Chủ tịch Quốc hội nhắc nhở Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt trả lời 'lạc đề'
Sáng 7/6, Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Huỳnh Thành Đạt với nhóm vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm. Mở đầu đã có 120 ĐBQH đăng ký chất vấn, vượt kỷ lục của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trong kỳ chất vấn này với 99 đại biểu đăng ký.
ĐBQH Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) chất vấn nguyên nhân vì sao thị trường KH&CN của Việt Nam chưa phát triên và đâu là giải pháp đặt ra? ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau) hỏi Bộ trưởng, năm qua, trong số những đề tài nghiên cứu sử dụng Ngân sách Nhà nước, có bao nhiêu đề tài ứng dụng, bao nhiêu đề tài mang lại kết quả thiết thực? Bên cạnh đó, đâu là điểm "kích nổ" về chính sách để Việt Nam bứt phá về công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý Nhà nước, phát triển kinh tế và bảo vệ quốc phòng, an ninh của Tổ quốc?
Cho rằng, kết quả từ nghiên cứu khoa học đưa vào sản xuất kinh doanh luôn tồn tại rủi ro, các sản phẩm không cạnh tranh được với những sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài, việc sử dụng kinh phí cho hoạt động nghiên cứu sáng tạo dễ bị vi phạm các quy định của pháp luật về tài chính và đầu tư, ĐBQH Nguyễn Duy Minh (Đà Nẵng) đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm và giải pháp để khuyến khích phát triển được nhiều phát minh, sáng chế từ các công trình khoa học nghiên cứu ở trong nước?
Trả lời nhóm câu hỏi chất vấn nêu trên, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, thời gian qua, Bộ KH&CN đã ban hành nhiều quy định, thông tư thúc đẩy việc áp dụng KH&CN và nhiều công nghệ mới, tiên tiến đã được ứng dụng, triển khai, mang lại hiệu quả trong các lĩnh vực y tế, viễn thông, giao thông vận tải... Những kết quả này là sự cố gắng từ các cơ quan lãnh đạo, trực tiếp là các doanh nghiệp chúng ta.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng khẳng định còn hạn chế về cơ chế chính sách, khó phát huy, tiếp cận đối với các doanh nghiệp. Nguồn lực ngân sách đầu tư lĩnh vực này còn khiêm tốn, cơ sở hạ tầng hạn chế... Thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh lại cơ chế chính sách, trực tiếp Bộ sẽ điều chỉnh những quy định cho phù hợp. Cùng với đó sẽ thúc đẩy chương trình tìm kiếm, chuyển giao, làm chủ, phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam để tăng năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp. "Đây là giải pháp căn cơ nhất" - ông nhấn mạnh.
Liên quan câu hỏi của đại biểu Trần Chí Cường về trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, Bộ đã xây dựng, hoàn thiện đề án thành lập Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo quốc gia tại 3 thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, dự kiến trong tháng 6 hoặc đầu tháng 7 sẽ ban hành các quyết định thành lập 3 trung tâm này. Các trung tâm này được lập với mục tiêu khai thác nguồn lực địa phương dành cho đổi mới sáng tạo, hướng tới áp dụng các mô hình thử nghiệm chính sách trong các lĩnh vực mới, chưa có quy định nhằm khuyến khích đổi mới, sáng tạo, làm cơ sở để đúc kết kinh nghiệm, nhân rộng hoặc điều chỉnh kịp thời các chính sách, mô hình triển khai trên phạm vi quốc gia...
Về câu hỏi của đại biểu Lê Thanh Vân, Bộ trưởng Bộ KH&CN khẳng định, năm qua, Đảng, Nhà nước, Quốc hội rất quan tâm hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo. "Trong bối cảnh kinh tế rất khó khăn nhưng Chính phủ kiến nghị và Quốc hội đã bố trí kinh phí cho Bộ KH&CN, mặc dù không đáp ứng tiêu chuẩn 2%...", ông nói.
Từ ghế chủ tọa, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắc Bộ trưởng đã... "lạc đề", vì đại biểu không hỏi bao nhiêu tiền mà bao nhiêu đề tài? "Cùng với đó, giải pháp bứt phá là gì, đề nghị Bộ trưởng tập trung trả lời trọng tâm câu hỏi", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Hơi lúng túng, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, hoạt động nghiên cứu KH&CN là hoạt động đặc thù, đề tài nghiên cứu khoa học có thể thành công hoặc thất bại, có thể thành công sớm hoặc thành công muộn. Cho nên, việc tính toán cụ thể bao nhiêu đề tài đã đưa vào ứng dụng là việc khó xác định.
"Cái quan trọng ở đây là làm sao chúng ta xác định được những kết quả đó trước hết phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhưng đồng thời cũng phục vụ nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của các nhà khoa học chúng ta, đóng góp uy tín cho các viện nghiên cứu khoa học, góp phần siết lại các trường đại học trong khu vực", Bộ trưởng Bộ KH&CN lý giải.
Cũng theo Bộ trưởng, các đề tài nghiên cứu có rủi ro hoặc độ trễ, không phải lúc nào cũng có kết quả, vì công tác chuyển giao, thương mại hóa đưa vào sử dụng không phải là nhiệm vụ chính của các nhà khoa học, mà là nhiệm vụ của bên trung gian kết nối. Nhà nước cũng tạo cơ chế chính sách khuyến khích sao cho ngày càng nhiều kết quả chuyển giao từ các nhà trường, viện nghiên cứu... Tới đây, Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ, Quốc hội có điều chỉnh sao cho khuyến khích sự chuyển giao này, đáp ứng nhu cầu.
Giơ biển tranh luận, ĐBQH Lê Thanh Vân đánh giá Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đã rất cầu thị, nhận ra công tác thống kê, quản lý của ngành mình như thế là chưa đạt. "Nhưng điểm kích nổ trong chính sách để Việt Nam bứt phá về KH&CN thì Bộ trưởng trả lời như thế chúng tôi chưa hài lòng. Có lẽ tôi nghĩ và nhiều người khác cũng nghĩ, điểm kích nổ trong chính sách để công nghệ Việt Nam bứt phá chính là nhân tài. Chỉ có nhân tài, nhất là nhân tài KH&CN mới có thể làm thay đổi diện mạo KH&CN của Việt Nam" - ông thẳng thắn.
Theo đại biểu, những ứng dụng trong quản lý, phát triển kinh tế, đặc biệt trong phòng thủ quốc gia, bảo vệ ANTT, nếu không có công nghệ hiện đại, chúng ta sẽ thua xa các nước, trước hết là các nước bên cạnh. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 không chỉ làm cho thế giới xung quanh thay đổi mà bản thân chúng ta cũng phải thay đổi để thích ứng. "Tại Việt Nam hiện nay, thứ tự ưu tiên cho chính sách đẩy mạnh, kích nổ trong KH&CN theo tôi đó là nhân tài trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, blockchain, công nghệ thông tin... tôi xin gợi ý Bộ trưởng", ông nêu.
Giải trình thêm, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cảm ơn đại biểu đã có những chia sẻ và khẳng định sẽ có những nghiên cứu sâu hơn. Về gợi ý chính sách về con người trong kích nổ phát triển KH&CN tại Việt Nam phục vụ phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh, ông khẳng định đã nhận ra, sắp tới Bộ sẽ trình đề án về đội ngũ tri thức giai đoạn từ nay đến năm 2030, sẽ lưu ý vấn đề này để thể hiện trong đề án ấy...