Chủ tịch Quốc hội: Không để gián đoạn công tác xây dựng, ban hành văn bản trong bối cảnh tinh gọn
Chiều 25-12, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đồng chủ trì hội nghị quán triệt, triển khai thi hành các luật, nghị quyết được thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, trong số các luật được thông qua tại kỳ họp thứ 8, có những luật mới, khó, có nội dung phức tạp nhưng đã được Quốc hội xem xét, thông qua ngay trong 1 kỳ họp mà thông thường phải theo quy trình 2 kỳ họp như Luật Đầu tư công, Luật Điện lực (sửa đổi), Luật Dữ liệu…
Các luật, nghị quyết được thông qua đã thể hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ với phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm"; chuyển tư duy từ xây dựng pháp luật thiên về quản lý sang kết hợp hài hòa giữa quản lý hiệu quả với kiến tạo phát triển, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, như Luật Đầu tư công 2024, luật sửa 4 luật trong lĩnh vực đầu tư, luật sửa 9 luật trong lĩnh vực tài chính, ngân sách….
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, qua rà soát sơ bộ, hiện có gần 700 nội dung được giao trong 18 luật và 10 nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 cần được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ở Trung ương và chính quyền địa phương quy định chi tiết. Đây là thách thức rất lớn khi đặt trong bối cảnh các cơ quan trong hệ thống chính trị hiện đang tập trung thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, khẩn trương chuẩn bị cho kỳ họp bất thường của Quốc hội cuối tháng 2-2025; đồng thời triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 với số lượng lớn dự án luật, nghị quyết cần chuẩn bị để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9.
Trong bối cảnh sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, không tránh khỏi có sự xáo trộn nhất định trong tổ chức, hoạt động của một số bộ, cơ quan. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan được giao chủ trì soạn thảo, ban hành văn bản không để gián đoạn công tác xây dựng, ban hành văn bản. Sau sắp xếp, cơ quan mới tiếp nhận nhiệm vụ cần kế thừa kết quả, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền để đảm bảo văn bản quy định chi tiết có hiệu lực thi hành đúng thời hạn.
Về việc triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 gắn với công tác chuẩn bị kỳ họp thứ 9, theo Chủ tịch Quốc hội, đây là kỳ họp cũng có khối lượng công tác lập pháp rất lớn. Dự kiến, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 11 luật, 2 nghị quyết và cho ý kiến lần đầu đối với 15 dự án luật, chưa kể còn một số dự án Chính phủ đang xem xét để tiếp tục đề nghị bổ sung vào chương trình.
Sau kỳ họp bất thường cuối tháng 2-2025, chỉ còn hơn 2 tháng là bước vào kỳ họp thứ 9, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội ngay từ tháng 12-2024 để tổ chức nghiên cứu, tiếp thu ý kiến, chỉnh lý các dự thảo luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8; đồng thời tập trung chuẩn bị, hoàn thiện các dự án được giao chủ trì soạn thảo để Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại các phiên họp tháng 2 và tháng 3-2025, tránh để dồn vào các phiên họp sát thời gian khai mạc kỳ họp thứ 9.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị thực hiện nghiêm túc các yêu cầu về đổi mới tư duy lập pháp, xây dựng luật ngắn gọn, đúng thẩm quyền của Quốc hội; không luật hóa quy định của nghị định, thông tư, bảo đảm luật có tính ổn định, có giá trị lâu dài. Những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên thì giao cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quy định để linh hoạt trong điều hành, phù hợp với thực tiễn. Cùng với đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; triệt để cải cách thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể...
Cũng tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết, để quy định chi tiết các luật, nghị quyết được thông qua tại kỳ họp thứ 8, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ phải ban hành 130 văn bản. Trong đó, có một số luật phải ban hành nhiều văn bản quy định chi tiết như Luật Điện lực (29 văn bản), luật sửa 9 luật trong lĩnh vực tài chính (15 văn bản), Luật Di sản văn hóa (16 văn bản)…
Đến nay, theo báo cáo của Bộ Tư pháp, một số bộ đã chủ động soạn thảo và có văn bản gửi Bộ Tư pháp thẩm định nhằm bảo đảm tiến độ, thời hạn trình ban hành văn bản quy định chi tiết.