Chủ tịch Quốc hội: Không để người dân 'tiền mất tật mang' do dùng thuốc theo quảng cáo

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu kiểm soát chặt, không để quảng cáo làm sai lệch bản chất thuốc, khiến dân 'tiền mất tật mang' do dùng thuốc theo quảng cáo.

Qua dịch Covid-19 càng thấy những ưu, nhược trong ngành dược

Chiều 18/6, phát biểu thảo luận về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược là dự luật được dư luận xã hội và Nhân dân hết sức quan tâm, mong đợi.

Bởi thuốc là hàng hóa đặc biệt, có vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân, cần được bảo đảm cung ứng đủ, kịp thời với chất lượng tốt, giá hợp lý cho nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

"Lần này, chúng ta chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều. Dư luận xã hội và Nhân dân rất mong đợi qua sửa đổi lần này sẽ chấn chỉnh những tồn tại, vướng mắc trong quản lý ngành dược hiện nay. Đồng thời, cũng tạo điều kiện cho ngành dược phát triển hơn nữa", Chủ tịch Quốc hội nói.

Đề cập một số vấn đề lớn của dự luật, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh quan điểm cần có các cơ chế hỗ trợ, ưu đãi phù hợp để phát triển công nghiệp dược trong nước.

Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội đánh giá các cơ chế ưu đãi thể hiện trong dự thảo Luật đối với các lĩnh vực là hợp lý như vaccine phòng bệnh, thuốc chuyên khoa đặc trị như ung thư, tim mạch.

"Bây giờ chúng ta thấy rất nhiều người mắc bệnh ung thư, mà thuốc điều trị ung thư thì rất đắt tiền và hầu hết là thuốc nhập từ nước ngoài. Do đó, việc phát triển công nghiệp dược trong nước cần được ủng hộ", Chủ tịch Quốc hội nói.

Chỉ rõ tiềm năng về dược liệu đang được xem là thế mạnh của Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cần phải có cơ chế, có quy định luật pháp cụ thể để phát huy tiềm năng này, kết hợp giữa y học hiện đại với y học cổ truyền.

"Đất nước mình đâu đâu cũng có những loại cây thuốc quý nhưng chúng ta còn ít dùng. Phải phòng bệnh là chính. Nếu bệnh nhẹ có khi không cần lên y tế xã mà ngay tại ấp, khu dân cư cũng có thể điều trị bằng thuốc nam, các loại dược liệu có sẵn. Như vậy cũng giảm được áp lực lên y tế tuyến trên. Do đó, yêu cầu phát triển nguồn dược liệu trong nước là rất đúng, rất tốt", Chủ tịch Quốc hội nói.

Qua thực tiễn phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua càng cho thấy những ưu, nhược trong ngành dược của nước ta, nhất là vaccine phòng, chống dịch, thuốc điều trị.

Do đó, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, cần thu hút đầu tư nước ngoài đối với những lĩnh vực mà Việt Nam còn thiếu và yếu như: đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, thử nghiệm lâm sàng, chuyển giao công nghệ... Nhất là trong việc sản xuất nguyên liệu làm thuốc, thuốc sinh học, thuốc công nghệ mới, thuốc điều trị, thuốc biệt dược.

Toàn cảnh phiên thảo luận tổ có sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội Trần Thành Mẫn.

Toàn cảnh phiên thảo luận tổ có sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội Trần Thành Mẫn.

Không phải lĩnh vực gì cũng có thể bỏ qua tiền kiểm

Đối với vấn đề tiếp cận thuốc, kinh doanh thuốc, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp này đã có nhiều đổi mới so với Luật hiện hành về vấn đề cấp phép, cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc.

Cho rằng, các nội dung sửa đổi, bổ sung là cần thiết, phù hợp với yêu cầu và xu thế mới trong quản lý dược, tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, cần tăng cường mạnh mẽ khâu hậu kiểm.

Về giá thuốc, dự thảo Luật đã có quy định về kiểm soát giá tính đến tính đặc thù của thuốc, đồng thời với áp dụng các quy định của Luật Giá năm 2023.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần lưu tâm nghiên cứu vấn đề này để giá thuốc đến với người tiêu dùng Việt Nam là tốt nhất và các doanh nghiệp dược cũng vẫn bảo đảm được lợi nhuận hợp lý.

Về vấn đề phân phối thuốc, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, điểm mới trong dự thảo Luật là bổ sung quyền về phân phối thuốc đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, việc mở rộng quyền phân phối, theo Chủ tịch Quốc hội, cũng cần thận trọng, "không để độc quyền phân phối thuốc nhưng mở rộng theo lộ trình từng bước phù hợp".

Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh vấn đề an toàn khi sử dụng thuốc.

Theo đó, việc kinh doanh thuốc qua hình thức thương mại điện tử là cần thiết nhưng đây là mặt hàng đặc biệt, cần phải có các quy định cụ thể để kiểm soát, mở rộng từng bước thận trọng, đồng bộ với các quy định liên quan khác về giao dịch điện tử, thương mại điện tử.

Tương tự, vấn đề quảng cáo thuốc, theo Chủ tịch Quốc hội cũng phải có kiểm soát chặt chẽ, không để nội dung, hình thức quảng cáo làm sai lệch về bản chất của thuốc, không đúng với hiệu quả điều trị, không để người dân "tiền mất tật mang" do sử dụng thuốc theo quảng cáo.

"Không phải lĩnh vực gì cũng có thể bỏ qua tiền kiểm, chỉ tập trung vào hậu kiểm, có những lĩnh vực phải kết hợp cả tiền kiểm và hậu kiểm", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Phùng Đô

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/chu-tich-quoc-hoi-khong-de-nguoi-dan-tien-mat-tat-mang-do-dung-thuoc-theo-quang-cao-19224061818485075.htm