30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN mang ý nghĩa chiến lược sâu sắc
Nhân kỷ niệm 30 năm Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN, Đại sứ Nguyễn Thạc Dĩnh, nguyên Đại biện lâm thời đầu tiên tại Brunei Darussalam, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Philippines, chia sẻ với phóng viên VOV những ký ức sâu sắc về thời khắc lịch sử cũng như vai trò của Việt Nam trong ASEAN suốt 3 thập niên qua.

Đại sứ Nguyễn Thạc Dĩnh
PV: Được biết vào tháng 5/1995, ông được nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm cử làm Tham tán Công sứ, Đại biện lâm thời Việt Nam tại Brunei Darussalam với nhiệm vụ chính là thành lập Đại sứ quán Việt Nam tại Brunei và chuẩn bị đón đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm sang Brunei dự Hội nghị Bộ trưởng ASEAN và lễ kết nạp Việt Nam là thành viên thứ bảy của ASEAN. Vậy ông có thể cho biết những thuận lợi và khó khăn khi thiết lập Đại sứ quán tại Brunei?
Đại sứ Nguyễn Thạc Dĩnh: Vào ngày 28/7/1995, cách đây đúng 30 năm, tại Bandar Seri Begawan – thủ đô Brunei Darussalam – đã chứng kiến một sự kiện quan trọng không những đối với Việt Nam mà còn cả khu vực Đông Nam Á. Đó là lễ thượng cờ Việt Nam gia nhập, trở thành thành viên thứ 7 của ASEAN. Tôi rất vinh dự và may mắn là một trong những người trực tiếp tham gia và chuẩn bị cho sự kiện trọng đại này.
Để chuẩn bị cho Việt Nam tham gia ASEAN, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa ta và Brunei, Chính phủ Việt Nam quyết định thành lập Đại sứ quán thường trú tại Bandar Seri Begawan. Nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm đã cử tôi làm Tham tán Công sứ, Đại biện lâm thời tại Đại sứ quán Việt Nam ở Brunei (lúc đó tôi đang là Phó Vụ trưởng Vụ Đông Nam Á – Nam Thái Bình Dương, Bộ Ngoại giao). Tôi cảm thấy rất vinh dự, nhưng cũng ý thức được trách nhiệm nặng nề, vì nhiệm vụ chính là thành lập Đại sứ quán trong thời gian ngắn nhất để chuẩn bị đón đoàn Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao sang dự lễ kết nạp ngày 28/7/1995 và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 28.
Trong quá trình thành lập Đại sứ quán, chúng tôi có nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp một số khó khăn. Thuận lợi lớn nhất là các đơn vị trong Bộ Ngoại giao hỗ trợ rất tích cực vì việc mở Đại sứ quán là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ thời điểm đó. Chúng tôi được cấp kinh phí nhanh, các vụ chức năng thường xuyên liên hệ với Bộ Ngoại giao Brunei để giúp đỡ về thuê xe, thuê nhà và xây dựng cơ sở vật chất cho Đại sứ quán.
Bộ Ngoại giao và các bộ/ngành hữu quan của Brunei cũng hỗ trợ rất nhiệt tình. Các Đại sứ ASEAN tại Brunei dành cho chúng tôi nhiều ưu ái và sự quan tâm đặc biệt, sẵn sàng giúp đỡ. Họ vui mừng và phấn khởi khi Việt Nam sắp trở thành thành viên ASEAN. Chỉ trong vòng một tuần, chúng tôi đã thuê được một ngôi nhà lớn, vừa làm trụ sở, vừa làm nhà ở cho cán bộ, nhân viên với giá rẻ. Chúng tôi cũng mua được xe ô tô và các vật dụng thiết yếu cho Đại sứ quán.
Về khó khăn, lớn nhất là đoàn tiền trạm quá mỏng, chỉ mình tôi biết tiếng Anh. Hai nhân viên còn lại lần đầu đi công tác nước ngoài, không biết ngoại ngữ. Hầu hết các công việc liên hệ với địa phương và đoàn ngoại giao đều do tôi trực tiếp đảm nhận. Nhưng rất may là dù không biết ngoại ngữ, hai anh em rất nhiệt tình, sẵn sàng làm mọi việc từ nấu ăn, lái xe, làm vườn đến dọn dẹp.
