Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Bảo đảm an ninh, an toàn năng lượng là trước hết
Phát biểu tại Phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 12-10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh tới yêu cầu phải bảo đảm an ninh, an toàn năng lượng.
Như Báo Quân đội nhân dân Điện tử đã đưa tin, sáng 12-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” với sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, năng lượng là vấn đề hết sức quan trọng của mỗi quốc gia. Thế giới hiện đang trong quá trình chuyển đổi năng lượng và Việt Nam cũng vậy. Cân đối năng lượng nói chung, cân đối điện, xăng dầu là những cân đối rất lớn của nền kinh tế liên quan đến an ninh năng lượng, an ninh kinh tế.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ, trong chuyến công tác Cần Thơ vừa rồi, đoàn công tác nhận thấy chuỗi dự án khí, điện lô B - Ô Môn cả thượng nguồn, trung nguồn, hạ nguồn đều tắc giữa PVN, EVN, các bộ, ngành. Cần Thơ hiện chưa thể bứt phá phát triển. Nếu các dự án Ô Môn 1, 2, 3, 4 hoàn thành thì cả khu vực miền Tây sẽ phát triển và Cần Thơ sẽ có bước phát triển rất mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị đoàn giám sát tập trung vào những nội dung trọng tâm, trọng điểm để tạo ra chuyển biến sau khi giám sát; chỉ rõ thực trạng, làm rõ tồn tại, hạn chế cũng như trách nhiệm. “Tôi đề nghị trong trọng điểm các đồng chí nên tập trung nhiều vào mục tiêu là vấn đề về an ninh năng lượng, trong an ninh năng lượng quan trọng nhất là điện, xăng dầu”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị Đoàn giám sát chỉ rõ trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân. Đồng thời cũng cần chỉ rõ những điểm vướng mắc trong luật, cơ chế, chính sách nếu không được tháo gỡ kịp thời thì không bảo đảm được an ninh năng lượng, không bảo đảm cân đối điện phục vụ nhu cầu trong thời gian tới. “Bây giờ cứ ăn đong thế này cũng lo lắm, điện năm vừa rồi đã trả giá. Vấn đề kinh doanh thua lỗ của các tập đoàn, tổng công ty thì đại biểu Quốc hội như anh Lê Thanh Vân cũng rất quan tâm. Trong này nói thế nào ở đây, trách nhiệm nào là của các tập đoàn, trách nhiệm nào là của Nhà nước?”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu câu hỏi.
Ví dụ được nêu ra là hiện nay vẫn đang còn tình trạng bù giá chéo, dẫn tới Nhà nước phải bao cấp thì trách nhiệm thuộc về ai?
Về chuyển đổi năng lượng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh cần bảo đảm công bằng và tính khả thi để bảo đảm an ninh năng lượng, an toàn năng lượng; bảo đảm an ninh tài chính, không gây áp lực lớn tới nợ công quốc gia cũng như chi phí xã hội, tránh ảnh hưởng tới an ninh, an toàn xã hội, nhất là về việc làm, lao động…“Muốn chuyển đổi năng lượng gì thì đầu tiên phải bảo đảm về an ninh năng lượng. Hiện nay, một số nước vẫn đầu tư điện than, nhưng là điện than siêu sạch. Cần có lộ trình thực hiện”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhìn nhận, bất cập lớn nhất hiện nay là việc thể chế hóa tinh thần, chủ trương, chính sách của Đảng chưa bảo đảm, trong đó có Luật Điện lực, Luật Dầu khí. “Trong quá trình triển khai có những vấn đề đã được phát hiện trong nghị quyết của Bộ Chính trị, như vấn đề liên quan đến các nguồn năng lượng sơ cấp; vấn đề than, khí, dầu khí với sản xuất điện đã được phát hiện và được đưa ra rất nhiều lần, cần phải xem xét để bảo đảm thực hiện dần theo cơ chế thị trường, chuẩn bị giá điện cạnh tranh, mua bán điện cạnh tranh trên 3 cấp độ khác nhau, nhưng khâu tổ chức thực hiện thì đến nay vẫn lúng túng. Kể cả văn bản pháp luật hiện nay về vấn đề mua, bán điện trực tiếp vẫn chưa có”, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nói.
Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị xác định các giải pháp trọng tâm về kịch bản để bảo đảm an toàn, năng lượng; giải pháp trọng tâm vấn đề quy hoạch tổng thể với quy hoạch phân ngành, xử lý bất cập của các quy hoạch ngành gây lãng phí lớn nguồn lực của xã hội, doanh nghiệp khi không phù hợp giữa công suất và truyền tải điện; giải pháp trọng tâm về hạ tầng năng lượng, về khoa học kỹ thuật, công nghệ năng lượng và thị trường năng lượng.
Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, trong quá trình giám sát nổi lên một số vấn đề, đó là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa ổn định, toàn diện và thống nhất. Có 21 nhóm vấn đề cần phải xem xét sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất 2 luật mới để xem xét điều chỉnh công tác quản lý nhà nước về vấn đề này.
Việc triển khai quy hoạch về năng lượng đối mặt với nhiều khó khăn vướng mắc, đặc biệt trong việc huy động vốn ứng dụng phát triển công nghệ, nguồn nhân lực và cơ chế quản lý. Mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia đối mặt với nhiều thách thức, các nguồn cung trong nước chưa đáp ứng yêu cầu và có nguy cơ thiếu điện trong ngắn hạn giai đoạn và dài hạn. Các điều kiện tiên quyết để hình thành thị trường điện lực chưa được triển khai, chính sách giá điện, giá than, giá khí, giá xăng dầu chưa hoàn thiện...
CHIẾN THẮNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.