Chủ tịch Quốc hội: Làm rõ khái niệm đặc thù nước 'đang phát triển' để xây dựng chiến lược cho phù hợp

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, chúng ta xác định tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045 là 'nước phát triển có thu nhập cao', còn từ nay đến năm 2045 vẫn là nước 'đang phát triển', vậy cần làm rõ khái niệm đặc thù nước 'đang phát triển' để xây dựng chiến lược cho phù hợp.

Sáng 31/8, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Phiên họp thứ nhất của Tiểu ban Xây dựng chuyên đề “Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam” (gọi tắt là Tiểu ban số 1).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Phiên họp.

Tiểu ban 1 gồm 23 thành viên, gồm có: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Trưởng Tiểu ban; Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, Phó Trưởng Tiểu ban; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phó trưởng Tiểu ban thường trực; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và các thành viên khác.

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Dự thảo kế hoạch xây dựng chuyên đề của Tiểu ban số 1 cần thảo luận, cho ý kiến cụ thể về tiến độ thực hiện sát với kế hoạch của Đảng đoàn Quốc hội; cơ chế làm việc của Tiểu ban. Có tổng kết cụ thể về Nghị quyết 48-NQ/TW của Bộ Chính trị năm 2005 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam định hướng đến năm 2020, đánh giá những thành tựu, kết quả, bất cập trong việc thực hiện chiến lược này thời gian qua, kinh nghiệm quốc tế như thế nào. Đặc biệt, cần phân tích và nêu rõ đặc điểm là xây dựng và hoàn thiện pháp luật của Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

"Chúng ta xác định tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045 là “nước phát triển có thu nhập cao”, còn từ nay đến năm 2045 vẫn là nước “đang phát triển”, vậy cần làm rõ khái niệm đặc thù nước “đang phát triển” để xây dựng chiến lược cho phù hợp với tình hình, khắc phục những bất cập, hạn chế trước đây. Việc học tập kinh nghiệm quốc tế giúp chúng ta “đi tắt, đón đầu” để học được bài học thành công của nước đi trước, rút ngắn được khoảng cách phát triển. Đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đất nước và hội nhập quốc tế", Chủ tịch Quốc hội phát biểu.

Quang cảnh phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, thời gian chuẩn bị có hạn nên đòi hỏi các cơ quan, thành viên được giao nhiệm vụ phải nỗ lực để hoàn thành công việc để đến 30/1/2022 phải báo cáo Ban chỉ đạo Trung ương về xây dựng chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 về kết quả nghiên cứu, xây dựng báo cáo của Tiểu ban số 1.

Theo đó, Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045 có 3 cấu phần: Cấu phần thứ nhất là xây dựng hệ thống pháp luật với yêu cầu đặt ra có hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân làm trọng tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Cấu phần thứ hai là xây dựng nền hành chính nhà nước với yêu cầu là xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai và minh bạch.

Cấu phần thứ ba là xây dựng nền tư pháp với yêu cầu là bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân.

Góp tại phiên họp, các đại biểu đề nghị làm rõ một số vấn đề lớn như mối quan hệ giữa xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật; chủ thuyết của định hướng xây dựng đến năm 2045 là gì? Vai trò của các cơ quan tư pháp trong việc xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật để có bức tranh toàn cảnh cho hệ thống pháp luật của đất nước ta. Xác định rõ thứ tự ưu tiên của từng vấn đề và định hướng cho từng giai đoạn như đến năm 2030 và đến năm 2045…

Cho ý kiến tại cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, tổ biên tập tiếp thu tối đa ý kiến của các thành viên Tiểu ban 1; tận dụng các kết quả của các cuộc tổng kết, bảo đảm tính kế thừa, tham khảo kinh nghiệm quốc tế; trên cơ sở đó phát triển vấn đề và đưa ra những vấn đề mới có tính thuyết phục, đồng thuận cao. Qua đó xây dựng chuyên đề Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam có chất lượng cao nhất, trình Ban chỉ đạo Đảng đoàn Quốc hội cho ý kiến trước ngày 15/9.

Quốc Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chu-tich-quoc-hoi-lam-ro-khai-niem-dac-thu-nuoc-dang-phat-trien-de-xay-dung-chien-luoc-cho-phu-hop-post153438.html