Chủ tịch Quốc hội gặp cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Lào
VOV.VN - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trong thời gian tới phải thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư tương xứng với quan hệ chính trị, ngoại giao hai nước Việt -Lào.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Lào, chiều 15/5, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta đã gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Lào.
Cùng tham dự có ông Sonexay Siphandone, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ nước CHDCND Lào; ông Sommad Pholsena, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội nước CHDCND Lào và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Lào.
Phát biểu tại buổi gặp, ông Dương Đình Bảng, Chủ tịch lâm thời, Hội Doanh nghiệp Việt Nam hợp tác và đầu tư tại Lào cho biết, hiện nay, Chính phủ Lào đang sửa đổi hệ thống pháp luật hiện hành nhằm cải thiện môi trường đầu tư tại Lào để thu hút đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài; nhiều hiệp định, thỏa thuận giữa hai nước được ký kết đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động đầu tư của DNVN tại Lào.
Với ý thức chính trị cao cùng sự nỗ lực của các DNVN được sự hỗ trợ tích cực, hiệu quả của các bộ ngành, đặc biệt là của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hai nước trong việc cải thiện môi trường đầu tư và cấp phép đầu tư ra nước ngoài cho các dự án, hợp tác kinh tế hai nước ngày càng phát triển.
Trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19 kéo dài, biến đổi khí hậu và gần đây là cuộc chiến giữa Nga - Ukraine làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam thấy rõ cơ hội cũng như thách thức hiện tại.
"Đây là điều kiện hết sức quan trọng giúp các doanh nghiệp phát triển. Chính phủ Lào đã và đang tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và hiện nay đang trong quá trình cải cách Luật pháp, sửa đổi nhiều quy định, luật lệ theo hướng thông thoáng, thuận lợi hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công là chính, nhiều DNVN tại Lào đầu tư, kinh doanh chưa đạt được hiệu quả kinh tế cao; hợp tác đầu tư giữa hai nước chưa đạt được kết quả như mong muốn, chưa xứng với tầm quan hệ chính trị ngoại giao" - ông Dương Đình Bảng cho biết.
Đại diện các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư và kinh doanh tại Lào đề nghị phía Lào đẩy nhanh việc kết nối giao thông giữa hai nước với khu vực; sớm xem xét, nghiên cứu để đưa ra cơ chế hợp tác về việc trao đổi, sử dụng đồng tiền Kíp và VNĐ vào hoạt động đầu tư, thương mại; đề nghị Quốc hội Lào sớm xem xét sửa đổi bổ sung các các luật liên quan nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Đề nghị về phía Việt Nam tạo điều kiện cho các DNVN đầu tư sang Lào tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi; đặc biệt lưu tâm đến các dự án đầu tư tại các khu vực trọng điểm, địa bàn khó khăn; tăng cường năng lực cho các Ngân hàng Việt Nam tại Lào để có sự ưu tiên hỗ trợ nguồn vốn cho các DNVN tại Lào.
Thay mặt cho chính phủ Lào, Phó Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone đã ghi nhận những ý kiến của các doanh nghiệp. Theo ông, hiện nay Việt Nam đang đứng thứ 3 trong các nước đang đầu tư tại Lào với số vốn 4,6 tỷ USD, trong đó có các doanh nghiệp sản xuất điện 13 dự án, khai khoáng 22 dự án, nông nghiệp và dịch vụ 76 dự án. Các dự án đầu tư của Việt Nam đang đầu tư tại Lào đã góp phần tích cực trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Lào.
"Với khó khăn mà các doanh nghiệp Việt Nam đã nêu ra, thay mặt Chính phủ, tôi ghi nhận đề xuất và chỉ đạo trao đổi với các bộ ngành liên quan của Lào để cải cách, sửa đổi luật cho phù hợp với thực tế và việc thay đổi tỉ giá, kết nối thống giao thông thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư kinh doanh tại Lào" - Phó Thủ tướng Lào khẳng định.
Phát biểu tại buổi gặp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, chuyến thăm chính thức Lào lần này của đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam trong bối cảnh hai nước mới mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19; là hoạt động quan trọng giữa hai nước trong “Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 2022”.
Là người theo sát quá trình các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, kinh doanh tại Lào từ những ngày đầu tiên, chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu các doanh nghiệp kiên nhẫn, vượt qua những khó khăn, bất cập hiện tại của môi trường đầu tư kinh doanh. Ngay cả các doanh nghiệp cũng phải xác định trách nhiệm đối với mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, quan hệ đặc biệt thì cũng cần phải có những cơ chế đặc biệt để tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư và kinh doanh tại Lào. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh.
Chủ tịch Quốc hội thông báo hiện nay, Chính phủ hai nước nghiên cứu rất tích cực đường cao tốc Cao tốc Hà Nội - Vientiane (nâng cấp QL8). Chính phủ Nhật bản cũng đã đồng ý hỗ trợ. Dự án này sẽ tạo điều kiện cho Lào có lối ra biển ở điểm Vũng Áng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trong thời gian tới phải thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư tương xứng với quan hệ chính trị, ngoại giao hai nước, quan hệ mẫu mực, thủy chung hiếm có, như anh em một nhà.
Cho biết, kim ngạch thương mại hai nước hiện mới đạt 1,3 tỉ USD, còn quá khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế của hai nước, do đó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, lãnh đạo các Bộ, ngành cùng suy nghĩ để khắc phục những yếu kém, hạn chế trong thực hiện các dự án hiện nay.
"Sau cuộc gặp này, với tư cách là cơ quan đứng ra chủ trì sự kiện này, Đại sứ Nguyễn Bá Hùng có báo cáo tổng hợp đầy đủ kiến nghị gửi cho Chính phủ, Quốc hội Lào, Ủy ban thường vụ Quốc hội Lào cho các bộ, ngành của Lào, đồng thời gửi cho các bộ ngành của Việt Nam... Đề nghị Ủy ban Kinh tế của Việt Nam chủ trì cùng với Bộ Kế hoạch đầu tư Việt Nam cùng với các cơ quan hữu quan với Ủy ban Kinh tế các cơ quan Quốc hội của Lào, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào và Ủy ban hỗn hợp trong năm nay tổ chức Diễn đàn kinh tế để tìm ra lời giải đề xuất với Chính phủ hai nước" - Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn, cộng đồng doanh nghiệp hai nước phấn đấu đưa quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư có một bước đột phá, tương xứng với tầm vóc quan hệ đặc biệt, có một không hai giữa hai nước, để quan hệ kinh tế thương mại đầu tư gia tăng được số lượng, tăng cường hiệu quả và lợi ích thiết thực cho cho hai nước, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân hai nước./.