Chủ tịch Quốc hội: Tạo cơ chế đột phá cho khoa học công nghệ, chuyển đổi số

Từ những tồn tại, hạn chế của hệ thống pháp luật về khoa học, công nghệ và chuyển đổi số quốc gia, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần nhận diện đúng, đầy đủ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn, rào cản để tháo gỡ, xóa bỏ; nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy về vị trí, vai trò của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số...

Cơ chế đầu tư chưa phù hợp

Tại hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia do Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức ngày 13/1, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, hiện nay, hệ thống pháp luật về khoa học, công nghệ có 4 luật chính: Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Công nghệ cao, Luật Chuyển giao công nghệ và Luật Sở hữu trí tuệ. Cùng đó l à hàng chục luật, nghị định và thông tư khác. Riêng lĩnh vực chuyển đổi số, có 8 luật chính, 4 nghị quyết của Chính phủ và hơn 160 văn bản hướng dẫn.

Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua 8 luật liên quan, cùng 29 luật và 41 nghị quyết ở các kỳ họp thứ 7 và 8. Những văn bản này tập trung vào việc tạo lập cơ sở dữ liệu số, cơ chế quản lý, chính sách ưu đãi, và thử nghiệm kiểm soát các hoạt động nghiên cứu, sản xuất sản phẩm, dịch vụ, cũng như các mô hình kinh doanh mới.

Theo Chủ tịch Quốc hội, hệ thống văn bản pháp luật hiện nay đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi về đầu tư, tài chính, phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy các hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội đã chỉ ra những hạn chế cơ bản của hệ thống pháp luật về khoa học, công nghệ và chuyển đổi số quốc gia.

Thứ nhất, thiếu đồng bộ, thống nhất, dẫn đến một số cơ chế khuyến khích, thúc đẩy trong những lĩnh vực này không phát huy được tác dụng.

Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, hệ thống pháp luật về khoa học, công nghệ và chuyển đổi số quốc gia còn những hạn chế cơ bản.

Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, hệ thống pháp luật về khoa học, công nghệ và chuyển đổi số quốc gia còn những hạn chế cơ bản.

Thứ hai, cơ chế đầu tư, tài chính cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa thực sự phù hợp, chưa khuyến khích, thu hút đầu tư từ xã hội.

Thứ ba, cơ chế đầu tư, tài chính để triển khai hoạt động chuyển đổi số còn khó khăn, chưa được tháo gỡ chưa kịp thời; việc phân bổ nguồn tài chính cho các nhiệm vụ, đề án, dự án có phạm vi quy mô quốc gia còn chậm và triển khai phức tạp, mất nhiều thời gian.

5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá về thể chế

Chủ tịch Quốc hội cho biết, Nghị quyết 57 đề ra 7 nhiệm vụ, giải pháp. Qua rà soát cho thấy, với hơn 100 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, trong đó có 16 nhiệm vụ đặt ra yêu cầu cần nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách, có thể coi là rất mới như: phát triển ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật; đầu tư, xây dựng trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây; hình thành hạ tầng lưu trữ đạt tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn xanh; xây dựng các cơ sở dữ liệu lớn, hình thành ngành công nghiệp dữ liệu lớn của Việt Nam; xây dựng một số trường, trung tâm đào tạo tiên tiến chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo…

Trên cơ sở đó, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị tập trung vào 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Thứ nhất, nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy về vị trí, vai trò của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước cùng các đại biểu thăm quan các gian hàng công nghệ tại hội nghị. (Ảnh: VGP).

Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước cùng các đại biểu thăm quan các gian hàng công nghệ tại hội nghị. (Ảnh: VGP).

Thứ hai, đổi mới mạnh mẽ tư duy, phương thức, quy trình thủ tục trong hoạt động xây dựng pháp luật. Tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách hành chính; chuyển mạnh từ luật thiên về quản lý sang kết hợp hài hòa giữa quản lý có hiệu quả với kiến tạo phát triển, khuyến khích đổi mới sáng tạo, kiên quyết từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”.

Thứ ba, tổ chức hoàn thiện pháp luật phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Trong đó, phối hợp tổ chức rà soát, sơ kết, tổng kết, đánh giá việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan, nhận diện đúng, đầy đủ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn, rào cản để tháo gỡ, xóa bỏ.

"Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15 đến nay, qua rà soát bước đầu cho thấy pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vẫn còn 2 nghị định chưa được sửa đổi hoặc thay thế, 1 thông tư chưa được ban hành; pháp luật về chuyển đổi số cũng còn 4 nghị định và 1 thông tư chưa ban hành theo tiến độ", Chủ tịch Quốc hội nêu.

Thứ tư, trên tinh thần đó, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức rà soát hệ thống pháp luật có liên quan; thể chế đầy đủ, kịp thời, đồng bộ theo đúng yêu cầu của Nghị quyết 57.

Thứ 5, Ban cán sự đảng Chính phủ, Chính phủ, các bộ, ngành: chú trọng việc tổ chức đánh giá, tổng kết thi hành, rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới pháp luật trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số bảo đảm yêu cầu chất lượng, tiến độ theo quy định. Đôn đốc việc xây dựng ban hành kịp thời, đầy đủ các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện luật.

Đề nghị Hội đồng nhân dân các cấp: căn cứ tình hình thực tiễn, phối hợp ban hành cơ chế, chính sách theo thẩm quyền để khuyến khích, thúc đẩy phát triển nghiên cứu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn...

Nguyệt Minh

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/cong-nghe/chu-tich-quoc-hoi-tao-co-che-dot-pha-cho-khoa-hoc-cong-nghe-chuyen-doi-so/20250113121810210