Chủ tịch Quốc hội gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sĩ
Chiều 27/7, theo giờ địa phương, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao nước ta thăm, gặp gỡ cán bộ, nhân viên Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế tại Geneva, Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sĩ.
Trong không khí chân tình, đầm ấm và xúc động, phát biểu trước Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Đoàn đại biểu, bà Ngọc Dung Moser - Tổng thư ký hội người Việt đã nhiều lần phải ngừng nói để kìm nén những cảm xúc dâng trào khi gặp Đoàn công tác từ Việt Nam sang thăm. Bà Ngọc Dung Moser bày tỏ, sự hiện diện của Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam không chỉ là một cuộc gặp, mà là một nhịp cầu nối dài của niềm tin và tình thân từ Tổ quốc đến cộng đồng xa quê.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao nước ta thăm, gặp gỡ cán bộ, nhân viên Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc
Là người con xa quê hương nhưng bà Ngọc Dung Moser luôn hướng về quê hương, bà chia sẻ, ngày 1/7 vừa qua, đất nước ta đã bắt đầu một cuộc cải cách mạnh mẽ, tinh giản bộ máy, phân quyền hợp lý, minh bạch hóa quản trị. Cụm từ “sắp xếp lại giang sơn” của Tổng Bí thư Tô Lâm không chỉ là khẩu hiệu mà là tín hiệu của sự chuyển mình, đưa chính quyền về gần dân hơn, gần lòng dân hơn. Bà và những người Việt tại Thụy Sĩ đón mừng những cải cách ấy với niềm tin sâu sắc, lòng biết ơn và niềm tự hào mang tên Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chia sẻ tại cuộc gặp
Tuy nhiên, bà Ngọc Dung Moser vẫn còn những băn khoăn đó là câu chuyện làm thế nào để giữ gìn tiếng Việt cho các em sinh ra và lớn lên tại Thụy Sĩ, để “quê hương” không chỉ là một khái niệm xa xôi mà là điều gần gũi trong trái tim; mong quá trình cấp căn cước công dân và hộ chiếu điện tử dành cho kiều bào sẽ được áp dụng nhanh hơn trong thời gian tới?
"Chúng tôi không mong đặc quyền mà chỉ mong được đồng hành cùng đất nước và đồng bào trong nước bằng tâm huyết, trí tuệ và tình yêu quê hương. Nếu tình yêu quê hương là ngọn gió thì chúng tôi sẽ luôn là cánh buồm mở, hướng về đất mẹ. Chúng tôi xin hứa sẽ giữ gìn ngôn ngữ, văn hóa và tình yêu đất nước như một phần máu thịt của mình", bà Dung chia sẻ.
Bày tỏ trân trọng những ý kiến, trải lòng của cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sĩ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gửi đến các cán bộ, nhân viên hai cơ quan ngoại giao tại Thụy Sĩ, các nhà khoa học, các trí thức và cộng đồng người Việt tại Thụy Sĩ lời thăm hỏi ân cần nhất.

Chủ tịch Quốc hội trân trọng chuyển lời thăm và chúc sức khỏe của Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới cán bộ, nhân viên hai cơ quan ngoại giao và cộng đồng người Việt ở Thụy Sĩ.
Lắng nghe những ý kiến của cán bộ, nhân viên Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế tại Geneva, Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sĩ trao đổi, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Đảng, Nhà nước ta kiên trì thực hiện cuộc cách mạng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc để phát triển đất nước; cho biết nhằm chia sẻ với những khó khăn của các đại sứ quán, vừa qua, Chính phủ, Quốc hội đã sửa đổi Nghị định số 51 về chế độ chính sách cho cơ quan đại sứ quán.
Chủ tịch Quốc hội cũng đã thông tin cụ thể về tình hình phát triển đất nước ta thời gian qua và công tác chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14, chuẩn bị bầu cử Quốc hội khóa 16 và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 -2031.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, cơ chế, chính sách hiện nay đã rất cởi mở, thông thoáng nhằm hiện thực hóa 2 mục tiêu phát triển 100 năm đã được Đảng ta đề ra, trở thành nước phát triển thu nhập cao vào năm 2045. Đây là quyết tâm chính trị rất lớn của Đảng ta.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trao biểu trưng Nhà Quốc hội Việt Nam tặng Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva (Thụy Sĩ).
"Hiện nay, Đảng, Nhà nước có chủ trương làm như thế nào để ban hành các cơ chế đặc thù cho người Việt ở nước ngoài, có trình độ cao về Việt Nam làm việc và sinh sống. Rồi cơ chế, đặc biệt về nhập quốc tịch sở hữu nhà ở, thu nhập và môi trường làm việc thu hút, trọng dụng giữ chân các nhà khoa học đầu ngành. Tôi nói các cơ chế chính sách, bây giờ là đã mở, đã thoáng để Việt Nam mình bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai Đại sứ và cơ quan Đại sứ quán, phái đoàn cần tăng cường tuyên truyền sâu rộng hơn nữa về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với bà con, đặc biệt các chính sách, pháp luật mới được ban hành thời gian qua.
Triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tăng cường công tác người Việt Nam ở nước ngoài như Chỉ thị 35, Chỉ thị 36, Chỉ thị 45, Kết luận 12…
Khẳng định việc giữ gìn văn hóa, bản sắc của người Việt tại nước sở tại, đặc biệt là dạy tiếng Việt cho cộng đồng người Việt ở Thụy Sĩ là vấn đề hết sức quan trọng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đại sứ quan tâm sâu sát, có vấn đề gì còn khó khăn, vướng mắc thì tổng hợp kiến nghị gửi các bộ ngành liên quan để giải quyết kịp thời.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, trong xúc tiến, đầu tư thương mại với Thụy Sĩ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cùng lãnh đạo các cơ quan các bộ, ngành của Đoàn đại biểu cấp cao nước ta trong thời gian ở Thụy Sĩ trao đổi, làm việc với các cơ quan liên quan của Thụy Sĩ rà soát việc thực hiện các thỏa thuận, văn kiện hợp tác, tháo gỡ những khó khăn để triển khai hiệu quả hơn trong thời gian tới; đồng thời yêu cầu Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế tại Geneva cần tích cực, chủ động hơn trong lĩnh vực này.
Chủ tịch Quốc hội mong cộng đồng người Việt tại Thụy Sĩ tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, gắn bó, thể hiện sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam để tăng cường hơn nữa quan hệ đối ngoại, ngoại giao, quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục, y tế…với nước sở tại.
Tại cuộc gặp mặt, báo cáo về công tác Đại sứ quán và Phái đoàn, tình hình cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sĩ, Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva (Thụy Sĩ) cho biết, cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sĩ có khoảng 10.000 người tại 26 bang. Cộng đồng luôn yêu nước, đoàn kết, gìn giữ bản sắc dân tộc và có tinh thần hướng về quê hương. Bà con đã tích cực đóng góp cho đất nước qua các đợt vận động ủng hộ vaccine, phòng chống Covid - 19, cứu trợ lũ lụt, các hoạt động thiện nguyện…
Ngoài ra, cộng đồng tại Thụy Sĩ có nhiều cá nhân thành công trong công việc, là các bác sĩ, giáo sư, tiến sĩ, làm việc tại các cơ quan lớn của Thụy Sĩ. Bên cạnh đó, cũng có một bộ phận cộng đồng là các chuyên gia, trí thức người Việt Nam công tác tại các tổ chức quốc tế ở Geneva. Đây là lực lượng tri thức đáng quý, góp phần quan trọng vào việc kết nối hợp tác khoa học, giáo dục và công nghệ giữa Việt Nam với địa bàn.