Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm việc với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Ủy ban Xã hội và Ban Công tác đại biểu
Chiều 31.7, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã chủ trì cuộc làm việc với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Ủy ban Xã hội và Ban Công tác đại biểu về kết quả hoạt động của các cơ quan từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến nay và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối nhiệm kỳ.
Tham dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải.
Cùng dự có Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; Ủy ban Xã hội và Ban Công tác đại biểu.
Phát biểu mở đầu cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Quốc hội Khóa XV đã đi được hơn nửa nhiệm kỳ với 7 kỳ họp thường lệ và 7 kỳ họp bất thường. Quốc hội đã hoàn thành khối lượng công việc khá lớn trên tất cả các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia và đối ngoại. Trong đó, về công tác xây dựng pháp luật, Quốc hội đã thực hiện được hơn 83,97% nhiệm vụ lập pháp của cả nhiệm kỳ; các đề án, kế hoạch theo chương trình hành động toàn khóa của Đảng Đoàn Quốc hội cũng đã hoàn thành hơn 81,7%... Kết quả kỳ họp sau cao hơn kỳ họp trước, được cử tri và Nhân dân đánh giá cao.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao vai trò, sự đóng góp tích cực, trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong kết quả chung của Quốc hội.
Nhấn mạnh, khối lượng công việc, nhiệm vụ trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ Khóa XV còn nặng nề trong khi thời gian không còn nhiều, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan tập trung rà soát, đánh giá những công việc đã triển khai, những sáng kiến, đổi mới và kinh nghiệm tốt đã được áp dụng để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; những mặt còn hạn chế, khó khăn, đề xuất phương hướng khắc phục; xác định các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ với tinh thần tập trung chỉ đạo, dồn sức hoàn thành với chất lượng tốt nhất.
Báo cáo tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến nay, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã chủ trì thẩm tra, trình Quốc hội xem xét, thông qua 1 luật; thẩm tra, trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu 1 dự án luật; thẩm tra đưa vào chương trình lập pháp năm 2024 của Quốc hội 2 dự án luật. Chủ động phối hợp với Ủy ban Pháp luật, các bộ, ngành liên quan rà soát việc thể chế hóa các chủ trương của Đảng và hệ thống pháp luật trong lĩnh vực phụ trách; kiến nghị rà soát 3 luật, nghiên cứu, đề xuất xây dựng 6 văn bản quy phạm pháp luật mới, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số luật chuyên ngành và rà soát, kiến nghị xây dựng 9 nghị định của Chính phủ.
Về giám sát, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì tham mưu 1 đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tổ chức 20 đoàn giám sát, khảo sát chuyên đề của Ủy ban; 4 đoàn giám sát tổng hợp về các lĩnh vực Ủy ban phụ trách; 3 phiên giải trình. Nội dung giám sát, khảo sát, giải trình được lựa chọn kỹ, bám sát những vấn đề thời sự, bức xúc, nổi cộm, kết hợp giám sát chung với giám sát các vụ việc, vấn đề cụ thể; phối hợp chặt chẽ hoạt động giám sát, khảo sát với việc thẩm tra các dự án luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả xây dựng và thực thi pháp luật.
Về tham gia quyết định các vấn đề quan trọng, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã chủ trì, phối hợp tổ chức 18 hội nghị, hội thảo, tọa đàm, diễn đàn trên các lĩnh vực; nhiều hội thảo lớn trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục đã được tổ chức định kỳ hằng năm.
Ủy ban cũng đã tham mưu xây dựng 5 báo cáo và 7 kế hoạch của Đảng đoàn Quốc hội tổng kết, sơ kết, triển khai nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các lĩnh vực Ủy ban phụ trách; chủ trì tổ chức biên soạn sách Lịch sử Quốc hội tập 5 và triển khai các hoạt động phục vụ tổ chức Thi tìm hiểu về 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến nay, Ủy ban Xã hội đã chủ trì thẩm tra 6 dự án luật, 5 nghị quyết của Quốc hội, 5 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó toàn bộ các nghị quyết và 4 dự án Luật đã được thông qua; tham gia thẩm tra 35 dự án luật, pháp lệnh, 8 dự thảo nghị quyết; tham gia thẩm tra các đề nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm và bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm tiếp theo phát sinh mới.
Về giám sát, Ủy ban Xã hội đã tham gia thực hiện với tư cách là đồng chủ trì 2 Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội được phân công làm Phó Trưởng đoàn 4 đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội đồng thời cử Thường trực Ủy ban tham gia các đoàn giám sát tối cao của Quốc hội, giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đã tổ chức 4 đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban; chủ trì thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về 6 nội dung theo quy định của các luật và nghị quyết của Quốc hội và thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các nghị quyết về kết quả giám sát của Quốc hội về các chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ Khóa XIV và XV thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách. Năm 2024, Ủy ban Xã hội là một trong những cơ quan đầu tiên tổ chức Phiên giải trình theo Nghị quyết số 969/NQ-UBTVQH15 về hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.
Về tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Ủy ban Xã hội đã nghiên cứu, chủ trì thẩm tra, tham gia thẩm tra nhiều vấn đề quan trọng trình Quốc hội xem xét, quyết định, trong đó có những vấn đề rất cấp bách thực tiễn đặt ra như: qua công tác phòng chống dịch COVID-19 trong điều kiện chưa có quy định của pháp luật, ngày 28.7.2021 Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 cho phép Chính phủ áp dụng một số biện pháp cấp bách trong phòng, chống COVID-19. Đặc biệt, Năm 2021, lần đầu tiên Ủy ban thẩm tra Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 của Chính phủ để trình Quốc hội thông qua nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình này.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Công tác đại biểu tiếp tục được Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao nhiều nhiệm vụ, trong đó có những nhiệm vụ mới, lần đầu triển khai xây dựng. Ban đã thực hiện khối lượng công việc lớn, chủ trì tham mưu 1 nghị quyết của Quốc hội, 11 nghị quyết quy phạm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 1 chuyên đề, 5 đề án, 1.061 nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 5 văn bản hướng dẫn, kế hoạch của Đảng đoàn Quốc hội; trên 80 văn bản góp ý; tổ chức 22 hội nghị bồi dưỡng đại biểu Quốc hội với hơn 2.000 lượt đại biểu tham gia; phối hợp với Trường trực Hội đồng nhân dân tổ chức 86 hội nghị tập huấn đại biểu Hội đồng nhân dân tại các tỉnh, thành phố.
Trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ, Ban Công tác đại biểu tập trung thực hiện8 nhiệm vụ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đảng đoàn Quốc hội giao; Xây dựng Đề án Phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031; tiếp tục thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch đại biểu Quốc hội chuyên trách ở trung ương và cán bộ thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tham mưu đảm bảo cơ cấu Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh theo Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14.6.2024 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và các văn bản của Đảng về công tác nhân sự đại biểu Quốc hội Khóa XVI, đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2026-2031.