Chủ tịch Quốc hội: Khuyến khích trả lương theo hiệu suất công việc
Thảo luận ngày 17/4 về thực hiện cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, tăng lương tối thiểu cần phải phù hợp với chi phí sinh hoạt; Cần áp dụng chỉ tiêu đánh giá hiệu suất rõ ràng để thưởng, để tăng thúc đẩy việc làm; khuyến khích trả lương theo hiệu suất công việc.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu
Như Báo PNVN đã đưa, ngày 17/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội.
Theo báo cáo của Chính phủ, Ngân sách nhà nước chi tăng thêm hơn 188 ngàn tỷ đồng để thực hiện tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%), thực hiện từ 1/7/2024.
Về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng tại Nghị định số 75/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024. Trong đó, điều chỉnh tăng thêm 15% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 6/2024.
Về điều chỉnh mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng tại Nghị định số 77, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng từ ngày 01/7/2024 là 2.789.000 đồng (tăng 35,7%).
Thảo luận tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý cải cách tiền lương là một vấn đề phức tạp đòi hỏi phải cân nhắc nhiều yếu tố kinh tế - xã hội, chính trị. Chủ tịch Quốc hội đề nghị quan tâm tăng lương tối thiểu cần phải phù hợp với chi phí sinh hoạt; đồng thời cần khuyến khích trả lương theo hiệu suất công việc, áp dụng chỉ tiêu đánh giá hiệu suất rõ ràng để thưởng, để tăng thúc đẩy việc làm.
Thời gian tới cần tính đến việc giảm phụ thuộc vào phụ cấp; đảm bảo tăng quyền lợi của người lao động trong đơn vị Nhà nước, trong các doanh nghiệp sao cho hài hòa, hợp lý; đồng thời nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của một số quốc gia.
Cùng với đó phải gắn cải cách tiền lương với cải cách tài chính công và tăng trưởng kinh tế bền vững. Vì vậy, cần triển khai từng bước thí điểm ở một số ngành hoặc khu vực khi áp dụng rộng rãi.
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thảo luận và có chung nhận định: quá trình triển khai gần 1 năm đạt được nhiều kết quả tích cực, cơ bản đáp ứng yêu cầu của Trung ương và Quốc hội, nhất là trong bối cảnh tập trung cao độ cho việc ưu tiên thực hiện cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy, phải rà soát, sửa đổi, bổ sung số lượng rất lớn các văn bản pháp luật, tạo lập khung khổ pháp lý để thể chế hóa kịp thời các nghị quyết của Trung ương.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh kết luận nội dung thảo luận
Bên canh đó, các ý kiến góp ý về một số tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và giải pháp khắc phục những bất cập trong thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Các ý kiến đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu để bảo đảm việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương để triển khai triệt để định hướng tại các Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Nghị quyết của Quốc hội, trong đó lưu ý việc thực hiện tinh giản biên chế gắn với vị trí việc làm một cách thực chất, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả…
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh khẳng định: Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất nội dung này sẽ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9. Đây là vấn đề được cử tri đặc biệt quan tâm.
Để bảo đảm đầy đủ thông tin báo cáo Quốc hội xem xét, cho ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan thẩm tra, các cơ quan tham gia thẩm tra để bổ sung, hoàn thiện Báo cáo, trong đó có lưu ý một số nội dung sau đây:
Một là, rà soát, cập nhật thông tin, số liệu để đảm bảo tính chính xác và thống nhất.
Hai là, tiếp tục rà soát, bổ sung những kết quả, những bất cập, hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện, làm rõ nguyên nhân và có những đề xuất, kiến nghị, giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Ba là, dự báo những khó khăn, thách thức trong việc thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW trong bối cảnh sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Bốn là, giao Ủy ban Văn hóa và Xã hội hoàn chỉnh Báo cáo thẩm tra chính thức để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9.