CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: CHÚ TRỌNG KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN THÀNH VIÊN HỢP TÁC XÃ

Phát biểu tại phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho ý kiến về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) sáng 20/9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị giữ tên gọi như hiện hành và cho rằng việc giữ tên gọi không làm ảnh hưởng việc bổ sung phạm vi điều chỉnh của luật. Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát, làm rõ một số nội dung để phát triển quy mô, hiệu quả hoạt động của mỗi hợp tác xã.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi)

Chính phủ đề xuất đổi tên dự Luật hợp tác xã (sửa đổi) thành Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác

UBTVQH cho ý kiến về Dự án Luật Hợp tác xã: Sửa đổi toàn diện luật kịp thời thể chế hóa chủ trương đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi)

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao quá trình và kết quả chuẩn bị dự án luật này của Chính phủ và nhất là Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là cơ quan chủ trì soạn thảo đã chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng với nhiều điểm mới và nội dung chính sách dày dặn. Việc xây dựng dự án luật này có thuận lợi với cơ sở chính trị vững chắc là tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 5 khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Chủ tịch Quốc hội tin tưởng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, trên cơ sở ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cơ quan thẩm tra, dự án Luật tiếp tục được hoàn thiện để trình với Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 4 theo đúng tiến độ.

Góp ý về các nội dung cụ thể, Chủ tịch Quốc hội đồng tình với quan điểm giữ tên gọi của luật như hiện hành là Luật Hợp tác xã. Chủ tịch Quốc hội lý giải, tên gọi "hợp tác xã" gắn với lịch sử phát triển của nước ta rất nhiều, bên cạnh Luật Doanh nghiệp có Luật Hợp tác xã,qua các năm như Luật Hợp tác xã 1996, Luật Hợp tác xã 2003, Luật Hợp tác xã 2012. Quốc tế có Liên minh Hợp tác xã, khu vực châu Á Thái Bình Dương đều có tổ chức này. Tên luật đã ăn sâu thành thói quen, cả trong truyền thông, pháp luật, nếu giữ nguyên sẽ tạo thuận lợi trong dẫn chiếu

Đồng thời, việc giữ tên gọi Luật Hợp tác xã cũng không ngăn cấm việc bổ sung thêm phạm vi điều chỉnh. Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng Luật Quản lý thuế có phạm vi điều chỉnh bao gồm thuế và các khoản thu khác của ngân sách nhà nước, nhiều khoản không phải thuế nhưng vẫn đưa vào trong Luật Quản lý thuế. Luật Đầu tư công bên cạnh quy định về đầu tư công, kế hoạch đầu tư công trung hạn vẫn điều chỉnh quy định về các khoản thu của các đơn vị sự nghiệp. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ngoài quy định về doanh nghiệp cũng có quy định về hộ kinh doanh tạo cơ sở để Chính phủ điều chỉnh tiếp. Như vậy, bản thân tên Luật Hợp tác xã cũng không ngăn cản việc mở rộng phạm vi điều chỉnh nếu thấy cần thiết. Do đó, không nhất thiết phải sửa tên luật.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, nếu nhất thiết cần phải sửa thì cũng sẽ không câu nệ, song điều quan trọng là sửa đổi bảo đảm thuận lợi, không ảnh hưởng đến việc thiết kế chính sách trong dự án luật.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Về sự phù hợp với quy định của pháp luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nên có thống kê và đánh giá kỹ lưỡng hơn các quy định có liên quan như Bộ luật Dân sự, Luật Các tổ chức tín dụng, các luật thuế, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa v.v. đồng thời rà soát lại các quy định trong nội bộ luật này để đảm bảo tính đồng bộ và tuân thủ.

Về phạm vi điều chỉnh, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ phạm vi của luật chủ yếu tập trung vào nội hàm hợp tác xã. Đối với tổ hợp tác đã có quy định tại Bộ luật Dân sự và Nghị định 77/2019/NĐ-CP quy định về hình thức tổ hợp tác. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, luật này cần có thêm quy định về nguyên tắc cho tổ hợp tác, bảo đảm không trái với Bộ luật Dân sự làm căn cứ cho Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 77/2019/NĐ-CP.