PV: Thưa ông, ông có thể chia sẻ lại một số khoảnh khắc ấn tượng và xúc động trong lễ kết nạp Việt Nam vào ASEAN?
Đại sứ Nguyễn Thạc Dĩnh: Những ngày cuối tháng 7 năm nay, cảm xúc về lễ kết nạp Việt Nam vào ASEAN lại ùa về trong tôi. Buổi lễ long trọng có sự hiện diện của Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN Ajit Singh và đoàn Việt Nam do nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm dẫn đầu. Tham gia đoàn còn có nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan (lúc đó là Thứ trưởng Ngoại giao), Đại sứ Đỗ Ngọc Sơn (Vụ trưởng Vụ ASEAN), cùng các Đại sứ Việt Nam tại các nước ASEAN và đại diện nhiều bộ/ngành.
Tôi nhớ, chiều hôm đó, tại khuôn viên rộng trước Trung tâm Hội nghị Quốc tế, ông Đỗ Ngọc Sơn nâng lá cờ Việt Nam bằng hai tay trao cho Tổng Thư ký ASEAN. Sau đó, ông trao lại cho viên sĩ quan chỉ huy đội danh dự để kéo cờ lên. Lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nền trời trong xanh, trong tiếng Quốc ca vang lên hùng tráng. Tôi và mọi người trong đoàn đều rất xúc động. Bản thân tôi từng dự nhiều lễ thượng cờ, nhưng chưa bao giờ xúc động đến vậy, nước mắt tôi đã rơi vì sung sướng.

Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm cùng các cán bộ ngoại giao Việt Nam tại Brunei. (Ảnh tư liệu)
PV: Theo ông việc gia nhập ASEAN vào năm 1995 có ý nghĩa thế nào đối với chính sách đối ngoại và vị thế của Việt Nam lúc bấy giờ?
Đại sứ Nguyễn Thạc Dĩnh: Việc Việt Nam gia nhập ASEAN vào năm 1995 mang ý nghĩa chiến lược sâu sắc đối với chính sách đối ngoại và vị thế quốc tế của đất nước, thể hiện qua những điểm sau:
Thứ nhất, khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, đa phương hóa – đa dạng hóa: Việc gia nhập ASEAN là bước đi quan trọng trong chính sách đối ngoại rộng mở, đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ của Việt Nam sau thời kỳ bao cấp và chiến tranh, thể hiện rõ định hướng "làm bạn với tất cả các nước".
Thứ hai,nâng cao vị thế và vai trò trên trường khu vực và quốc tế: Trở thành thành viên thứ 7 của ASEAN giúp Việt Nam thoát khỏi thế bị cô lập, gia nhập mạng lưới hợp tác chính trị – kinh tế – an ninh lớn nhất Đông Nam Á. Uy tín và hình ảnh quốc tế của Việt Nam cũng được nâng cao như một quốc gia yêu chuộng hòa bình, sẵn sàng hội nhập.
Thứ ba, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội: ASEAN giúp Việt Nam mở rộng thị trường, thu hút đầu tư, tiếp cận các sáng kiến hợp tác như AFTA, RCEP, tạo động lực cải cách, đổi mới kinh tế bền vững.
Thứ tư, tham gia các diễn đàn an ninh đa phương: Việt Nam có cơ hội đóng góp tại các diễn đàn như ARF, ADMM+, thúc đẩy xây dựng lòng tin, giải quyết tranh chấp hòa bình, bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia.
Thứ năm, tiền đề cho hội nhập sâu rộng: Sau khi gia nhập ASEAN, Việt Nam tiếp tục gia nhập APEC (1998), WTO (2007), ký nhiều FTA, khẳng định tiến trình hội nhập toàn diện và sâu rộng.
Tóm lại, việc gia nhập ASEAN năm 1995 là bước ngoặt quan trọng, đánh dấu sự mở cửa, hội nhập và nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam, tạo nền tảng để trở thành một thành viên tích cực, có trách nhiệm và ảnh hưởng trong các vấn đề khu vực, toàn cầu.
