Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Phát huy truyền thống 'người đi tìm lửa' của ngành công nghiệp năng lượng
Chiều 17-4, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp mặt Đoàn đại biểu người lao động tiêu biểu của ngành dầu khí.
Minh chứng sống động cho trí tuệ, bản lĩnh, tinh thần đổi mới và sức sáng tạo bền bỉ
Cuộc gặp mặt của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn với Đoàn đại biểu người lao động tiêu biểu của ngành sẽ là nguồn động viên, khích lệ và động lực to lớn để những người lao động ưu tú của Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) tiếp tục vững tin, ra sức thi đua lao động sản xuất, cống hiến hết mình trong thời gian tới.
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn bày tỏ vui mừng được gặp mặt các đại biểu công nhân lao động tiêu biểu và các đồng chí lãnh đạo của Petrovietnam nhân dịp cả nước hân hoan, vui mừng hướng về kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Petrovietnam (3-9-1975 / 3-9-2025).

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp mặt Đoàn đại biểu người lao động tiêu biểu của ngành dầu khí.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội nhiệt liệt biểu dương, ghi nhận, đánh giá cao về những thành tích mà ngành dầu khí nói chung và các gương tiêu biểu xuất sắc đã đạt được, đặc biệt là sự trân trọng những người đang ngày đêm cống hiến nơi tuyến đầu của ngành năng lượng quốc gia.
Trong đó, những kết quả về tổng doanh thu, lợi nhuận, tổng nộp ngân sách Nhà nước, kết quả tinh thần đổi mới sáng tạo của ngành dầu khí là minh chứng sống động cho trí tuệ, bản lĩnh, tinh thần đổi mới và sức sáng tạo bền bỉ của đội ngũ người lao động dầu khí.
Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá cao việc Petrovietnam thời gian qua đã có nhiều đóng góp thiết thực thực hiện công tác an sinh xã hội trên khắp mọi miền đất nước, góp phần xây dựng trường học, cầu đường, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ…


Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tặng quà người lao động tiêu biểu của ngành dầu khí. Ảnh: LÂM HIỂN
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi, xác định vị trí, tầm quan trọng, yêu cầu cao hơn đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, trong đó có Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam. Việc đổi tên Tập đoàn vừa qua cũng nhằm mục tiêu để Petrovietnam phát triển mạnh hơn nữa trong thời gian tới, trở thành Tập đoàn chủ lực của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng các đại biểu và lãnh đạo, người lao động tiêu biểu ngành dầu khí. Ảnh: LÂM HIỂN
Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong phiên họp chiều 17-4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về việc trình Quốc hội xem xét, thông qua sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp tại Kỳ họp thứ Chín tới nhằm tạo cơ chế thông thoáng, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh để các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước thực sự đóng vai trò chủ đạo của nền kinh tế.
Cùng với đó, Quốc hội cũng đã và đang tập trung sửa đổi nhiều luật trên tinh thần tháo gỡ điểm nghẽn để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, trước mắt là đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trở lên trong năm nay.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng các đại biểu và lãnh đạo, người lao động tiêu biểu ngành dầu khí. Ảnh: LÂM HIỂN
Ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của ngành dầu khí tại cuộc gặp mặt, Chủ tịch Quốc hội mong muốn, ngành dầu khí tiếp tục phát huy truyền thống văn hóa của "người đi tìm lửa", luôn mang trong mình khát vọng cống hiến và tinh thần thi đua “Lao động giỏi - Lao động sáng tạo”, phát triển bền vững và đột phá.
Với tinh thần này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tập đoàn nghiên cứu một cách sâu sắc, thực hiện Kết luận 76-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035; cập nhật, bổ sung chức năng, nhiệm vụ mới, góp phần bảo đảm thực hiện “5 chữ an” - an ninh năng lượng của đất nước, an ninh kinh tế, an ninh lương thực, an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển và thực hiện an sinh xã hội.
Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, Tập đoàn tiếp tục cải cách, đổi mới, áp dụng các phương thức quản trị tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả quản trị, quản lý các nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh; tiếp tục cơ cấu, sắp xếp doanh nghiệp; Petrovietnam phải đi đầu trong ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, hiệu quả quản trị đầu tư; thực hành tiết kiệm, tối ưu hóa nguồn lực; chủ động ứng phó trước diễn biến của thị trường; tiết kiệm tối đa phí đầu tư các dự án, công trình, rà soát lại các hoạt động đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đầu tư đúng, trúng, hiệu quả; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, không để xảy ra tham nhũng, lãng phí.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý lãnh đạo Tập đoàn tiếp tục tạo môi trường tốt hơn nữa cho công nhân, người lao động, quan tâm đời sống vật chất và tinh thần để người lao động phát huy hết khả năng sáng tạo của mình.
Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, với sự đoàn kết, thống nhất, quyết tâm, quyết liệt, quyết làm, toàn ngành dầu khí sẽ mang lại những kết quả cao hơn nữa, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của đất nước.

Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn báo cáo tại buổi gặp mặt.
Báo cáo tại buổi gặp mặt, Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn cho biết, ngày 9-4, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định chính thức đổi tên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thành Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam). Cách định danh mới “Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam”, khẳng định Petrovietnam không chỉ là một tập đoàn dầu khí, năng lượng truyền thống, mà là trung tâm của công nghiệp, dịch vụ và trụ cột năng lượng quốc gia - mang trong mình sứ mệnh phát triển bền vững, đổi mới công nghệ, đảm bảo an ninh năng lượng cho Việt Nam. Việc đổi tên là dấu mốc quan trọng của Petrovietnam sau 50 năm xây dựng và phát triển, sau 64 năm truyền thống của ngành dầu khí.
Trong những năm gần đây, Petrovietnam đã có những giải pháp đột phá trong quản trị và điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh, liên tiếp thiết lập những kỷ lục mới trong lịch sử hình thành và phát triển của Tập đoàn. Kết thúc năm 2024, tổng doanh thu toàn Tập đoàn khi vượt mốc 1 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 36% so với thời kỳ trước đại dịch Covid-19 (năm 2019) và tương đương khoảng 9% tổng GDP của cả nước; nộp ngân sách Nhà nước đạt 165 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 9% tổng thu ngân sách của cả nước, tăng trưởng 52% so với thời kỳ trước Covid-19.
Tổng doanh thu của Petrovietnam giai đoạn 2020-2024 đã đạt hơn 3,5 triệu tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng 16,7%/năm; tổng nộp ngân sách Nhà nước giai đoạn này của Tập đoàn đã đạt hơn 599 nghìn tỷ đồng, mức tăng trưởng là 21,2%/năm; lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Petrovietnam đạt hơn 238 nghìn tỷ đồng.