Chủ tịch Quốc hội thăm Ấn Độ: Xung lực mới cho quan hệ 'trong sáng như bầu trời không gợn bóng mây'

Theo Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu, chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa mang tính biểu tượng, vừa có ý nghĩa thực chất, tạo ra nhiều xung lực mới cho quan hệ truyền thống Việt Nam-Ấn Độ.

Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Ấn Độ)

Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Ấn Độ)

Nhận lời mời của Chủ tịch Hạ viện Cộng hòa Ấn Độ Om Birla và Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Ấn Độ Venkaiah Naidu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam sẽ thăm chính thức Cộng hòa Ấn Độ từ ngày 15-19/12.

Nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu đã chia sẻ với báo TG&VN về ý nghĩa của chuyến thăm và công tác chuẩn bị của Đại sứ quán cho sự kiện quan trọng này.

Xin Đại sứ cho biết mục đích và ý nghĩa của chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đặc biệt trong bối cảnh hai nước đang hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao?

Chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ diễn ra trong năm đầu triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, năm đầu tiên nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Chính phủ mới. Điều đó cho thấy Việt Nam hết sức coi trọng Ấn Độ và mối quan hệ với Ấn Độ.

Chuyến thăm thể hiện sự tiếp nối truyền thống trao đổi Đoàn cấp cao giữa hai nước và bề dày mối quan hệ truyền thống hữu nghị tốt đẹp mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru và các thế hệ lãnh đạo hai nước đã dày công vun đắp.

Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hạn chế các hoạt động trao đổi đối ngoại trực tiếp giữa các quốc gia suốt hai năm qua, và nhất là khi hai nước đang hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, chuyến thăm sẽ tạo cú huých đặc biệt cho quan hệ song phương trên tất cả các lĩnh vực quan trọng, từ chính trị, quốc phòng-an ninh tới kinh tế-thương mại-đầu tư, văn hóa và giao lưu nhân dân.

Đồng thời, chuyến thăm cũng sẽ góp phần đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác giữa nghị viện hai nước.

Ấn Độ là nước rất lớn, theo thể chế liên bang nên Quốc hội Ấn Độ có tiếng nói nhất định đối với các vấn đề đối ngoại. Sự ủng hộ của Quốc hội và nhân dân Ấn Độ là yếu tố nền tảng để quan hệ song phương phát triển lành mạnh và hiệu quả. Theo đó, chuyến thăm sẽ giúp thúc đẩy hơn nữa chính sách Hành động hướng Đông của Chính phủ Ấn Độ và Quốc hội Ấn Độ sẽ giúp chính sách được triển khai một cách nhất quán, tạo ra nhiều xung lực mới cho quan hệ Việt Nam-Ấn Độ.

Với ý nghĩa đó, chuyến thăm của người đứng đầu cơ quan lập pháp của Việt Nam vừa mang tính biểu tượng cho quan hệ hợp tác giữa hai nước, vừa có ý nghĩa thực chất. Tôi tin rằng chuyến thăm sẽ đưa quan hệ hai nước tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Quan hệ Việt Nam-Ấn Độ gắn bó từ lâu đời và ngày càng phát triển tốt đẹp, hiệu quả, với sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau giữa nhân dân hai nước. Tổng quan về mối quan hệ này, Đại sứ có nhận định gì?

Quan hệ Việt Nam-Ấn Độ là một mối quan hệ có tính chất truyền thống và hữu nghị. Giao lưu nhân dân giữa hai nước có lịch sử lâu đời, trên 2.000 năm gắn liền với quá trình Đạo Phật được truyền bá vào Việt Nam.

Trong hơn 2.000 năm qua, hai bên luôn duy trì quan hệ hữu hảo, không có những mâu thuẫn lớn. Hai nước cũng như nhân dân hai nước ủng hộ, hỗ trợ lẫn nhau trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc. Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói, mối quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ "trong sáng như bầu trời không gợn bóng mây".

Hiện nay, hai nước chia sẻ nhiều điểm đồng. Quan điểm của hai nước về các vấn đề quan trọng ở khu vực và thế giới tương đối tương đồng. Cả hai nướ đều là các nền kinh tế mới nổi, ngày càng trở nên quan trọng trong cơ cấu kinh tế toàn cầu. Quan trọng hơn, cả hai nước đều ở khu vực châu Á-Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, khu vực phát triển năng động nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn.