Liên quan đến chính sách khuyến khích tổ hợp tác, dự thảo luật có quy định mới là tổ hợp tác chuyển đổi thành hợp tác xã. Vấn đề này trong Bộ luật Dân sự chưa có quy định. Khi đó, chính sách để khuyến khích tổ hợp tác, phương thức chuyển đổi từ tổ hợp tác thành hợp tác xã…nếu như thấy chín muồi có thể quy định một số vấn đề trong luật, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ. Việc xác định rõ vị trí và địa vị pháp lý của tổ hợp tác trong quy định của một luật về hình thức tổ chức kinh tế hợp tác nhưng không nên mâu thuẫn với Bộ luật Dân sự.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nên có chính sách thí điểm về Liên đoàn Hợp tác xã trước khi tiến hành luật hóa. Chủ tịch Quốc hội cho biết, mô hình Liên đoàn Hợp tác xã có tính chất như một pháp nhân hay tổ chức kinh tế nhưng cũng có tính chất như tổ chức xã hội nghề nghiệp, liên kết theo ngành hoặc theo đơn vị hành chính. Mô hình giúp tăng cường tính liên kết, liên minh về nghề nghiệp. Trong quá trình thảo luận, Ban Chấp hành Trung ương 5 khóa XIII, cũng đã thảo luận kỹ và để thận trọng đã nêu chính sách về thí điểm, có đề án để khuyến khích thành lập một số mô hình. Tuy nhiên nếu để luật hóa trong thời điểm hiện nay là chưa đủ cơ sở cả về lý luận và thực tiễn, vì vậy cần cân nhắc thêm.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp

Về quy định đối với thành viên của hợp tác xã, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ xu hướng thế giới là vừa chú trọng phát triển về số lượng hợp tác xã, tổ hợp tác và quan trọng hơn là khuyến khích mở rộng hội viên của hợp tác xác tức là khuyến khích mở rộng quy mô của mỗi hợp tác xã. Số lượng hợp tác xã và tổ hợp tác có thể không tăng nhanh, không nhiều nhưng quy mô phải lớn lên. Do đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng nên giữ quy mô của thành viên hợp tác xã là 7 như luật hiện hành, không nên giảm. Điều này cũng nhằm thể chế hóa Nghị quyết 20-NQ/TW về việc phát triển thành viên, kết nạp thành viên mới; nhấn mạnh phát triển thành viên mới như là một trong những nghĩa vụ của các tổ chức kinh tế tập thể. Chủ tịch Quốc hội đề nghị nên có các quy định về phát triển thành viên, nghĩa vụ của các tổ chức này, phải luật hóa việc nghĩa vụ phát triển thành viên trong mỗi tổ chức đã có, có thể có chính sách khuyến khích.

Về mô hình, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ đây là một tổ chức tự nguyện. Mặc dù tự nguyện nhưng cơ quan quản lý nhà nước vẫn phải có trách nhiệm đứng ra để đảm bảo quyền lợi cho các thành viên. Do đó cần thiết giữ mô hình kiểm soát viên ở mọi mô hình, dù quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh với trách nhiệm của Nhà nước, phải có cơ chế để bảo vệ quyền lợi của những người tự nguyện tham gia hợp tác xã, đảm bảo cho tổ chức này hoạt động đúng pháp luật và phát triển tốt; cùng với đó cần có quy định tiêu chí, tiêu chuẩn về trình độ, năng lực của người đứng đầu, những người giữ vị trí quan trọng.

Về các chính sách hỗ trợ, trong đó có chính sách đất đai, Chủ tịch Quốc hội lưu ý yêu cầu phải thể chế hóa được Nghị quyết 20-NQ/TW về khuyến khích hợp tác xã huy động nguồn lực đất đai từ các thành viên của tổ chức kinh tế hợp tác và thuận lợi cho việc tiếp cận đất đai. Khi đó, cần quy định trong luật "chính quyền các cấp phải quan tâm bố trí để cho các hợp tác xã tiếp cận được đất đai”. Quy định này tạo cơ sở thực hiện tại địa phương trong tạo điều kiện cho các hợp tác xã tiếp cận đất đai, xây dựng trụ sở và các thiết chế cơ sở vật chất tối thiểu; gắn với thực hiện tích tụ được ruộng đất, huy động được nguồn lực đất đai từ các thành viên, tổ chức kinh tế của hợp tác xã.

