Chủ tịch Quốc hội: Kỳ họp thứ 8 có ý nghĩa quan trọng, khối lượng công việc rất lớn

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, kỳ họp thứ 8 có ý nghĩa rất quan trọng, khối lượng công việc rất lớn, vì vậy cần tiếp tục phát huy dân chủ, nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm.

XEM VIDEO:

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15 sáng nay khai mạc trọng thể tại Hà Nội. Mở đầu phiên khai mạc, Quốc hội tiến hành mặc niệm chiến sĩ hy sinh, đồng bào tử nạn do thiên tai trong thời gian qua.

Quốc hội mặc niệm chiến sĩ hy sinh, đồng bào tử nạn do thiên tai. Ảnh: Quốc hội

Quốc hội mặc niệm chiến sĩ hy sinh, đồng bào tử nạn do thiên tai. Ảnh: Quốc hội

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, kỳ họp thứ 8 diễn ra sau khi Hội nghị lần thứ 10 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 thành công tốt đẹp.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, kỳ họp này có ý nghĩa rất quan trọng, Quốc hội sẽ thảo luận, quyết định nhiều vấn đề để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực, khắc phục điểm nghẽn, tất cả vì sự phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo đời sống nhân dân.

Về công tác lập pháp, Chủ tịch Quốc hội cho biết, đây là nội dung trọng tâm, chiếm phần lớn thời gian của kỳ họp, có 31 dự án luật, dự thảo nghị quyết được thảo luận. Quốc hội sẽ xem xét, phấn đấu thông qua 15 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết quy phạm pháp luật và thảo luận, cho ý kiến lần đầu đối với 13 dự án luật khác.

"Đây là kỳ họp có khối lượng nội dung về công tác lập pháp rất lớn; các dự án luật, dự thảo nghị quyết được Quốc hội xem xét tại kỳ họp này liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực mà thực tiễn đang đòi hỏi cấp thiết và nhiều doanh nghiệp, cử tri, nhân dân cả nước rất quan tâm", Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc kỳ họp. Ảnh: Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc kỳ họp. Ảnh: Quốc hội

Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu phát huy dân chủ, trí tuệ, chuyên nghiệp, khoa học, tập trung góp ý toàn diện cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp của các dự án luật, luật cần ngắn gọn, chỉ quy định những vấn đề theo đúng thẩm quyền của Quốc hội.

Không luật hóa các vấn đề thuộc thông tư, nghị định; không cầu toàn, không nóng vội; không quy định cứng nhắc; chuyển tư duy quản lý sang khơi thông nguồn lực, tăng cường phân cấp, phân quyền triệt để, thực chất, đảm bảo đủ khả năng cho cá nhân, cơ quan được phân cấp, phân quyền có thể tổ chức thực hiện được công việc; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; kiểm soát quyền lực, không để lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong các luật, nghị quyết...

Về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu bám sát Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện, tập trung vào những vấn đề lớn, những kết quả quan trọng đã đạt được, những bất cập, hạn chế, yếu kém, đề xuất những giải pháp thiết thực, hiệu quả.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý về những tác động và khó khăn mới phát sinh do diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, nhất là khắc phục hậu quả nặng nề do thiên tai, bão lũ gây ra.

Toàn cảnh phiên khai mạc kỳ họp thứ 8. Ảnh: Quốc hội

Toàn cảnh phiên khai mạc kỳ họp thứ 8. Ảnh: Quốc hội

Các đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận, góp ý về sự phù hợp, tính khả thi, hiệu quả của các chính sách; tính thống nhất, đồng bộ với quy định của pháp luật nhằm phát huy được nguồn lực, tận dụng được cơ hội phát triển, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Về giám sát tối cao, Quốc hội sẽ nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; xem xét báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; giám sát tối cao chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015-2023”.

Ngoài ra, Quốc hội sẽ thảo luận, xem xét báo cáo của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao và Kiểm toán Nhà nước; đồng thời thảo luận, cho ý kiến lần đầu vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.

Về công tác nhân sự, Quốc hội sẽ xem xét tiến hành bầu Chủ tịch nước và một số nội dung công tác nhân sự khác thuộc thẩm quyền theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, khối lượng công việc của kỳ họp rất lớn, đề nghị các đại biểu tiếp tục phát huy dân chủ, nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu kỹ lưỡng, thảo luận sôi nổi trên tinh thần xây dựng, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, đáp ứng sự mong mỏi của cử tri và nhân dân.

Trần Thường

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chu-tich-quoc-hoi-ky-hop-co-y-nghia-quan-trong-khoi-luong-cong-viec-rat-lon-2333871.html