Chính vì vậy, quan hệ Việt Nam-Ấn Độ bền chặt sẽ góp phần tạo dựng một nền hòa bình lâu dài, ổn định và công bằng trên cơ sở của luật pháp quốc tế. Không phải ngẫu nhiên mà Ấn Độ trở thành một trong ba Đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam.

Những năm qua, quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Ấn Độ đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ và toàn diện. Có 5 điểm sáng lớn trong quan hệ hai nước hiện nay.

Về chính trị, hai bên thường xuyên có các cuộc gặp, trao đổi, tiếp xúc cấp cao. Tin cậy chính trị và lòng tin chiến lược không ngừng được củng cố. Đây là nền tảng quan trọng cho mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện thực chất.

Hợp tác quốc phòng an ninh không ngừng mở rộng. Ấn Độ đã và đang giúp Việt Nam đào tạo cán bộ, sĩ quan; hai bên tăng cường hợp tác nghiên cứu, chia sẻ thông tin.

Quan hệ kinh tế-thương mại-đầu tư có tiềm năng lớn và đang có những bước phát triển vững chắc. Kim ngạch thương mại trong 20 năm qua đã tăng từ 200 triệu USD/năm lên mức 13 tỷ USD.

Hiện đang có một trào lưu các nhà đầu tư Ấn Độ muốn đầu tư vào Việt Nam. Ở mảng này, tới nay, vẫn cần có những bước đột phá mới để khơi thông nguồn vốn từ Ấn Độ sang Việt Nam và ngược lại.

Cho tới thời điểm này, có khoảng 16 nhà đầu tư Ấn Độ đặc biệt quan tâm, và muốn đầu tư vào Việt Nam. Chúng tôi dự báo sẽ có một làn sóng các tỷ phú, đại gia của Ấn Độ “đổ bộ” vào Việt Nam trong rất nhiều lĩnh vực; kể cả lĩnh vực cơ sở hạ tầng như cảng biển, cảng hàng không cũng như năng lượng, thậm chí cả khai thác dầu và chế biến hóa dầu. Đây là những ngành kinh tế quan trọng cho đất nước.

Hợp tác khoa học-kỹ thuật là một điểm rất mới và đã có nhiều bước phát triển quan trọng, nhất là an ninh hạt nhân, an ninh mạng, giống cây trồng, con giống…

Giao lưu nhân dân có những bước phát triển mạnh trên nền tảng mối quan hệ lâu đời và các điểm tương đồng văn hóa, nhất là Phật giáo.

Nhìn chung, mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Ấn Độ thể hiện ở sự tin cậy cao về mặt chiến lược, giao lưu giữa nhân dân hai nước và sự gắn kết, gần gũi về giá trị văn hóa, văn minh giữa hai dân tộc.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma, ngày 29/11. (Nguồn: TTXVN)

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma, ngày 29/11. (Nguồn: TTXVN)

Trong đại dịch Covid-19, mối quan hệ hữu nghị quý báu giữa hai nước đã phát huy ra sao? Hậu Covid-19, hai nước cần tiếp nối truyền thống đó như thế nào, thưa Đại sứ?

Trong thời gian dịch Covid-19, bên cạnh tiếp tục thúc đẩy quan hệ trên nhiều mặt chính trị, quốc phòng-an ninh, kinh tế... hai bên tích cực trao đổi, chia sẻ thông tin về tình hình và các biện pháp ứng phó với đại dịch. Sự tin tưởng, phối hợp, chia sẻ giữa hai nước không ngừng tăng.

Phát huy truyền thống đoàn kết, nhân ái, tương trợ lâu đời, ngay trong thời kỳ đầu dịch bùng phát và lan rộng toàn thế giới, Chính phủ, nhân dân, Phật tử Việt Nam đã nỗ lực ủng hộ Chính phủ, nhân dân Ấn Độ vượt qua khó khăn. Nhiều đợt quà tặng của Việt Nam đã được chuyển đến người dân Ấn Độ, với hơn 233 máy tạo oxy, 800 bình oxy, 244 máy trợ thở, 50.000 khẩu trang y tế, thiết bị y tế, lương thực, thực phẩm.

Nhiều nhóm thiện nguyện thông qua các ni sư đang học tập tại Ấn Độ đã trực tiếp kết nối, tặng trang thiết bị y tế, khẩu trang, nước rửa tay cho các nhân viên tuyến đầu chống dịch và tặng thực phẩm cho một số khu vực bị ảnh hưởng nặng tại Ấn Độ.

