Chủ tịch Quốc hội thăm, tặng quà công nhân, người lao động tỉnh Đắk Lắk
Sáng 30/6, nhân chuyến công tác tại tỉnh Đắk Lắk, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác của Trung ương đã đến thăm, tặng quà công nhân, người lao động gặp khó khăn do tác động bởi đại dịch COVID-19.
Cùng tham dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến; Bí thư Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương Y Thanh Hà Niê Kđăm; Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung; Thường trực một số Ủy ban của Quốc hội và lãnh đạo một số bộ, ngành, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường và các thành viên Đoàn công tác đã trao 50 suất quà tặng các công nhân, người lao động gặp khó khăn do tác động bởi đại dịch COVID-19.
Trò chuyện với công nhân, người lao động tại đây, Chủ tịch Quốc hội cho biết, đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư với phạm vi tác động mạnh hơn, lây lan trong một số khu công nghiệp, khu dân cư đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hoạt động của nền kinh tế và sinh kế của người dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự đồng lòng của người dân cả nước, chúng ta tiếp tục thực hiện thành công mục tiêu kép, vừa kiểm soát dịch bệnh vừa chăm lo phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm các hoạt động bình thường khác của hệ thống chính trị.
Quý II/2021, chúng ta vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng trên 3%, sáu tháng đầu năm đạt 5,64%, xuất khẩu tăng trưởng khá ấn tượng. Chính phủ vẫn kiên định phấn đấu mục tiêu tăng trưởng năm nay đạt 6,5%, cao hơn mức Quốc hội đề ra.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trước những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, đối với hoạt động của doanh nghiệp, sinh kế của người dân, nhất là tác động từ đợt dịch lần thứ tư khi lây lan trong khu công nghiệp, Bộ Chính trị đã bàn và quyết định tiếp tục có các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, kể cả khu vực lao động phi chính thức. Bộ Chính trị đã giao Đảng đoàn Quốc hội phối hợp chặt chẽ với Ban cán sự Đảng Chính phủ để có thể công bố và triển khai sớm gói hỗ trợ này trên cơ sở rút kinh nghiệm từ việc thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ cũng như Nghị quyết 135/2020/QH14 của Quốc hội về các biện pháp hỗ trợ thời gian qua.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của công đoàn các cấp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk thời gian qua, dù đang gặp rất nhiều khó khăn nhưng vẫn tổ chức tốt nhiều hoạt động phúc lợi xã hội, chăm lo cho đoàn viên công đoàn không chỉ trong tỉnh mà còn đóng góp hỗ trợ, động viên người lao động tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh…
"Đây là những hoạt động hết sức ý nghĩa, chan chứa nghĩa tình, thể hiện tính nhân văn sâu sắc và tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, góp phần động viên, khích lệ đoàn viên và người lao động, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn tự tin vượt qua, hăng hái lao động; đồng thời đã thu hút được sự quan tâm, cộng đồng trách nhiệm và sự đồng hành của các doanh nghiệp, các cấp, các ngành để chăm lo cho người lao động", Chủ tịch Quốc hội nói.
Biểu dương các cấp công đoàn tỉnh Đắk Lắk và sự chia sẻ, đóng góp của các cơ quan, đơn vị, cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, phần lớn các doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk hiện có quy mô nhỏ, nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ nên cũng gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, việc tiếp tục quan tâm chăm lo cho người lao động và cả người sử dụng lao động trong cả khu vực lao động chính thức và khu vực lao động phi chính thức có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây là nhiệm vụ của các cấp ủy đảng, chính quyền, mọi cấp, mọi ngành.
Từ đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk cần tiếp tục tập trung lãnh đạo, đề ra các giải pháp hữu hiệu để thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm lo cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.
Đối với các cấp công đoàn tỉnh Đắk Lắk, Chủ tịch Quốc hội đề nghị xác định công tác chăm lo cho người lao động là nhiệm vụ rất quan trọng nhằm hỗ trợ đoàn viên, người lao động vượt qua khó khăn, tin tưởng vào tổ chức công đoàn, gắn bó với cơ quan, doanh nghiệp, bảo đảm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong tình hình mới, đặc biệt là trong tình hình hiện nay khi dịch COVID- 19 vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường.