Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng

Với mục tiêu phát triển cao, đến năm 2030 trở thành tỉnh khá ở đồng bằng sông Cửu Long, tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, tỉnh Sóc Trăng phải có khát vọng phát triển lớn hơn nữa, đồng thời, phải có quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt, kịp thời và hiệu lực, hiệu quả hơn nữa.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Sáng nay, 9.10, tại tỉnh Sóc Trăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác của Trung ương đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng.

Tham dự cuộc làm việc, về phía Đoàn công tác có Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới; Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh.

Về phía Tỉnh ủy Sóc Trăng có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn cùng Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Dự kiến 20/23 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu

Sóc Trăng nằm trong vùng hạ lưu sông Hậu, trên trục lộ giao thông thủy bộ nối liền TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh miền Tây Nam bộ; có bờ biển dài, tiếp giáp trực tiếp hơn 70km với sông Mekông và 3 cửa biển Định An, Trần Đề, Mỹ Thanh. Với vị trí địa lý thuận lợi và mạng lưới giao thông thủy kết nối với hệ thống giao thông đường bộ khá phát triển, tỉnh Sóc Trăng là đầu mối giao thông quan trọng trong vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), có nhiều tiềm năng, lợi thế, điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế biển và ven biển, và dịch vụ hậu cần nghề cá, giao thông vận tải, vận chuyển hàng hóa, thương mại - dịch vụ, logistics, du lịch…

Với tổng diện tích tự nhiên hơn 3 nghìn km2; dân số khoảng 1,2 triệu người, tỉnh Sóc trăng là “mái nhà chung” hội tụ các dân tộc anh em Kinh - Khmer - Hoa, trong đó, đồng bào dân tộc Khmer chiếm đến 30,18% dân số của tỉnh, là địa phương có số lượng đồng bào Khmer nhiều nhất cả nước. Sóc Trăng còn được biết đến như một vùng đất đẹp, giàu truyền thống cách mạng, bản sắc văn hóa đa dạng, lâu đời. Nét đặc trưng này đã thắt chặt thêm truyền thống đoàn kết, tương trợ, chia sẻ yêu thương; trách nhiệm cộng đồng trong việc xây dựng, thúc đẩy sự phát triển của địa phương.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu báo cáo tại cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu báo cáo tại cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Tại cuộc làm việc, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu đã báo cáo với Chủ tịch Quốc hội và Đoàn công tác về kết quả: thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng trong 9 tháng đầu năm 2023, phương hướng nhiệm vụ 3 tháng cuối năm; 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025; chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, trong 9 tháng đầu năm nay, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực, thể hiện qua 10 điểm nổi bật. Trong đó, sản xuất nông nghiệp tương đối ổn định; xâm nhập mặn được kiểm soát tốt, thiệt hại không đáng kể; sản xuất, tiêu thụ lúa tốt, nông dân trúng mùa được giá, xuất khẩu gạo đạt 350 triệu USD, tăng 34% so với cùng kỳ.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Môi trường kinh doanh được cải thiện, hiệu quả quản trị và hành chính công tăng từ hạng 51 lên 24 trong cả nước, đứng thứ 3 vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thu ngân sách tăng 12,9% so với cùng kỳ, giải ngân vốn đầu tư công đạt 55%. Các chính sách an sinh xã hội được triển khai tích cực, đặc biệt, trong hai năm 2021 - 2022, tỉnh đã vận động xây dựng 3.496 căn nhà cho hộ nghèo, năm 2023 tiếp tục hoàn thành thêm 1.200 căn từ nguồn huy động của ngành công an.

Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, kinh tế của tỉnh không ngừng phát triển với tốc độ tăng trưởng bình quân 3 năm vừa qua đạt 5,76%/năm; nông nghiệp phát triển theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng; dự kiến từ nay đến hết nhiệm kỳ sẽ có 20 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu, 3 chỉ tiêu dự kiến khó đạt (gồm: tốc độ tăng trưởng kinh tế, chỉ số sản xuất công nghiệp và tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội của lực lượng lao động trong độ tuổi).

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tổng kế hoạch vốn năm 2023 đã bố trí cho các dự án thuộc chương trình là 1.253 tỷ đồng, đến nay, giải ngân được 481 tỷ đồng. Đối với 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, tổng vốn năm 2023 là 636,3 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân 275,6 tỷ đồng.

Tỉnh Sóc Trăng đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét có cơ chế đặc biệt hỗ trợ đầu tư cảng biển Trần Đề nhằm giúp vùng đồng bằng sông Cửu Long sớm hình thành cảng biển cửa ngõ, tạo sự chủ động trong xuất, nhập khẩu hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện đời sống nhân dân.