Khi Việt Nam bị dịch bệnh tấn công, Ấn Độ ngay lập tức điều một tàu chiến để chuyển 300 máy tạo oxy và 100 tấn oxy y tế lỏng cho Việt Nam; tạo điều kiện cho các thỏa thuận cung cấp cho Việt Nam khoảng 3-4 triệu liều thuốc điều trị Covid-19 và tá dược sản xuất thuốc.

Đây là một nỗ lực quan trọng của Ấn Độ trong bối cảnh đất nước bạn trở thành tâm dịch lớn thứ hai thế giới. Trong tháng 4 và tháng 5 năm 2021, số ca nhiễm, tử vong tại Ấn Độ cao nhất thế giới. Với dân số gần 1,4 tỷ người, sản lượng vaccine của Ấn Độ lúc đó cung không đủ cầu. Vaccine, thuốc, thiết bị y tế khan hiếm nghiêm tọng buộc bạn phải áp lệnh cấm xuất khẩu vaccine Covid-19 cho đến khi đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và hạn chế xuất khẩu thuốc điều trị.

Các hành động chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau trong thời điểm khó khăn chưa từng có tiền lệ này là sự động viên tinh thần to lớn, là thông điệp về tình đoàn kết và cam kết mạnh mẽ trong cuộc chiến cam go với dịch bệnh hiện nay, là hành động thiết thực thể hiện tình đoàn kết và tinh thần nhân ái của nhân dân Việt Nam và nhân dân Ấn Độ trong cuộc chiến chống đại dịch.

Những tương tác, trao đổi trong thời gian đại dịch vừa qua đang mở ra nhiều triển vọng, cơ hội thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực khoa học-công nghệ và thương mại-đầu tư trong lĩnh vực y tế, dược phẩm, sản xuất thuốc, sản xuất và thử nghiệm vaccine Covid-19.

Hợp tác với Ấn Độ có thể giúp Việt Nam nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển và sản xuất thuốc, vaccine. Nhiều doanh nghiệp lớn của Ấn Độ và Việt Nam đã bắt đầu các cuộc trao đổi tìm kiếm khả năng, phương thức hợp tác trong sản xuất, kinh doanh dược phẩm.

Ngoài ra, việc hợp tác cũng tăng thêm kim ngạch trao đổi giữa hai nước, đóng góp vào mục tiêu kim ngạch xuất nhập khẩu 15 tỷ USD. Hai bên cần nắm bắt tốt các cơ hội đang mở ra này.

Trước chuyến thăm ý nghĩa này của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Đại sứ quán đã tiến hành công tác chuẩn bị như thế nào? Đại sứ kỳ vọng gì về chuyến thăm này?

Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm đại dịch Covid-19 trên thế giới không ngừng có những diễn biến phức tạp, khiến chính sách đối với di chuyển quốc tế của các quốc gia liên tục có các điều chỉnh.

Trong bối cảnh đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã và đang tập trung toàn lực, toàn tâm toàn ý chuẩn bị cho các hoạt động của chuyến thăm.

Một mặt, chúng tôi liên tục kết nối với các đầu mối cơ quan liên quan của bạn nhằm chuẩn bị cho các cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước, các bộ, ngành hai bên, kết nối các doanh nghiệp nhằm mở rộng cơ hội trao đổi, đầu tư.

Mặt khác, chúng tôi phải liên tục bám sát diễn biến tình hình dịch tại địa bàn, các điều chỉnh chính sách của bạn để kịp thời báo cáo trong nước, chuẩn bị sẵn các phương án để bảo vệ an toàn cho Đoàn và các thành viên, các kịch bản để ứng phó với khẩn cấp.

Chúng tôi xác định rõ chuyến thăm là nhiệm vụ chính trị hàng đầu của cơ quan hiện nay, không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với việc củng cố, tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, mà còn góp phần thúc đẩy giao thương phục vụ phục hồi và phát triển. Tôi kỳ vọng chuyến thăm sẽ giúp khai thông cho một làn sóng đầu tư mới từ Ấn Độ vào Việt Nam.

Xin cảm ơn Đại sứ!

Thu Trang

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chu-tich-quoc-hoi-tham-an-do-xung-luc-moi-cho-quan-he-trong-sang-nhu-bau-troi-khong-gon-bong-may-167902.html