Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề xuất thêm phương án rút BHXH một lần
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề xuất một phương án để nghiên cứu có thể tích hợp, sử dụng mặt tốt nhất của hai phương án mà Chính phủ trình.
Đóng góp vào dự án dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại phiên thảo luận của UBTVQH sáng 17/8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao nhiều điểm mới trong dự án Luật. Đặc biệt là việc cân nhắc giảm thời gian người lao động đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm xuống 15 năm để được hưởng lương hưu.
Trước đây, thời gian đóng bảo hiểm xã hội quá dài nên nhiều người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần. Những lúc khó khăn như trong dịch Covid-19, giữa việc phải đóng 20 năm sau mới được hưởng lương hưu với cái trước mắt, đôi khi người lao động bắt buộc phải chọn cái trước mắt vì thời gian đóng bảo hiểm xã hội quá dài.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Nghị quyết 28 hướng tới lộ trình đóng bảo hiểm xã hội 10 năm sẽ được hưởng lương hưu, nhưng cũng có đoạn trung gian là 10, 15 năm. Vì thế, dự án Luật lựa chọn giảm thời gian đóng từ 20 năm xuống 15 năm là cần thiết để hướng tới mục tiêu sau này là 10 năm.
Về vấn đề rút bảo hiểm một lần, dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã đưa ra 2 phương án và cơ quan thẩm tra đã đưa ra 5 quan điểm. Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, mỗi phương án theo Tờ trình của Chính phủ phân tích có ưu điểm và các mặt khác nhau, trong đó ông đánh giá phương án 2 mềm dẻo, hài hòa hơn.
Qua nghiên cứu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề xuất một phương án để nghiên cứu có thể tích hợp, sử dụng mặt tốt nhất của hai phương án. Theo đó, đối với những người tham gia sau khi Luật có hiệu lực không được rút bảo hiểm xã hội một lần khi đang trong độ tuổi lao động.
Với người tham gia trước khi Luật sửa đổi có hiệu lực được rút nhưng chỉ rút phần đã đóng, còn một phần vẫn là tích lũy, lưu trong hệ thống bảo hiểm. Việc làm này vừa để giúp người lao động giải quyết khó khăn trước mắt nhưng vẫn lưu lại trong hệ thống và có thể quay trở lại đóng và đảm bảo mạng lưới an sinh xã hội.
Nêu quan điểm về Quỹ Bảo hiểm xã hội, Chủ tịch Quốc hội cho biết, đây là quỹ tài chính ngoài ngân sách nhưng thông với ngân sách, là quỹ tập trung lớn nhất chỉ sau ngân sách. "Tính chất của Quỹ do Nhà nước bảo trợ nên trước đây cứ nói khái niệm vỡ quỹ hay không. Nhưng khẳng định không có khái niệm vỡ Quỹ Bảo hiểm xã hội, vì chúng ta có các chính sách thiết kế cân đối để đảm bảo”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Về quy định nâng cấp mô hình hoạt động Quỹ, trước đây Bộ trưởng Bộ Tài chính là Chủ tịch Hội đồng Quỹ, song dự án Luật đề xuất Phó thủ tướng Chính phủ sẽ đảm nhận. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đánh giá kỹ việc sửa đổi mô hình này, lý do là Hội đồng quản lý Quỹ phải có bộ máy giúp việc, có tính chất độc lập.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhắc lại thời điểm sơ suất khi Quỹ Bảo hiểm xã hội cho Công ty ALC II vay hàng nghìn tỷ đồng trái quy định, sau đó kỷ luật nhiều người. Điều này rất rủi ro, vì thế cơ chế kiểm soát phải nghiên cứu, tính toán. Trong khu vực cũng có những nước dùng tạm ứng quỹ cho vay đầu tư xây dựng cơ bản bị kỷ luật rất cao.
Về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, hiện nay có nhiều đối tượng lao động mới tham gia như mô hình 4.0 về kinh tế chia sẻ, quan hệ lao động rất khác. Trước đây chỉ là giữa người lao động và người sử dụng lao động nhưng hiện nay là 3 bên vì thêm công ty nền tảng như Grab. Ngoài ra, có các đối tượng lao động tự do, lao động từ xa nên phải tính lương tối thiểu theo giờ.
Tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Chính phủ đã đề xuất hai phương án liên quan hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Phương án 1: Quy định hưởng một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau. Nhóm 1 là với người lao động đã tham gia trước khi luật sửa đổi có hiệu lực (1/7/2025), sau 12 tháng nghỉ việc, có nhu cầu được nhận một lần. Nhóm 2 là với người lao động bắt đầu tham gia từ ngày luật sửa đổi có hiệu lực trở đi thì không được nhận một lần.
Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bắt buộc, không tham gia tự nguyện và có thời gian đóng chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.