PV: Những thách thức lớn nhất khi Việt Nam tiếp cận ASEAN là gì, ông có thể chia sẻ từ góc nhìn của người làm ngoại giao thời điểm đó?
Đại sứ Nguyễn Thạc Dĩnh: Khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đứng trước không ít thách thức lớn, vừa khách quan (do bối cảnh khu vực và quốc tế), vừa chủ quan (do năng lực nội tại).
Có thể nêu một số điểm chính: Thứ nhất là khoảng cách phát triển kinh tế - xã hội: Năm 1995, Việt Nam mới bước ra khỏi thời kỳ bao cấp và cấm vận, trình độ phát triển thấp hơn nhiều so với các nước ASEAN khác như Singapore, Malaysia, Thái Lan; Năng lực cạnh tranh kinh tế yếu, hạ tầng còn lạc hậu, doanh nghiệp Việt Nam chưa quen với cơ chế thị trường và hội nhập.
Thứ hai là sự khác biệt về thể chế, chính trị – pháp lý: Việt Nam theo chế độ XHCN và kinh tế thị trường định hướng XHCN, trong khi đa số các nước ASEAN theo mô hình kinh tế thị trường tự do; Hệ thống pháp luật và thể chế điều hành còn yếu, chưa phù hợp với chuẩn mực khu vực, gây trở ngại trong việc thực hiện cam kết ASEAN. Do đó, Việt Nam cần cải cách hành chính, hoàn thiện pháp luật và nâng cao năng lực quản lý nhà nước để bắt kịp với các nước trong khối.
Thứ ba là thách thức về bảo vệ lợi ích quốc gia trong bối cảnh đa phương: Trong môi trường ASEAN, quyết định thường dựa trên đồng thuận, đòi hỏi Việt Nam phải khéo léo trong đàm phán, vừa bảo vệ lập trường và lợi ích, vừa vẫn giữ được đoàn kết khu vực. Trong tình hình đó Việt Nam phải nâng cao năng lực ngoại giao đa phương, khéo léo xử lý mối quan hệ giữa hợp tác và bảo vệ chủ quyền.
Thứ tư là cạnh tranh nội khối ngày càng gay gắt: Gia nhập ASEAN đồng nghĩa với việc Việt Nam phải mở cửa thị trường, dỡ bỏ nhiều rào cản thuế quan và phi thuế quan; Doanh nghiệp trong nước phải cạnh tranh trực diện với hàng hóa, dịch vụ từ các nước ASEAN có lợi thế hơn, trong khi sức cạnh tranh còn yếu.
Thứ năm là thách thức trong việc tham gia đầy đủ và hiệu quả các cơ chế ASEAN: ASEAN có nhiều cơ chế hợp tác chuyên ngành: kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, quốc phòng, môi trường… Cho nên khi tham gia ASEAN, Việt Nam phải đầu tư nhiều cho đào tạo nhân lực chuyên môn, trình độ ngoại ngữ và nâng cao thể chế phối hợp liên ngành.
PV: Sau 30 năm gia nhập ASEAN, ông đánh giá thế nào về vị trí và vai trò của Việt Nam trong khu vực?
Đại sứ Nguyễn Thạc Dĩnh: Tôi may mắn được trực tiếp tham gia quá trình chuẩn bị cho lễ Việt Nam gia nhập ASEAN và sau đó là Đại sứ Việt Nam tại Philippines, rồi trở về làm Phó Vụ trưởng Vụ Đông Nam Á – Nam Thái Bình Dương. Gần 40 năm công tác tại Bộ Ngoại giao, tôi gắn bó chặt chẽ với các hoạt động liên quan ASEAN.
