Chủ tịch Quốc hội dự IPU-150, thăm Uzberkistan và Armenia: Chia sẻ tầm nhìn Việt Nam về phát triển, khơi thông hợp tác với hai bạn bè truyền thống

Nhận lời mời của Chủ tịch và Tổng thư ký Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Chủ tịch Thượng viện Quốc hội Uzbekistan Tanzila Narbaeva và Chủ tịch Quốc hội Armenia Alen Simonyan, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam và Phu nhân sẽ tham dự Đại hội đồng lần thứ 150 của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU-150) tại Tashkent, thăm chính thức Cộng hòa Uzbekistan và Cộng hòa Armenia từ ngày 2-8/4.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân sẽ tham dự IPU-150 tại Tashkent, thăm chính thức Cộng hòa Uzbekistan và Cộng hòa Armenia. (Nguồn: TTXVN)

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân sẽ tham dự IPU-150 tại Tashkent, thăm chính thức Cộng hòa Uzbekistan và Cộng hòa Armenia. (Nguồn: TTXVN)

Đây là hoạt động đối ngoại quan trọng của lãnh đạo cấp cao trong năm 2025, là chuyến thăm đầu tiên không chỉ của Chủ tịch Quốc hội, mà còn là chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam đến Armenia và Uzbekistan. Chuyến thăm có ý nghĩa và tầm quan trọng trên cả bình diện đa phương và song phương.

Coi trọng IPU và các cơ chế đa phương

Trên bình diện đa phương, việc Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự IPU-150 cho thấy Việt Nam hết sức coi trọng vai trò của IPU, cũng như của các cơ chế đa phương trong việc duy trì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới trong bối cảnh đầy biến động hiện nay và cam kết đa phương có phần suy giảm.

Chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn một lần nữa khẳng định Việt Nam nhất quán ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương, coi trọng vai trò của IPU, cũng như tiếp tục khẳng định Quốc hội Việt Nam là thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm của IPU.

Tại Đại hội đồng lần này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn sẽ có bài phát biểu quan trọng về tầm nhìn của Quốc hội Việt Nam đối với một thế giới phát triển và công bằng, đồng thời có nhiều cuộc gặp với người đứng đầu Nghị viện các nước nhằm trao đổi về hợp tác giữa Việt Nam và các nước đối tác, thể hiện đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, vừa là bạn, vừa là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Sau 80 năm thành lập nước, Việt Nam đã giành được nhiều thành tựu quan trọng về xây dựng, phát triển đất nước, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, coi là hình mẫu phát triển của các nước trên thế giới và hiện nay đang bước vào kỷ nguyên phát triển mới.

Chuyến thăm và tham dự IPU-150 lần này nhằm đề cao những thành tựu của Việt Nam về phát triển kinh tế - xã hội, chính sách luôn lấy người dân làm trung tâm, đồng thời nhấn mạnh vai trò của Quốc hội Việt Nam trong xây dựng và giám sát thực thi chính sách pháp luật để thúc đẩy sự phát triển bền vững, bảo đảm công bằng xã hội, hướng tới đạt được mục tiêu chiến lược của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đón Chủ tịch Quốc hội Armenia Alen Simonyan thăm Việt Nam tháng 11/2024. (Nguồn: TTXVN)

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đón Chủ tịch Quốc hội Armenia Alen Simonyan thăm Việt Nam tháng 11/2024. (Nguồn: TTXVN)

Quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp

Trên bình diện song phương, quan hệ giữa Việt Nam với Uzbekistan và Armenia hết sức đặc biệt.

Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với hai nước từ năm 1992. Tuy nhiên, quan hệ của Việt Nam và hai nước có lịch sử sâu xa hơn, từ 75 năm trước khi Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Liên Xô vào ngày 30/1/1950, mà Armenia và Uzbekistan là những nước cộng hòa trong Liên bang Xô viết.

Trong suốt chiều dài lịch sử quan hệ, Việt Nam và Armenia và Uzbekistan có mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác tốt đẹp.

Chính phủ và nhân dân Armenia và Uzbekistan luôn dành cho Việt Nam sự giúp đỡ quý báu, hiệu quả trong những năm tháng hào hùng, gian khổ đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam.

Nhiều cán bộ khoa học, chuyên gia Việt Nam đã được các bạn bè Armenia tận tình giúp đỡ đào tạo. Thời Xô Viết, Việt Nam có 3.000 sinh viên học tập ở Uzbekistan và 2.000 sinh viên tại Armenia.

Đến nay, những sinh viên này vẫn còn giữ nhiều vai trò, vị trí quan trọng trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, cũng như các doanh nghiệp của Việt Nam. Uzbekistan giúp Việt Nam phát triển ngành dầu khí.

