Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ 'Cử tri nói đúng, nhiều khi lãng phí còn nặng nề hơn cả tham nhũng'
Ngày 6/5, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng tiếp xúc cử tri tại quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng, trước thềm Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khóa XV.
Tại cuộc tiếp xúc, cử tri quận Ngô Quyền đánh giá cao những kết quả quan trọng về kinh tế - xã hội của đất nước và TP Hải Phòng trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023. Cử tri quận Ngô Quyền nhận định kết quả kinh tế - xã hội của đất nước đạt được thời gian qua, có những đóng góp quan trọng của Quốc hội, trong đó có công sức của các ĐBQH. Những quyết sách của Quốc hội đáp ứng yêu cầu thực tiễn, kịp thời tháo gỡ khó khăn về chính sách, pháp luật giúp Chính phủ có hành lang pháp lý điều hành kinh tế vĩ mô được tốt hơn. Cử tri đặc biệt quan tâm, tin tưởng quyết tâm đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, hoạt động giám sát tối cao, hành động vì lợi ích của Nhân dân, của đất nước.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lập pháp
Cho ý kiến tại cuộc tiếp xúc, cử tri quận đã đề cấp tới các vấn đề: công tác bảo vệ môi trường, xử lý chất thải; phát triển văn hóa, du lịch; cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo…
Cử tri quận Ngô Quyền đề nghị Quốc hội có ý kiến với Chính phủ chỉ đạo các địa phương tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và các gói hỗ trợ, phục hồi kinh tế và phát triển kinh tế giúp tháo gỡ khó khăn, tạo cơ hội cho các dự án thi công dở dang được khởi động lại, nhiều công trình được khởi công mới. Tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, tạo hiệu quả về thu hút đầu tư.
Liên quan đến công tác lập pháp, cử tri Đỗ Trung Thoại (phường Đồng Quốc Bình, quận Ngô Quyền) cho rằng, việc ban hành các luật mới cũng như sửa đổi luật cũ là một việc rất khó, đặc biệt là đối với Luật Đất đai (sửa đổi). Ông Thoại đề nghị trong Kỳ họp thứ Năm này Quốc hội sẽ bàn thảo Luật Đất đai sửa đổi, các đại biểu lắng nghe ý kiến của cử tri cả nước, doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài để làm sao khi luật ban hành tạo điều kiện hỗ trợ tốt cho người dân, doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài.
Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, để bảo đảm tính chủ động, khắc phục tình trạng “bắc nước sôi chờ gạo”, ngay từ đầu nhiệm kỳ khóa XV, Quốc hội đã rà soát, xác định rõ các nhiệm vụ lập pháp trong cả nhiệm kỳ. Quốc hội đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác lập pháp, trong đó, không chỉ lắng nghe ý kiến của nhân dân, của cử tri, đối tượng chịu sự tác động của chính sách mà còn ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, tham vấn kinh nghiệm quốc tế, nghe đi nghe lại nhiều lần, nhiều chiều...
Như dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đây là dự luật được Quốc hội xác định là nhiệm vụ lập pháp trọng tâm của nhiệm kỳ này. Vừa qua, chúng ta đã tổ chức rất tốt việc lấy ý kiến của người dân về Dự thảo Luật với khoảng 12 triệu ý kiến của cử tri, nhân dân đã được tổng hợp. Luật Đất đai (sửa đổi) liên quan đến 121 luật khác, trong đó liên quan trực tiếp đến 22 dự án luật đang được xem xét, sửa đổi, do đó, nếu không sửa đồng bộ các luật này thì khi ban hành cũng khó áp dụng được.
“Chất lượng Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đến nay đã có bước tiến rất cơ bản. Quốc hội sẽ cho ý kiến lần thứ hai tại Kỳ họp thứ Năm tới và tiếp tục hoàn thiện để trình thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu với tinh thần bảo đảm chất lượng mới thông qua chứ không phải là thông qua cho bằng được. Quốc hội đã làm nhiều việc, thậm chí không có trong quy trình lập pháp để nâng cao chất lượng dự án luật. Trách nhiệm của Quốc hội đối với dự luật này là rất nặng nề”, Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Lãng phí còn nặng nề hơn tham nhũng
Quan tâm về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cử tri Lê Vũ Thành, nguyên Bí thư Quận ủy Ngô Quyền cho rằng, nhiều vụ lãng phí làm thất thoát tiền bạc, tài sản của xã hội, thậm chí còn thiệt hại hơn cả tham nhũng. Ví dụ, nhiều nhà công ở Hà Nội bỏ không, nhiều công trình xây dựng xong đã phá sản, có đoạn đường cao tốc chưa nghiệm thu đã phải sửa chữa. Nhưng những vụ việc này lại ít được lên án và chậm xử lí.
“Tham nhũng và lãng phí là đôi bạn cùng đường với nhau. Hai vấn đề này có tác động qua lại nhau. Tham nhũng núp bóng lãng phí để hoành hành, lợi dụng khe hở của pháp luật của cơ chế, chính sách để vô trách nhiệm dẫn đến lãng phí, tham nhũng. Tệ hại hơn là tham nhũng còn có thể thu hồi được, còn lãng phí hoàn toàn mất đi. Quốc hội nên quan tâm vấn đề lãng phí", ông Thành nêu ý kiến.
Qua thực tiễn triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, cử tri quận Ngô Quyền đề nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi bổ sung quy định về số hành vi phạm tội tham nhũng tại Bộ luật Hình sự cho phù hợp với Luật Phòng chống tham nhũng để không tạo kẽ hở cho các đối tượng phạm tội.
Trả lời cử tri về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội cho biết, vừa qua, nhiều Đoàn nghị sĩ các nước đã sang Việt Nam trao đổi kinh nghiệm về phòng, chống tham nhũng, đây là điều trước đây chưa có.
Năm 2022, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Báo cáo kết quả giám sát lên đến hàng trăm nghìn trang tài liệu. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết giám sát chuyên đề với phụ lục hơn 100 trang chỉ rõ dự án nào, công trình nào đang lãng phí phải xử lý chứ không nêu chung chung như trước đây nữa.
“Cử tri nói đúng, nhiều khi lãng phí còn nặng nề hơn cả tham nhũng. Chính vì vậy, Quốc hội và Chính phủ đã thống nhất hàng năm, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của Quốc hội sẽ phải có báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Quốc hội sẽ thảo luận riêng về vấn đề này. Nghị quyết giám sát tối cao của Quốc hội đã nói rất rõ. Chưa bao giờ chúng ta có được một danh mục, phụ lục kèm theo cụ thể những dự án lãng phí như lần này. Nếu tập trung xử lý thì sẽ gỡ được nhiều việc”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.