Bộ Công Thương lấy ý kiến góp ý nội dung khảo sát FTA Index
Theo Bộ Công Thương, FTA Index chính là thước đo khách quan để đánh giá kết quả thực hiện các hiệp định thương mại tự do của các địa phương.
Chiều 30/9, tại trụ sở Bộ Công Thương, Vụ Chính sách thương mại đa biên đã tổ chức họp tổ chuyên gia FTA Index về xây dựng Bảng câu hỏi điều tra cho doanh nghiệp tại các địa phương để xây dựng Bộ chỉ số FTA Index.
Kỳ vọng Chỉ số FTA sẽ "như một PCI của hội nhập"
Phát biểu tại cuộc họp, ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên đánh giá, việc tham gia các FTA đã mang lại cho Việt Nam những kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu.
Việc thực hiện các cam kết trong các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới với tiêu chuẩn cao cũng dần tạo ra những động lực đổi mới trong nước, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy phát triển kinh tế, cải thiện đời sống của người dân.
Thời gian qua, mặc dù nhận thức về công tác hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và thực thi FTA nói riêng của một số cơ quan, địa phương đã được cải thiện nhưng công tác dự báo, sự quan tâm và đánh giá đúng mức phạm vi tác động của hội nhập và thực thi FTA còn nhiều hạn chế, chưa có tính hệ thống và kịp thời. Nhiều địa phương chưa thực sự chủ động vào cuộc trong việc xây dựng định hướng, chiến lược tận dụng FTA cho các doanh nghiệp tại địa phương mình.
Ông Ngô Chung Khanh cho rằng, nếu tất cả 63 tỉnh, thành đều quan tâm đến việc thực hiện các FTA, đều quan tâm và trăn trở làm thế nào để giúp cho các doanh nghiệp tận dụng FTA hơn nữa chắc chắn kết quả sẽ tốt hơn, hiệu quả hơn, giống như những kết quả chúng ta đã đạt được từ khi có chỉ số PCI.
Theo lãnh đạo Vụ Chính sách thương mại đa biên, mục tiêu xây dựng FTA Index nhằm phản ánh mức độ hiệu quả của các FTA mang tới cho các địa phương, là thông tin bổ sung tin cậy cho các nhà đầu tư định hướng và đưa ra quyết định đầu tư; đồng thời giúp tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, vai trò của các cơ quan trung ương. Đặc biệt, Bộ Công Thương kỳ vọng, FTA Index sẽ giúp cho các tỉnh, thành thay đổi tư duy, thay đổi cách làm trong việc tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tận dụng FTA.
"Chúng tôi hy vọng rằng, với tư duy tương tự như PCI thì FTA Index giúp các tỉnh quan tâm hơn, chú trọng nhiều hơn đến việc tận dụng hiệu quả các FTA và đó là những định hướng lớn mà Bộ Công Thương đã báo cáo Chính phủ", ông Ngô Chung Khanh chia sẻ đồng thời đề nghị các chuyên gia cho ý kiến đóng góp để đảm bảo việc triển khai khảo sát FTA Index trong thời gian tới đạt được hiệu quả, toàn diện, xuyên suốt và đảm bảo đúng tiến độ.
Khảo sát hơn 4.000 doanh nghiệp
Tại cuộc họp, PGS. TS Đào Ngọc Tiến - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương - đã trình bày dự thảo bảng câu hỏi điều tra cho doanh nghiệp tại các địa phương, phương pháp điều tra và phương pháp tính toán Bộ chỉ số FTA Index năm 2024 do Trường Đại học Ngoại Thương xây dựng.
Dự kiến, đối tượng điều tra gồm 4.000 doanh nghiệp thuộc 63 tỉnh, thành phố có hoạt động xuất khẩu hàng hóa hoặc nhập khẩu hàng hóa, thuộc một số ngành kinh tế trực tiếp liên quan đến tận dụng các FTA.
Nội dung khảo sát gồm: Tiếp cận thông tin về các FTA; thực hiện quy định pháp luật, đánh giá các vướng mắc trong quá trình tuân thủ pháp luật thực hiện các FTA; việc triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội của các FTA; thực hiện các cam kết về phát triển bền vững.
Theo PGS Đào Ngọc Tiến, việc xây dựng các chỉ số đánh giá FTA sẽ được thực hiện thông qua hoạt động khảo sát, thu thập dữ liệu sơ cấp doanh nghiệp thuộc cả khu vực kinh tế tư nhân và nhà nước tại địa phương, thu thập dữ liệu thứ cấp từ nguồn thông tin đáng tin cậy từ trong và ngoài nước, phân tích, xây dựng và kiểm định mô hình tính toán Bộ chỉ số, đánh giá và đưa ra giải pháp thúc đẩy việc thực thi FTA tại từng địa phương thông qua Bộ chỉ số của địa phương đó, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thu thập, xử lý dữ liệu vừa trực tuyến vừa trực tiếp.
"Việc thực hiện đánh giá hiệu quả của các FTA thông qua Bộ chỉ số có những thuận lợi và khó khăn, tuy nhiên, đây là mô hình mới, chưa có tiền lệ trên thế giới, vì vậy, trong quá trình thực hiện, phải tự tìm hiểu, nghiên cứu và thử nghiệm chứ không có mô hình cụ thể để tham khảo", PGS. TS Đào Ngọc Tiến nhấn mạnh.
Thảo luận tại cuộc họp, các chuyên gia đều khẳng định sự cần thiết, quan trọng của FTA Index do Bộ Công Thương chủ trì xây dựng, soạn thảo.
Đồng thời, các chuyên gia cũng trao đổi, góp ý kiến thêm xung quanh những nội dung liên quan về: Đối tượng, nội dung khảo sát; phương pháp thu thập, quy trình xử lý thông tin, tổng hợp kết quả điều tra…
Theo kế hoạch, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai thủ tục, quy trình phê duyệt phương án điều tra, bảng hỏi và phương pháp tính chỉ số FTA; xây dựng hệ thống phần mềm xử lý điều tra; hạ tầng công nghệ thông tin; kiểm tra, giám sát công tác điều tra thu thập thông tin tại các địa phương; công bố kết quả điều tra và lưu giữ toàn bộ phiếu thu thập thông tin gốc, dữ liệu điều tra.
Thời gian thu thập thông tin sẽ được tiến hành trong tháng 10 - 11/2024.
Dự kiến, cuối tháng 12/2024, Bộ Công Thương sẽ công bố kết quả FTA Index.
Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực thi các hiệp định thương mại tự do hàng năm của các địa phương (FTA Index) được phê duyệt tại Văn bản số 5678/VPCP-QHQT ngày 31/8/2022.
Bộ Công Thương được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện Đề án.