Điều cần nhấn mạnh là lãnh đạo và nhân dân Armenia và Uzbekistan đều dành tình cảm đặc biệt với Việt Nam.

Lãnh đạo hai nước đã nhiều lần thăm Việt Nam. Tổng thống Uzbekistan thăm Việt Nam năm 2012, Chủ tịch Quốc hội Armenia thăm Việt Nam năm 2024.

Ngoài ra, Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev rất yêu quý Việt Nam, bắt nguồn từ những năm tháng ông là lãnh đạo Trường đại học Thủy lợi Uzbekistan những năm 70-80 của thế kỷ trước, nơi có nhiều sinh viên Việt Nam theo học.

Tổng thống Mirziyoyev khi đó rất ấn tượng vì sự cần cù, tinh thần chịu khó của sinh viên Việt Nam; và hiện nay trên cương vị lãnh đạo đất nước, thực hiện nhiều cải cách quan trọng, ông luôn theo dõi và chỉ đạo việc học hỏi kinh nghiệm của các nước, đặc biệt là Việt Nam trong hội nhập và phát triển đất nước.

Chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân đến Armenia và Uzbekistan thể hiện chủ trương nhất quán của Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn củng cố quan hệ với các nước bạn bè truyền thống, trong đó có Armenia và Uzbekistan; cũng như quyết tâm của Việt Nam cùng hai nước thúc đẩy hợp tác về nhiều mặt và tìm những cơ hội để đưa quan hệ hợp tác lên tầm cao mới, trong bối cảnh khu vực Trung Á và khu vực Kavkaz có vai trò ngày càng quan trọng trong hợp tác quốc tế, phù hợp với tình hình mới và lợi ích của ta và các nước.

Chuyến thăm cấp cao đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tăng cường quan hệ của Việt Nam với hai nước, kể cả vai trò của Nghị viện, đối ngoại của Quốc hội.

Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng chào Phó Chủ tịch thứ nhất Thượng viện Uzbekistan S. Safoev nhân dịp đồng chủ trì Tham vấn chính trị với Thứ trưởng Ngoại giao Uzbekistan I. Khaydarov, tháng 3/2025. (Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Nga)

Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng chào Phó Chủ tịch thứ nhất Thượng viện Uzbekistan S. Safoev nhân dịp đồng chủ trì Tham vấn chính trị với Thứ trưởng Ngoại giao Uzbekistan I. Khaydarov, tháng 3/2025. (Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Nga)

Khai phá tiềm năng hợp tác

Trong khuôn khổ các chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn sẽ hội đàm chính thức với Chủ tịch Quốc hội Armenia, Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch Hạ viện Uzbekistan, chào Tổng thống và Thủ tướng của hai nước.

Bên cạnh việc trao đổi, tăng cường hợp tác liên nghị viện, chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng thể chế pháp luật, tăng cường hợp tác giữa nhóm nghị sĩ hữu nghị, Chủ tịch Quốc hội ta sẽ tập trung trao đổi với lãnh đạo hai nước về những phương châm lớn, cũng như biện pháp cụ thể để mở rộng hơn nữa hợp tác trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục và đào tạo.

Hợp tác kinh tế thương mại của hai nước này với Việt Nam đang có nhiều triển vọng mặc dù hiện nay thương mại với hai nước còn khiêm tốn. Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Armenia khoảng gần 500 triệu USD, giữa Việt Nam và Uzbekistan khoảng 200 triệu USD, chưa khai thác hết tiềm năng.

Trong khuôn khổ chuyến thăm lần này, Việt Nam và hai nước sẽ tổ chức diễn đàn doanh nghiệp, quy tụ rất nhiều doanh nghiệp cả nhà nước và tư nhân để trao đổi, thảo luận về những lĩnh vực hợp tác cụ thể.

Đối với Armenia, Việt Nam đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực sản xuất điện thoại, linh kiện điện tử, cũng như lĩnh vực dệt may, các mặt hàng nông nghiệp, thủy sản và các lĩnh vực hai bên có thế mạnh.

Đối với Uzbekistan, hai bên sẽ trao đổi tăng cường hợp tác trong lĩnh vực khai thác dầu khí, khoáng sản, lĩnh vực nông nghiệp và dệt may.

Tôi kỳ vọng chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân đến Armenia và Uzbekistan sẽ góp phần khai thông hợp tác, mở ra cơ hội phát triển mới cho quan hệ song phương, phù hợp với nhu cầu và lợi ích của mỗi nước, đáp ứng kỳ vọng của người dân của mỗi nước.

Đặng Minh Khôi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chu-tich-quoc-hoi-du-ipu-150-tham-uzberkistan-va-armenia-chia-se-tam-nhin-viet-nam-ve-phat-trien-khoi-thong-hop-tac-voi-hai-ban-be-truyen-thong-309454.html