Cùng với đó, Sóc Trăng cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm bố trí nguồn vốn ngân sách để đầu tư kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng gồm: tuyến đê chắn sóng; nạo vét, thiết lập tuyến luồng hàng hải; vùng đón trả hoa tiêu với nhu cầu kinh phí khoảng 10.000 tỷ đồng. Xem xét, áp dụng cơ chế đặc thù cho địa phương được khai thác cát biển trong thời gian Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 chưa phê duyệt.

Xem xét, bổ sung chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất khu kinh tế đến năm 2030 cho tỉnh Sóc Trăng nhằm khai thác, phát huy đồng bộ, hiệu quả cảng biển nước sâu Trần Đề theo tinh thần Quy hoạch tỉnh vừa được công bố...

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Tại cuộc làm việc, các thành viên Đoàn công tác đều đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng, tập trung thực hiện các đột phá chiến lược đã đề ra và đạt nhiều kết quả tích cực trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước do tác động của đại dịch Covid-19, diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế cũng như những tác động do biến đổi khí hậu gây ra ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Các thành viên Đoàn công tác cũng lưu ý, những kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh Sóc Trăng; đồng thời, trao đổi cụ thể về các đề xuất của tỉnh, gợi mở các giải pháp để tỉnh phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, hiện thực hóa khát vọng phát triển trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Khát vọng phải lớn hơn, hành động phải quyết liệt hơn

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình chúc mừng và bày tỏ ấn tượng trước sự đổi thay, phát triển của tỉnh Sóc Trăng sau 31 năm tái lập. Từ một tỉnh thuần nông với xuất phát điểm rất thấp, tổng sản phẩm nội tỉnh chỉ đạt 1.268 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người khoảng 1,34 triệu đồng/người/năm, thu ngân sách nhà nước chỉ đạt 45 tỷ đồng, có đến 27,7% hộ thiếu đói và 36,7% hộ nghèo, nhưng với tinh thần đoàn kết, sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, đến nay, tỉnh Sóc Trăng đã có những bước phát triển quan trọng, tiềm lực kinh tế - xã hội được tăng cường, có diện mạo mới, năng động hơn. 3 năm gần đây, dù chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế và biến đổi khí hậu, nhưng kinh tế của tỉnh không ngừng phát triển với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 5,76%/năm.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao việc tỉnh Sóc Trăng đã và đang triển khai nhiều công trình, dự án trọng điểm nhằm xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, trong đó, đã hoàn thành Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn từ thị xã Ngã Bảy (nay là thành phố Ngã Bảy), tỉnh Hậu Giang đến huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng; cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi; khởi công Dự án thành phần 4, Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.

Đặc biệt, Sóc Trăng đã tập trung hoàn thành Quy hoạch tỉnh, là một trong 13 tỉnh, thành phố của cả nước và 2/13 tỉnh, thành phố của vùng đồng bằng sông Cửu Long đã được phê duyệt xong Quy hoạch tỉnh, thể hiện rõ tư duy, tầm nhìn và xác định được không gian, nguồn lực phát triển.

Các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: Lâm Hiển

Các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: Lâm Hiển

Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao việc tỉnh Sóc Trăng đã quyết liệt triển khai các Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIV, ban hành 10 nghị quyết chuyên đề quan trọng bao quát các lĩnh vực kinh tế - xã hội… Tập trung huy động các nguồn lực để thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 13), với mục tiêu từng bước thu hẹp và tiến kịp quá trình phát triển chung của cả nước.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý và chia sẻ với những khó khăn, thách thức của tỉnh Sóc Trăng như: kinh tế phát triển chưa bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm. Tốc độ tăng trưởng kinh tế, GRDP bình quân đầu người, chỉ số sản xuất công nghiệp đạt thấp so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ và thấp hơn so với mức bình quân của vùng ĐBSCL và cả nước. Việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm.

Các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: Lâm Hiển

Các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: Lâm Hiển

Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp mới tập trung lĩnh vực chế biến, các lĩnh vực khác quy mô còn nhỏ. Việc thúc đẩy phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; kêu gọi đầu tư, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp còn nhiều khó khăn, hạn chế. Việc đầu tư phát triển các dự án điện (nhiệt điện, điện gió, điện mặt trời, lưới điện truyền tải) đưa vào vận hành thương mại chậm tiến độ. Sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, chuỗi liên kết sản xuất thiếu bền vững...