Có thể nói, Việt Nam từ chỗ làm quen, học hỏi, nay đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thành viên và đóng góp tích cực, được các nước trong và ngoài ASEAN đánh giá cao. Với phương châm “tích cực, chủ động và có trách nhiệm”, Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng, góp phần duy trì sự đoàn kết, thống nhất và củng cố vai trò trung tâm của Hiệp hội, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực. Việt Nam đã phát huy vai trò là hạt nhân thúc đẩy đoàn kết, thống nhất. Ngay sau khi gia nhập ASEAN, đã tích cực thúc đẩy kết nạp Campuchia, Lào và Myanmar vào Hiệp hội. Nỗ lực này đã góp phần hiện thực hóa ý tưởng về một ASEAN bao gồm toàn bộ 10 nước Đông Nam Á, tạo ra sự chuyển biến mới về chất đối với ASEAN và tình hình khu vực vào thời điểm đó.
Việt Nam là nước khởi xướng và thúc đẩy các chương trình thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên, đặc biệt là nhóm CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam) thông qua Kế hoạch Hành động Hà Nội (1997) và Tuyên bố Hà Nội về thu hẹp khoảng cách phát triển (2001). Đáng chú ý, Việt Nam tích cực tham gia xây dựng và thúc đẩy ký kết Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), và đang cùng các nước ASEAN trao đổi với Trung Quốc để sớm ký kết Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) nhằm duy trì hòa bình, ổn định khu vực.
Chúng ta đã cùng các nước ASEAN xây dựng 3 Cộng đồng ASEAN và đưa ra các sáng kiến và triển khai hiệu quả các Chương trình, kế hoạch của các Cộng đồng này. Việt Nam đã giữ vai trò điều phối các cơ chế hợp tác giữa ASEAN với các đối tác cũng như đóng góp vào việc kết nối, mở rộng quan hệ chiến lược giữa ASEAN và các đối tác này. Đặc biệt là Việt Nam đã làm tốt vai trò Chủ tịch ASEAN vào những năm 1998, 2010 và 2020.
PV: Tình hình thế giới và khu vực hiện nay đang có những diễn biến phức tạp, khó lường mang cả cơ hội và thách thức cho ASEAN. Theo ông Việt Nam cần phải làm gì để tiếp tục nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trong ASEAN?
Đại sứ Nguyễn Thạc Dĩnh: Bối cảnh quốc tế hiện nay đang diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á với các điểm nóng như khủng hoảng chính trị ở Myanmar; quan hệ căng thẳng giữa Thái Lan và Campuchia ngày càng gia tăng và chính trị và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt tại khu vực. Trong bối cảnh này, để tiếp nâng cao và vị thế của mình trong ASEAN, theo tôi Việt Nam cần có những hành động thiết thực, linh hoạt và đoàn kết nhằm giữ vững vai trò trung tâm và uy tín của ASEAN.
Cụ thể, Việt Nam cần đóng vai trò trung gian tích cực, cùng các nước ASEAN xây dựng sự đồng thuận trong nội bộ; hỗ trợ và phối với chính phủ Myanmar nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại Myanmar; Thúc đẩy triển khai đầy đủ và hiệu quả Hiến chương ASEAN; Cùng các nước ASEAN kêu gọi Thái Lan và Campuchia kiềm chế tối đa, không làm bất cứ việc gì làm gia tăng căng thẳng; Đối thoại nhằm giải quyết tranh chấp một cách hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc, Hiến chương ASEAN, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC); Việt Nam tích cực duy trì các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như EAS, ARF, ADMM; và Thúc đẩy hợp tác thực chất về kinh tế - xã hội - an ninh thông qua việc tăng cường liên kết nội khối như RCEP, CPTPP, đẩy mạnh kết nối hạ tầng, năng lượng, du lịch để làm nền tảng vững chắc cho sự đoàn kết; Đề xuất hợp tác an ninh phi truyền thống, như ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh mạng, giúp xây dựng lòng tin và đoàn kết thực chất hơn.
Để tiếp tục nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trong ASEAN, Việt Nam cần kiên định nguyên tắc đồng thuận, chủ động trong ngoại giao, mềm dẻo trong xử lý xung đột và tích cực trong đề xuất sáng kiến hợp tác khu vực. Đây không chỉ là lợi ích của Việt Nam, mà còn là lợi ích chiến lược lâu dài của ASEAN.
PV: Xin cảm ơn Đại sứ!