Chủ tịch Quốc hội: 'Nếu không có tiền nộp phạt thì tốt nhất đừng vi phạm'
Tham gia phát biểu thảo luận tại tổ sáng 10-6 về Dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, 'cần tăng mức xử phạt tối đa nhằm xử lý nghiêm khắc, có hiệu quả đối với các hành vi vi phạm chứ như với hành vi khiếm nhã trong thang máy chỉ bị phạt 200.000 đồng khiến người dân nói nhiều lắm'.
Tăng mức phạt tiền tối đa là cần thiết
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, mức phạt hành chính cần nghiêm khắc như Nghị định 100/2019/NĐ-CP để mọi người dân hiểu được khi điều khiển phương tiện phải có ý thức không được uống rượu bia. Quy định này đã thực sự đi vào cuộc sống.
“Nhiều ý kiến cho rằng mức xử phạt phải căn cứ dựa vào mức sống của người dân. Người dân thu nhập thấp mà phạt cao thì với mức sống như vậy tiền đâu mà nộp phạt? Theo tôi, cần phải nghiêm túc nhìn nhận vấn đề này, nếu không có tiền nộp phạt thì tốt nhất đừng vi phạm. Mỗi cá nhân cần phải có ý thức tuân thủ quy định, có như vậy pháp luật mới đủ sức răn đe”.
Đồng tình với nội dung trên, Đại biểu Nguyễn Chiến (đoàn Hà Nội) cũng cho rằng, bài học rõ nhất là việc xử lý vi phạm nồng độ cồn theo Luật phòng, chống tác hại rượu bia với mức phạt hành chính cao và Nghị định 100/2019/NĐ-CP đã góp phần thay đổi thói quen của người dân khi tham gia giao thông. Người dân đã tự ý thức khi điều khiển phương tiện không sử dụng rượu bia. Do vậy việc tăng mức phạt hành chính có tính răn đe, nhất là ở những lĩnh vực vi phạm đang ở mức phổ biến.
Theo Đại biểu, so với Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành, Dự thảo luật được sửa đổi theo hướng tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực tại Điều 24 như giao thông đường bộ, kinh doanh bất động sản…; bổ sung mức phạt tối đa cho một số lĩnh vực chưa được quy định như tín ngưỡng, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn thông tin mạng.
Tuy vậy, cần nghiên cứu kỹ hơn việc tăng mức phạt trong từng lĩnh vực, đảm bảo việc tăng mức phạt tiền tối đa là có cơ sở đánh giá tác động cụ thể bảo đảm tương xứng với mức độ nguy hiểm của từng nhóm hành vi vi phạm.
“Có quan điểm cho rằng tăng mức phạt tối đa sẽ tạo ra tiêu cực như “bắt tay chung chia” – theo tôi, đó là do vấn đề tổ chức thực hiện, yếu tố con người nên phải có biện pháp khắc phục” – Đại biểu Chiến nhấn mạnh.
Cắt điện, nước là biện pháp ngăn chặn hay cưỡng chế?
Về nội dung nên coi cắt điện, nước là biện pháp ngăn chặn hay cưỡng chế, Đại biểu Đào Tú Hoa (đoàn Hà Nội) cho rằng, biện pháp này là biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính bởi biện pháp ngừng cung cấp điện nước tại các điểm vi phạm thực chất là biện pháp tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm. Trong trường hợp này công cụ, phương tiện vi phạm hành chính là điện nước.
Cũng theo đại biểu, với công trình xây dựng trái phép thì hành vi vi phạm hành chính có thể bị xử phạt và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như đình chỉ xây dựng, phá dỡ công trình. Nếu ngừng cung cấp điện nước tại các công trình thì đây là biện pháp ngăn chặn hành vi tiếp tục xây dựng trái phép chứ không phải biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm. Nếu coi đây là biện pháp cưỡng chế là không phù hợp.
Đại biểu Ngô Sách Thực (đoàn Bắc Giang) cũng nhận định, biện pháp ngừng cung cấp điện nước nên áp dụng là biện pháp ngăn chặn. Nếu coi đây là biện pháp xử lý vi phạm hành chính là vi phạm Bộ luật Dân sự (hợp đồng mua bán điện, nước là hợp đồng dân sự).
Trái ngược với quan điểm trên, Đại biểu Trần Văn Minh – Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN-MT nêu ý kiến, cần coi đây là biện pháp cưỡng chế với những lập luận mà Chính phủ nêu ra là ngăn chặn tối đa việc tiếp tục vi phạm, đảm bảo trật tự kỷ cương.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng nhận định, thực tế quá trình giải phóng mặt bằng để thu hút đầu tư, dù đầy đủ các điều kiện rồi nhưng có trường hợp vẫn chây ỳ không chấp hành và việc ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước cũng là biện pháp được tính đến.