CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN DỰ LỄ KỶ NIỆM 30 NĂM THÀNH LẬP KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC
Sáng 11/7 tại Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước trang trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm 30 năm thành lập (11/7/1994 - 11/7/2024) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Tô Lâm và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi lẵng hoa chúc mừng. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu chỉ đạo tại Lễ Kỷ niệm.
Tham dự Lễ Kỷ niệm có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường...
Cùng dự có: lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước; lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan Trung ương, Bộ, ngành, địa phương; các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế và các tổ chức nghề nghiệp… và lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Kiểm toán nhà nước (KTNN) và đông đảo công chức, viên chức, người lao động của KTNN.
30 năm xây dựng và phát triển
Diễn văn tại Lễ Kỷ niệm, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, ngày 11/7/1994, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 70-CP thành lập KTNN, đây là văn bản pháp lý đầu tiên có giá trị như một tuyên ngôn khai sinh ra KTNN Việt Nam. Sự ra đời của KTNN là tất yếu khách quan, phù hợp với bối cảnh và xu hướng phát triển của đất nước, gửi gắm rất nhiều kỳ vọng của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước về phát triển một hệ thống công cụ kiểm tra, kiểm soát để tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Trong bối cảnh khi khái niệm về kiểm toán nói chung và kiểm toán nhà nước nói riêng còn mới mẻ với đại đa số các tổ chức chính trị, xã hội và công chúng tại Việt Nam, ngay những năm đầu mới thành lập, tháng 7/1996, KTNN đã gia nhập INTOSAI, tổ chức quốc tế của các cơ quan kiểm toán tối cao, lớn nhất toàn cầu, với gần 200 quốc gia thành viên, có bề dày lịch sử hàng trăm năm, đây là bước khởi đầu trong quá trình hội nhập sâu rộng, là động lực để KTNN dần hoàn thiện cả về thể chế, tổ chức và chuyên môn nghiệp vụ, khi đất nước đang trong công cuộc đổi mới, mở cửa nền kinh tế và hội nhập quốc tế.
Đến năm 2005, sự kiện đánh dấu mốc son quan trọng trên chặng đường xây dựng và phát triển của KTNN, đó là việc Quốc hội khóa XI, thông qua và ban hành Luật Kiểm toán Nhà nước, mở ra một thời kỳ phát triển mới, một vị thế mới của KTNN, từ cơ quan thuộc Chính phủ trở thành cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
Đặc biệt, ngày 28/11/2013, Quốc hội khóa XIII, đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó Khoản 1, Điều 118 đã quy định về địa vị pháp lý của KTNN, nâng tầm từ cơ quan luật định thành cơ quan hiến định; nguyên tắc hoạt động của KTNN là độc lập và chỉ tuân theo pháp luật đã trở thành nguyên tắc hiến định, nâng cao vị trí, vai trò và trách nhiệm của KTNN trong thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
Đồng thời, việc quy định địa vị pháp lý của KTNN trong Hiến pháp - Đạo luật cơ bản của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý cho việc cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về KTNN, trong xây dựng và ban hành Luật KTNN năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2019 và các luật chuyên ngành bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật, tạo cơ sở vững chắc để KTNN bước vào một thời kỳ phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu, vươn lên một tầm cao mới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Đây thực sự là trọng trách to lớn nhưng cũng là nhiệm vụ chính trị hết sức vẻ vang, vinh quang của KTNN.
Công cụ hữu hiệu trong kiểm tra, kiểm soát quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công
Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn khẳng định, từ một cơ quan chưa có tiền thân về tổ chức và tiền lệ về hoạt động ở nước ta, trong suốt chặng đường 30 năm xây dựng và trưởng thành, với phương châm “Chuyên nghiệp - Liêm chính - Hội nhập”, hoạt động kiểm toán, của KTNN đã có nhiều đổi mới và ngày càng đi vào chiều sâu. KTNN luôn bám sát các định hướng lớn của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, với các nội dung kiểm toán, tập trung vào những vấn đề được dư luận, cử tri cả nước quan tâm, các lĩnh vực dễ xảy ra thất thoát, lãng phí tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm giải trình và đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; phục vụ hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Chính phủ trong thực hiện chức năng lập pháp, giám sát, quản lý, điều hành và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; là căn cứ quan trọng để Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp sử dụng trong quản lý, điều hành, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương; đóng góp quan trọng vào quá trình hoàn thiện thể chế trong tiến trình phát triển của đất nước. KTNN đã từng bước khẳng định vị trí, vai trò là công cụ hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
“30 năm qua, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của toàn ngành, luôn giữ vững phẩm chất, bản lĩnh chính trị, đề cao trách nhiệm, phát huy năng lực nghiệp vụ chuyên sâu, trí tuệ tập thể, không ngừng đổi mới tư duy, cộng hưởng tài năng và công sức, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó”, Tổng Kiểm toánn Nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh.
Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, xác định mục tiêu phát triển KTNN là công cụ trọng yếu, hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng, nâng cao trách nhiệm giải trình và bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Trước nhiệm vụ, niềm tin mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân đặt ra cho KTNN trong giai đoạn mới, với xu thế phát triển của các định chế kiểm toán tối cao, chịu tác động bởi ba vấn đề lớn: Hội nhập quốc tế, cách mạng công nghiệp 4.0 và các vấn đề mới nổi, ẩn chứa nhiều thách thức và cơ hội đan xen; toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của KTNN, sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống quý báu 30 năm xây dựng và phát triển.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn khẳng định, từng thành viên của KTNN sẽ không ngừng rèn luyện để có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, chuyên nghiệp, tinh thông nghiệp vụ chuyên môn, “nghệ tinh - tâm sáng”, tương xứng với chuẩn mực quốc tế và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới với đầy đủ 4 tiêu chí: Trung thực - tỉ mỉ - chăm chỉ và nhạy bén, giữ vững giá trị cốt lõi “Độc lập - Liêm chính - Chuyên nghiệp - Uy tín - Chất lượng”; tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, không ngừng nỗ lực phấn đấu, biết đồng cảm, chia sẻ và cống hiến, xây dựng KTNN xứng tầm, một cơ quan kiểm tra tài chính công chuyên nghiệp, hiện đại, uy tín và trách nhiệm; xứng đáng hơn nữa với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Toàn ngành KTNN trong giai đoạn tới sẽ tiếp tục kiên định với phương châm hành động “Chất lượng và đạo đức công vụ” nhằm đạt mục tiêu “Chất lượng, chất lượng hơn và chất lượng hơn nữa”, đảm bảo thực hiện trách nhiệm “vì nền tài chính quốc gia minh bạch, bền vững”; trong tương lai xa hơn, tầm nhìn phát triển KTNN phải gắn chặt với các yêu cầu mới của Đảng và Nhà nước, với mục tiêu đưa nước ta đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, theo đó KTNN mong muốn và kỳ vọng sẽ có sự phát triển đột phá để phấn đấu trở thành: Cơ quan kiểm toán tối cao việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, là công cụ trọng yếu, hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và kiểm soát quyền lực; nâng cao trách nhiệm giải trình và đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, phục vụ hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Chính phủ trong thực hiện chức năng lập pháp, giám sát, quản lý điều hành và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước...
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//cacvilanhdao/pages/hoat-dong.aspx?itemid=87932