Chủ tịch Quốc hội: Sửa Luật Viễn thông, tạo nền tảng cho công cuộc chuyển đổi số

'Sửa Luật Viễn thông nhìn rộng ra sẽ tạo nền tảng cho công cuộc chuyển đổi số, hướng tới xã hội số, công dân số', Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Ngày 10/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi). Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trên thế giới có 2 công cuộc chuyển đổi không ai đứng ngoài cuộc là chuyển đổi năng lượng và chuyển đổi số.

Trong đó, chuyển đổi số liên quan chủ quyền số quốc gia, an toàn, an ninh phi truyền thống, có nhiều cơ hội nhưng thách thức lớn. “Luật Viễn thông nhìn rộng ra sẽ tạo nền tảng cho công cuộc chuyển đổi số, hướng tới xã hội số, công dân số”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Tập trung chính sách lớn thì tuổi thọ luật mới dài

Chủ tịch Quốc hội điểm lại một số luật đã sửa vừa qua liên quan đến chuyển đổi số và khẳng định, việc sửa Luật Viễn thông nằm trong tổng thể phục vụ cho công cuộc chuyển đổi số, đặt trong tổng thể để phù hợp với các luật khác.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Luật Viễn thông năm 2009 chủ yếu tập trung điều chỉnh “hoạt động kinh doanh viễn thông”, còn dự thảo lần này xác định rộng hơn là “hoạt động viễn thông”.

Hoạt động viễn không chỉ đơn thuần là kinh doanh thuần túy. Trong đó bao gồm cả quyền tham gia hoạt động viễn thông; quyền được bảo đảm an toàn viễn thông, cả bên cung cấp lẫn bên sử dụng dịch vụ; vấn đề cạnh tranh bình đẳng trong hoạt động viễn thông...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, ban soạn thảo có nhiều nỗ lực đi theo hướng này, đi vào điều khoản rất tốt nhưng cần tập trung chính sách lớn thì tuổi thọ luật mới dài hạn.

Lưu ý luật này có vấn đề xuyên biên giới nên cả trong nước và nước ngoài đều rất quan tâm, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Chuyển đổi số liên quan chủ quyền số quốc gia, an toàn an ninh thông tin, những nước đi sau như mình lại có cơ hội”.

Về cam kết quốc tế, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ có 5 nhóm phải được rà soát để hoàn thiện dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) gồm: Cam kết mở cửa thị trường; Cam kết về thể chế, môi trường kinh doanh viễn thông; Cam kết liên quan đến luật pháp quốc tế nói chung; Các quy định về thủ tục tại các diễn đàn, tổ chức chuyên môn; Các khái niệm trong lĩnh vực viễn thông đã được định nghĩa trong các điều ước quốc tế.

Đi vào nội dung cụ thể, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, OTT ngày càng phổ biến, ảnh hưởng rất lớn tới đời sống xã hội, quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức.

Trong dự án luật thuyết minh một số nước Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc xây dựng luật này với tính chất là các dịch vụ viễn thông, cho nên bổ sung là cần thiết để đảm bảo lợi ích quốc gia, lợi ích người tiêu dùng. Đây là quan điểm của cơ quan soạn thảo.

Ý kiến khác đề nghị cân nhắc đưa 3 dịch vụ này vào dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) ở mức độ phù hợp, đảm bảo khuyến khích phát triển công nghệ viễn thông, không ảnh hưởng hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài ở Việt Nam.

Ý kiến này cũng đề nghị nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để quy định cụ thể hơn việc kinh doanh trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, OTT về cấp độ và điều kiện quản lý.

“Cá nhân tôi và Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo hướng này”, Chủ tịch Quốc hội nói. Ông lưu ý, quy định không phù phù hợp sẽ rất phức tạp khi tổ chức triển khai. Vì vậy yêu cầu dự luật phải có cái nhìn toàn diện.

“Đừng nghĩ luật mang tính kỹ thuật như thế này không có tác động lớn, đây là cuộc chơi các nước rất quan tâm. Điều quan trọng khi xây dựng luật là đi đúng quan điểm lớn, sau này thiết kế về kỹ thuật sẽ không khó lắm”, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Một số ý kiến khác bày tỏ băn khoăn về cách thức cung cấp dịch vụ như quy định của dự thảo Luật bởi việc quản lý, cung cấp dịch vụ OTT vẫn là chủ đề còn gây tranh cãi ở nhiều quốc gia.

Sửa đổi luật là “quá cần thiết”

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) nhận xét, thi hành Luật Viễn thông năm 2009 đến nay đã 13 năm, có “tuổi thọ” tương đối tốt.

Theo đại biểu tỉnh Quảng Trị, lĩnh vực viễn thông qua mỗi năm chuyển động rất nhanh, công nghệ đi rất xa nhưng khuôn khổ pháp lý lại ban hành từ khá lâu, cho nên lần sửa đổi này là “quá cần thiết”.

Theo ông Thắng, tổng quan dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) đã “chạm” đến những điều cơ bản từ phạm vi điều chỉnh đến quyền của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động viễn thông….

Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng

Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng

Cho rằng dự thảo còn đang nặng về kinh doanh viễn thông, còn các nội dung khác chưa được thể hiện rõ nét, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại các chương, điều để điều chỉnh cho hợp lý.

Liên quan đến Điều 4 nói về chính sách của Nhà nước về viễn thông “tạo điều kiện cho các tổ chức, mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư, kinh doanh viễn thông để tạo bứt phá trong phát triển hạ tầng viễn thông”, đại biểu nhận xét từ “bứt phá” không phải ngôn ngữ của luật mà giống nghị quyết, chương trình hành động, cho nên không nên dùng từ này.

Phát biểu tại tổ đại biểu đoàn Hà Nội, đại biểu Tạ Đình Thi (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội) cho biết, Nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định hạ tầng số là thiết yếu và bảo đảm an toàn thông tin mạng là then chốt, đi nhanh và đi trước.

Theo đại biểu đoàn Hà Nội, mục tiêu đến năm 2025 kinh tế số chiếm tỷ trọng khoảng 20%. Cùng với đó, chúng ta cũng đặt ra mục tiêu xã hội số, tức là bao gồm công dân số, xã hội số.

“Để đạt được những mục tiêu như vậy, chúng ta phải xây dựng thể chế và Luật Viễn thông nằm trong kế hoạch đó”, đại biểu Tạ Đình Thi nói.

Theo ông Thi, trong quá trình tổng kết Luật Viễn thông năm 2009 đã chỉ rõ những nội dung cần thiết phải sửa đổi, bổ sung để đáp ứng được yêu cầu của thực tế.

Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã nhấn mạnh nội dung sửa luật lần này là mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với các nội dung như: Dịch vụ trung tâm dữ liệu; Điện toán đám mây; Dịch vụ viễn thông để phù hợp với bối cảnh phát triển mới.

“Trong dự thảo Luật, những nội dung này tôi thấy cơ bản đáp ứng được yêu cầu”, ông Thi nói.

Đại biểu Lý Văn Huấn, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Thái Nguyên đề nghị bổ sung trong các điều cấm một số hành vi: “Lợi dụng chức vụ quyền hạn liên quan đến làm lộ lọt thông tin”; “dùng kỹ thuật can thiệp vào hoạt động viễn thông”…

Ngoài ra, ông cũng nêu thực tế qua hoạt động truy tố, xét xử, rất nhiều tội phạm liên quan đến hoạt động viễn thông, mặc dù cơ quan điều tra, VKS, tòa án yêu cầu cung cấp tài liệu nhưng rất chậm trễ. Điều này gây rất khó khăn cho cơ quan điều tra.

“Ví dụ với tội phạm lừa đảo qua mạng, những thông tin định danh cá nhân, liên quan hoạt động ngân hàng,… cơ quan điều tra rất muốn được cung cấp kịp thời nhưng các cơ quan cung cấp rất chậm, dẫn đến điều tra không hiệu quả”, đại biểu Huấn dẫn chứng.

Vì vậy, đại biểu Huấn bày tỏ mong muốn trong luật này quy định, khi có yêu cầu của các cơ quan tố tụng thì các cơ quan Nhà nước, trong đó có viễn thông, phải cấp thông tin kịp thời và có thời hạn rõ ràng để đảm bảo tiến độ điều tra.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chu-tich-quoc-hoi-sua-luat-vien-thong-tao-nen-tang-cho-cong-cuoc-chuyen-doi-so-2153213.html