“Với quy mô nền kinh tế còn nhỏ và còn nhiều khó khăn, thách thức phía trước, trong khi tỉnh đặt mục tiêu phát triển cao thì đòi hỏi khát vọng phát triển phải lớn hơn nữa. Có khát vọng phát triển lớn thì đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt, kịp thời và hiệu lực, hiệu quả hơn nữa”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Lâm Hiển

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Lâm Hiển

Cơ bản nhất trí với phương hướng, các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm mà Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng đã xác định trong các tháng cuối năm 2023 và nửa nhiệm kỳ còn lại, Chủ tịch Quốc hội đồng thời nhấn mạnh tỉnh Sóc Trăng cần tiếp tục bám sát các Nghị quyết của Trung ương Đảng, của Quốc hội trong việc thực hiện nhiệm vụ, soát xét lại các chỉ tiêu, mục tiêu của cả nhiệm kỳ gắn với thực hiện Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu đã đề ra trong năm 2023 và cả nhiệm kỳ.

Chủ tịch Quốc hội đặc biệt lưu ý tỉnh Sóc Trăng đã đi nhanh trong việc lập, phê duyệt Quy hoạch thì càng phải khẩn trương hơn nữa trong triển khai Quy hoạch tỉnh với tinh thần “thời gian chính là lực lượng”. Phải khai thác hiệu quả lợi thế vị trí chiến lược ven biển và hạ tầng giao thông kết nối liên vùng để xây dựng Sóc Trăng trở thành cửa ngõ chính ra Biển Đông của vùng ĐBSCL, là trung tâm đầu mối của Vùng về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, logistics, các dự án năng lượng với trọng tâm là cảng biển ngoài khơi cửa Trần Đề.

Đồng thời, tiếp tục đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, bảo đảm kết nối giữa các đô thị động lực với các khu, cụm công nghiệp và dịch vụ, trung tâm đầu mối; gắn kết không gian biển với khu vực đất liền; hình thành các hành lang kinh tế kết nối các không gian phát triển. Đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính, phát triển nguồn nhân lực, quy hoạch chế biến nông sản, kêu gọi đầu tư vào chế biến nông sản, thủy sản...

Nhấn mạnh tại Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét, quyết định nhiều chính sách mới, quan trọng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng cần chủ động, sớm báo cáo nhanh kết quả, quán triệt và triển khai thực hiện các Nghị quyết của Trung ương.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng tiếp tục quan tâm lãnh đạo đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh, của HĐND các cấp; tiếp tục đóng góp có hiệu quả đối với công tác lập pháp của Quốc hội, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, nhất là các chuyên đề giám sát của Quốc hội trong năm 2023, 2024.

Chuẩn bị kỹ lưỡng và tổ chức thực hiện tốt việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh lãnh đạo các cấp ủy đảng và người giữ chức vụ do Hội đồng Nhân dân bầu. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, chú ý thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ, trong đó có quy hoạch cán bộ cho cơ quan dân cử.

Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Cẩm Đào phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Cẩm Đào phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Kỳ họp thứ Sáu tới đây của Quốc hội có khối lượng công việc vô cùng lớn, xem xét, cho ý kiến gần 20 dự án luật và dự thảo Nghị quyết quy phạm pháp luật, nhiều nội dung quan trọng, phức tạp như dự án Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Các tổ chức tín dụng, dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu… Từ đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh Sóc Trăng tham gia hiệu quả, đóng góp tích cực, chất lượng về các nội dung này.

Tinh thần là đồng bằng sông Cửu Long phải có một cảng nước sâu

Đối với các kiến nghị của tỉnh, trên cơ sở các ý kiến trao đổi của lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu phải thống nhất nhận thức để triển khai thực hiện, nhất là vấn đề đầu tư xây dựng cảng Trần Đề gắn với khu kinh tế biển. “Tinh thần là đồng bằng sông Cửu Long phải có một cảng nước sâu. Tôi tin là Chính phủ, Quốc hội đồng tình bởi vì cơ sở chính trị pháp lý có đầy đủ rồi. Quốc hội sẽ quan tâm vấn đề này", Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng quà Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng quà Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng quà Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng quà Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ tịch Quốc hội cũng giao Văn phòng Quốc hội tổng hợp các đề xuất, kiến nghị gửi tới các cơ quan nghiên cứu, xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, trên nguyên tắc tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa cho địa phương. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ khẩn trương xem xét, quyết định theo thẩm quyền.

Chủ tịch Quốc hội chúc Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Sóc Trăng gặp nhiều thuận lợi hơn, có sức bật mạnh mẽ hơn nữa; đồng thời, đề nghị các bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm hỗ trợ tỉnh Sóc Trăng và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long hoàn thành tốt nhất kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, đóng góp chung vào kết quả của cả nước.

Phạm Thúy

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/chu-tich-quoc-hoi-vuong-dinh-hue-lam-viec-voi-ban-thuong-vu-tinh-uy-soc-trang-i345751/