Cho biết Nghị quyết 20-NQ/TW cũng đề cập đến chính sách khuyến khích hợp tác xã nông nghiệp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu thêm các chính sách như bảo hiểm nông nghiệp, Quỹ phát triển hợp tác xã, tín dụng nông nghiệp, bao phủ đa tầng bảo hiểm xã hội đến các thành viên hợp tác xã; huy động vốn tín dụng cho hợp tác xã…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình dự án Luật tại phiên họp

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình dự án Luật tại phiên họp

Về tỷ lệ giao dịch nội bộ, Chủ tịch Quốc hội cho biết, quá trình tổng kết Luật Hợp tác xã cho thấy đây là vấn đề có vướng mắc. Do đó, dự thảo lần này cho phép là các hợp tác xã được tự định đoạt tỷ lệ này. Cơ bản tán thành với đề xuất sửa đổi song Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng cần có thêm quy định về điều kiện áp dụng. Hợp tác xã tự định đoạt, nhưng với điều kiện phải đảm bảo thỏa mãn được dịch vụ cho các thành viên hiện hữu. Như vậy, vừa thể hiện được tính chất thành lập ra để cung ứng cho đơn vị là chính, vừa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn là hợp tác xã ngày càng phát triển. Nếu quy định cứng là không được quá 50% đến quy định mở quá cho tự định đoạt mà không điều kiện giới hạn có thể sẽ ảnh hưởng đến bản chất của việc thành lập hợp tác xã.

Về chính sách tín dụng nội bộ và huy động vốn của các tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân, Chủ tịch Quốc hội khẳng định sự cần thiết của chính sách này. Tuy nhiên, quy định này có khả năng xung đột với Luật Các tổ chức tín dụng. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị trong luật giao cho Chính phủ quy định chi tiết nhưng cần có quy định thêm về một số nguyên tắc tạo cơ sở cho Chính phủ hướng dẫn, bảo đảm không trái với Luật Các tổ chức tín dụng.

Đề nghị trong luật cần có quy định cụ thể hơn về thành lập doanh nghiệp trong hợp tác xã, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, không khuyến khích chuyển đổi hợp tác xã thành doanh nghiệp nhưng việc thành lập doanh nghiệp trong hợp tác xã lại rất cần thiết. Thực tế cũng đã có những doanh nghiệp rất lớn và hoạt động hiệu quả bên trong hợp tác xã. Trên thế giới, có những hợp tác xã sở hữu cả tập đoàn. Do đó, luật cần quy định cụ thể để phát triển hơn so với luật năm 2012, cần nghiên cứu tổng kết thực tiễn để có cơ sở quy định về điều kiện thành lập, cơ chế thành lập, quan hệ nội bộ tổ chức. Nếu quy định rõ được ván đề này sẽ là đột phá của dự thảo luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra

Về quản lý nhà nước, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ tình trạng các địa phương thiếu nhận thức và thiếu thống nhất quản lý nhà nước: có nơi giao cho Liên minh Hợp tác xã, có nơi giao cho ngành nông nghiệp, có nơi giao cho ngành kế hoạch đầu tư, có nơi không giao cho ai. Chủ tịch Quốc hội đề nghị trong luật phải khẳng định: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về lĩnh vực này và Bộ Kế hoạch và Đầu tư thay mặt, giúp cho Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước, các bộ, ngành khác phối hợp quản lý theo ngành, lĩnh vực. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ yếu trong lĩnh vực về tác xã nông nghiệp, Ngân hàng nhà nước thì trong lĩnh vực tín dụng, Bộ Công thương thì trong lĩnh vực thương mại, Bộ Giao thông vận tải trong hợp tác xã vận tải…Đồng thời cần phải tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ nhất là tăng cường năng lực quản lý tại địa phương, cơ sở.

Về Liên minh Hợp tác xã, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng nên có điều khoản quy định trong luật, khẳng định lại tính chất của Liên minh Hợp tác xã là cơ quan được Nhà nước thành lập và đang có tổ chức ổn định từ trung ương đến địa phương. Ngoài chức năng là đại diện cho các thành viên hoạt động theo luật và điều lệ cũng cần khẳng định một số chức năng giao cho Liên minh Hợp tác xã là như kiểm toán hợp tác xã, hay ủy thác một số dịch vụ công như là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; hình thành các chuỗi, các mô hình trong sản xuất. Về đề xuất quy định Ngày hợp tác xã, Chủ tịch Quốc hội đề nghị chọn ngày 11/4 như Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) là dự án luật hấp dẫn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) là dự án luật hấp dẫn

Đánh giá cao nội dung của dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng dự án Luật được chuẩn bị kỹ lưỡng, chất lượng tạo cơ sở để Quốc hội thảo luận tốt. Từ đó sẽ có một luật chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển về hình thức tổ chức kinh tế rất quan trọng của đất nước./.

Bảo Yến - Phạm Thắng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/ct-vuong-dinh-hue/pages/qua-trinh-cong-tac.aspx?itemid=68632