CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: ĐÃ ĐẾN LÚC XÁC ĐỊNH ĐỊA VỊ PHÁP LÝ CHO NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH, NGÂN HÀNG PHÁT TRIỂN TRONG LUẬT

Tại phiên họp thứ 23, khi cho ý kiến về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam là những định chế tài chính Nhà nước có tổng tài sản lớn cần được quy định trong luật, luật hóa những vấn đề hiện đang được quy định trong Nghị định để xác định địa vị pháp lý cho hai tổ chức này bảo đảm công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tái cơ cấu và phát triển.

Trình bày Tờ trình về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) (sửa đổi), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết việc xây dựng dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về các TCTD, xử lý những vướng mắc, bất cập của Luật Các TCTD hiện hành; luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, tiếp tục tạo hành lang pháp lý trong hoạt động xử lý nợ xấu của các TCTD sau khi Nghị quyết số 42 hết hiệu lực từ ngày 31/12/2023.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi)

Việc xây dựng Luật Các TCTD (sửa đổi) để sửa đổi, bổ sung các quy định phòng ngừa rủi ro, tăng cường hơn nữa việc tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ, tự chịu trách nhiệm của TCTD; xây dựng công cụ để quản lý các TCTD, đặc biệt kiểm soát chặt chẽ nhân sự quản lý, điều hành của TCTD; phát hiện sớm vi phạm và xử lý kịp thời trách nhiệm của các cá nhân quản trị, điều hành TCTD; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân; bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động ngân hàng.

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung các công cụ để bảo đảm an toàn hệ thống các TCTD; tăng cường các biện pháp thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước, đồng thời có sự tham gia của Thanh tra Chính phủ để quản lý, kiểm soát hoạt động tín dụng, chống thao túng, lợi ích nhóm, sở hữu chéo; có quy định để kịp thời xử lý khi TCTD gặp rủi ro thanh khoản cũng như các biện pháp đặc biệt để xử lý tình huống người gửi tiền rút tiền hàng loạt và có cơ chế hiệu quả để cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt.

Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo Luật kế thừa quy định tại Luật Các TCTD hiện hành và bổ sung phạm vi điều chỉnh về việc xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gợi ý nội dung thảo luận

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gợi ý nội dung thảo luận

Liên quan đến phạm vi điều chỉnh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, hiện nay có hai ngân hàng của Chính phủ là Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Trong dự thảo luật đề cập “một chút” đến xử lý nợ xấu của Ngân hàng Chính sách còn lại hầu như không đề cập gì đến 2 ngân hàng này. Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề những ngân hàng lớn, định chế tài chính quan trọng như thế này những lại không có luật quy định, chỉ hoạt động theo văn bản dưới luật. Trong khi thực tế các ngân hàng đang có nhiều khó khăn trong quá trình tổ chức, hoạt động, thậm chí như Ngân hàng Phát triển phải thực hiện quá trình tái cơ cấu rất vất vả. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan thảo luận, nghiên cứu thêm về vấn đề này.

Chủ tịch Quốc hội phân tích thêm, đối với Ngân hàng Chính sách thì Thống đốc là Chủ tịch Hội đồng quản trị. Đối với Ngân hàng Phát triển thì đến nay vẫn đặt câu hỏi đây là ngân hàng gì và sau này có trở thành ngân hàng thương mại hay không?

Với những vấn đề trên, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ băn khoăn về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Các TCTD sửa đổi lần này. Nếu không quy định thì khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của hai ngân hàng chính sách trên sẽ như thế nào?

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ

Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng cho biết, một số ý kiến cho rằng nhiều nội dung quy định điều chỉnh hoạt động của hai ngân hàng chính sách vượt quá thẩm quyền quyết định của Chính phủ, cần phải được luật hóa, bổ sung thêm tại Luật Các TCTD để bảo đảm căn cứ pháp lý khi triển khai thực hiện. Có ý kiến cho rằng nên giao Chính phủ xây dựng cơ chế riêng, đặc thù đối với ngân hàng chính sách, phù hợp với đối tượng là hộ nghèo, đối tượng chính sách, vùng sâu, vùng xa.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, Điều 17 dự thảo Luật có quy định: “Ngân hàng Chính sách là ngân hàng đặc biệt, có hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, nhằm thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện nhiều nhiệm vụ Nhà nước giao”. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, dự thảo luật chưa quy định một cách đầy đủ về hoạt động tín dụng của Ngân hàng Chính sách.

Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung Ngân hàng Chính sách vào đối tượng áp dụng của dự thảo Luật. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phân tích, việc tổ chức hoạt động, giải thể của Ngân hàng Chính sách đã được quy định tại khoản 2 Điều 17 là Chính phủ quy định và khoản 3 điều này quy định là việc xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của Ngân hàng Chính sách thực hiện theo quy định của Luật Các TCTD. Tuy nhiên, đối tượng áp dụng của luật quy định tại Điều 2 của dự thảo Luật lại không quy định Ngân hàng Chính sách, do đó đề nghị bổ sung một khoản về Ngân hàng Chính sách vào Điều 2 của dự thảo Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu

Đồng thời đề nghị bổ sung, giải thích cụm từ "Ngân hàng Chính sách", rà soát bổ sung quy định hoạt động tín dụng của Ngân hàng Chính sách, mô hình hoạt động, những trường hợp phát sinh cần có quy định xử lý kịp thời trong hoạt động của Ngân hàng Chính sách, làm cơ sở để Chính phủ quy định đầy đủ hơn tổ chức hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Báo cáo làm rõ vấn đề Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, trong quá trình tham gia với cơ quan chủ trì soạn thảo thì Bộ Tài chính cũng đã đề xuất là phải nghiên cứu để đưa 2 ngân hàng chính sách là Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội vào phạm vi điều chỉnh của Luật Các TCTD. Vì bản thân 2 tổ chức tài chính này hiện cũng đã thực hiện một số hoạt động như của các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại là cho vay, huy động, xử lý các nhiệm vụ khác. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết quan điểm của Bộ Tài chính là cần phải đưa vào phạm vi điều chỉnh và đưa những quy định có tính nguyên tắc để xử lý các hoạt động về quản lý và xử lý các hoạt động của 2 tổ chức này.

Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết thêm, quy mô của 2 ngân hàng này cũng khá lớn. Ngân hàng Phát triển Việt Nam quy mô tổng tài sản khoảng 240.000 tỷ, nếu trừ đi 130.000 tỷ là vốn ODA ủy thác thì còn khoảng 110.000 tỷ thực hiện huy động và cho vay. Quy mô của Ngân hàng chính sách xã hội thì lớn hơn, khoảng 300.000 tỷ. Với quy mô như vậy, nếu như có những trường hợp xảy ra đối với 2 tổ chức tài chính này như mất khả năng thanh toán, nếu không đưa vào Luật thì việc xử lý vô cùng khó khăn. Vì vậy, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất với cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu để đưa 2 tổ chức tài chính rất quan trọng này vào trong quá trình điều chỉnh.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, mặc hai ngân hàng chính sách này có tổ chức, trình tự, thủ tục không giống với ngân hàng thương mại nhưng vì đây là Luật về các tổ chức tín dụng, chứ không phải là luật về tổ chức tín dụng có tính chất kinh doanh. Do đó việc quy định hai tổ chức này trong Luật Các TCDT là phù hợp. Chủ tịch Quốc hội cho rằng nên có chương riêng để quy định về nội dung này. Theo đó, cần luật hóa những vấn đề hiện đang được quy định trong Nghị định của Chính phủ để xác định địa vị pháp lý cho hai tổ chức này, bảo đảm công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tái cơ cấu và phát triển hai ngân hàng này.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh vì đây là luật về tổ chức tín dụng nên hai ngân hàng chính sách này xứng đáng có một chương ở trong Luật. Đưa vào Luật những nội dung tinh túy nhất đã thực hiện ổn định, có giá trị của Nghị định. Chính phủ chỉ hướng dẫn thêm những nội dung Luật giao.

Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm với những định chế tài chính Nhà nước có tổng tài sản lớn như thế này mà hoạt động không có luật, chỉ hoạt động theo Nghị định của Chính phủ thì tính chất pháp lý rất thấp.

Phát biểu tiếp thu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng bày tỏ Luật Các TCTD là một luật rất khó, là một luật có tính chất đặc thù, bởi vì tổ chức tín dụng là một doanh nghiệp nhưng lại là doanh nghiệp đặc thù, cho nên các quy định ở trong dự thảo Luật này đòi hỏi phải thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức tín dụng để phục vụ cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời, phải có các quy định để kiểm soát được rủi ro và đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Đặc thù của hệ thống ngân hàng có tác động lan truyền rất lớn.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Mặt khác, việc xây dựng luật này được triển khai trong một bối cảnh hiện nay đang rất khó khăn và đang trong thời gian cũng nhạy cảm. Tuy nhiên, trong thời gian này cũng có một số những thuận lợi khi đã có những bộc lộ trong thực tiễn của hệ thống tổ chức tín dụng ở Việt Nam và thế giới. Đây là những kinh nghiệm để có thể bổ sung, chỉnh sửa những luật này cho phù hợp với những vướng mắc cũng như những xu hướng hoạt động của ngân hàng trong một bối cảnh mới.

Về phạm vi điều chỉnh, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, qua nghiên cứu kinh nghiệm của quốc tế, các ngân hàng phát triển hoặc ngân hàng chính sách là những ngân hàng theo các mục tiêu cụ thể của Chính phủ. Có những nước họ có quy định luật riêng, nhưng có một số ít nước có quy định về một số nguyên tắc chung đối với loại hình này.

Trên cơ sở gợi ý của Chủ tịch Quốc hội Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết sẽ tiếp tục rà soát và sẽ báo cáo Chính phủ để tham mưu xem hình thức đề xuất là luật riêng hay quy định những nguyên tắc chung để đảm bảo những đặc thù của hai ngân hàng này./.

Bảo Yến

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=75818