; đồng thời đề nghị Hà Nội quan tâm tới công tác áp dụng pháp luật, lưu ý mối quan hệ giữa Luật Thủ đô với luật chung và các luật chuyên ngành.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Đảng đoàn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ hợp tác chặt chẽ với Thành ủy Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội; nêu rõ, đây là một trong những nhiệm vụ trọng điểm của công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa XV.