Chủ tịch Quốc hội: Ngày 24/6 sẽ nhấn nút thông qua sáp nhập cấp tỉnh

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, hoàn thành toàn bộ sắp xếp bộ máy cấp tỉnh, huyện, xã theo đúng lộ trình đã đề ra.

Sáng nay, ngày 23/5, tiếp tục Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại tổ về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023; việc bổ sung ngân sách chi thường xuyên (nguồn viện trợ không hoàn lại nước ngoài) năm 2025.

Cùng với đó, thảo luận việc chuyển tiếp áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại một số địa phương sau khi thực hiện sắp xếp bộ máy, mở rộng địa giới hành chính theo chủ trương của Đảng, Nhà nước; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024; kết quả thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2024.

Đã thông qua 4 nghị quyết lớn, thể hiện quyết tâm cải cách thể chế

Phát biểu tại tổ 13, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, toàn bộ chương trình sáp nhập cấp xã phải hoàn thành trong tháng 6, sáp nhập cấp tỉnh sẽ được Quốc hội nhấn nút thông qua vào ngày 24/6. Đồng thời, không được lùi bước trước mục tiêu tăng trưởng 8% của năm 2025.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Tổ 13. Ảnh: Phạm Thắng

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Tổ 13. Ảnh: Phạm Thắng

Ngay phần mở đầu phát biểu, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao tinh thần làm việc khẩn trương, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội. Ông nhấn mạnh: “4 nghị quyết vừa qua, hầu như 100% đại biểu tán thành. Đây là khí thế chính trị rất cao, thể hiện quyết tâm của Quốc hội trong cải cách thể chế”.

Trong đó, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 66 về lĩnh vực khoa học - công nghệ và Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân. Hai nghị quyết này đều được thông qua trong ngày 17/5 với tỷ lệ gần như tuyệt đối. Ông Mẫn khẳng định: “Chúng ta đang làm việc với tinh thần hết sức tích cực, khẩn trương, tạo tiền đề tháo gỡ điểm nghẽn cho phát triển đất nước”.

Một trọng tâm khác là chương trình sắp xếp bộ máy. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định: “Tới ngày 24/6, Quốc hội sẽ nhấn nút thông qua phương án sáp nhập cấp tỉnh. Từ ngày 1/7, tổ chức bộ máy mới sẽ có hiệu lực. Các địa phương phải hoàn tất toàn bộ sắp xếp trước ngày 15/8”.

Đối với cấp xã, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu hoàn thành trong tháng 6/2025. Quá trình này gắn chặt với việc sửa đổi một số điều của Hiến pháp 2013 đặc biệt liên quan đến tổ chức bộ máy, phân cấp, phân quyền. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Pháp luật và các cơ quan soạn thảo: “Phải trân trọng tất cả ý kiến của nhân dân, chuyên gia, trí thức, đại biểu Quốc hội… để việc sửa đổi Hiến pháp thật chất lượng, bài bản, đúng định hướng chính trị”.

Ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, từ nay đến cuối năm 2025, đất nước sẽ bước vào giai đoạn cao điểm với các mốc lớn: Kỷ niệm 80 năm Quốc khánh 2/9, 80 năm thành lập nước, tổng tuyển cử Quốc hội khóa XVI, Đại hội Đảng các cấp.

Ngoài ra, ông cho biết, năm 2025, mục tiêu tăng trưởng được đặt ra là 8% và đã được tất cả địa phương đăng ký với Chính phủ. “Từ nay đến cuối năm, phải hiện thực hóa mục tiêu này. Đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm”, ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Do đó, ông yêu cầu Quốc hội, Chính phủ, địa phương phải tập trung tối đa. Mọi nội dung trình kỳ họp phải đi liền hành động, không hình thức, không trì trệ. Đặc biệt, ông đề nghị các đại biểu dù không phát biểu tại hội trường cũng phải chủ động gửi góp ý cho cơ quan soạn thảo, không được thụ động.

Kịp thời điều chỉnh quy hoạch trong bối cảnh sáp nhập

Góp ý thảo luận tại Tổ 13, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đoàn Đắk Lắk) đề nghị Chính phủ phải tập trung rà soát tổng thể các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, chọn các vấn đề then chốt còn vướng mắc để tập trung tháo gỡ, trên cơ sở đó, xác định rõ những nhiệm vụ, giải pháp đột phá trong các tháng còn lại của năm 2025.

Quang cảnh phiên thảo luận Tổ 13

Quang cảnh phiên thảo luận Tổ 13

Đại biểu cũng đề nghị, cần có các giải pháp tập trung hỗ trợ cho những địa phương còn nhiều khó khăn; tập trung chỉ đạo, giám sát, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc để cùng với địa phương tháo gỡ mới mong đạt được mục tiêu tăng trưởng cả nước 8% trở lên.

Nêu một số đề xuất cụ thể, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo kịp thời vấn đề điều chỉnh quy hoạch trong bối cảnh sáp nhập một số tỉnh, sắp xếp đơn vị hành chính sẽ tác động đến các quy hoạch đã được phê duyệt trước đó. Trong đó, cần xác định lại quy hoạch tổng thể của vùng kinh tế trong cả nước và quy hoạch của địa phương trong các tỉnh, thành phố sau sáp nhập; quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm gắn liền với vấn đề an ninh quốc phòng và tăng trưởng của các địa phương.

Đánh giá cao việc Chính phủ, các bộ, địa phương đang mở cuộc tấn công trấn áp tội phạm liên quan tới gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt cũng cho rằng, sự phối hợp giải quyết của các cơ quan chức năng trong lĩnh vực này thời gian qua cũng chưa hết ngọn ngành. Do vậy, phải có các giải pháp căn cơ hơn nữa để khắc phục tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan hiện nay.

Chiều 23/5, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Hoàng Nhưỡng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chu-tich-quoc-hoi-ngay-246-se-nhan-nut-thong-qua-sap-nhap-cap-tinh-388955.html