Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Mục tiêu cao nhất của việc sắp xếp đơn vị hành chính là phục vụ tốt nhất cho người dân

'Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã không phải là cơ học. Mục tiêu tối thượng vẫn là phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp, làm sao để thuận lợi nhất, hiệu quả nhất. Tới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ sẽ tiếp tục triển khai thực hiện tốt chủ trương này', Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định tại cuộc tiếp xúc cử tri huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng sáng nay.

Sắp xếp đơn vị hành chính - không máy móc, cơ học

Như Báo ĐBND đã đưa tin, sáng nay, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng đã tiếp xúc cử tri, báo cáo kết quả Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV.

Tại cuộc tiếp xúc, cùng với việc ghi nhận và đánh giá rất cao những đổi mới của Quốc hội trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ và kết quả toàn diện, thành công rất tốt đẹp của Kỳ họp thứ Năm, cử tri huyện Vĩnh Bảo cũng kiến nghị một số vấn đề liên quan đến: việc thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và chế độ, chính sách cho cán bộ sau sắp xếp; việc tiếp tục hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi); thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã phát biểu làm rõ thêm các vấn đề cử tri quan tâm.

Đề cập chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, cử tri huyện Vĩnh Bảo cho rằng, đây là chủ trương đúng, trúng và phải thực hiện. Hải Phòng cũng như nhiều địa phương khác đang thực hiện lộ trình sáp nhập thôn, sáp nhập các đơn vị sự nghiệp và sáp nhập xã. Huyện Vĩnh Bảo, theo dự kiến giai đoạn 2023-2025 sẽ sáp nhập 8 xã; sáp nhập một số đơn vị giáo dục tiểu học, trung học cơ sở.

Cử tri Nguyễn Văn Lợi phát biểu ý kiến tại cuộc tiếp xúc cử tri. Ảnh: Lâm Hiển

Cử tri Nguyễn Văn Lợi phát biểu ý kiến tại cuộc tiếp xúc cử tri. Ảnh: Lâm Hiển

Tuy nhiên, để bảo đảm tiến độ thời gian và đạt hiệu quả cao, đặc biệt liên quan đến các đơn vị hành chính cấp xã phải thực hiện ngay trong giai đoạn 2023 - 2025, cử tri Nguyễn Văn Lợi (xã Liên Am), cử tri Phạm Minh Đức đề nghị:Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm ban hành Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030, trên cơ sở đó, Chính phủ sớm ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác cán bộ, chế độ, chính sách, về quản lý, sử dụng trụ sở sau sáp nhập tránh lãng phí… để các địa phương chủ động triển khai thực hiện, đảm bảo thống nhất, đồng bộ trong quá trình tổ chức sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính.

Trao đổi về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta được thực hiện theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII "Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" và Nghị quyết số 37 - NQ/TW của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã.

Cử tri Phạm Minh Đức phát biểu ý kiến tại cuộc tiếp xúc cử tri. Ảnh: Lâm Hiển

Cử tri Phạm Minh Đức phát biểu ý kiến tại cuộc tiếp xúc cử tri. Ảnh: Lâm Hiển

Trong giai đoạn vừa qua, nhờ thực hiện mạnh mẽ chủ trương này (cùng với chủ trương sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập), chúng ta đã tinh giản được biên chế, thu gọn được đầu mối, nâng cao được hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, chất lượng phục vụ nhân dân được nâng lên. Đầu năm nay, Bộ Chính trị đã tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18, Nghị quyết số 37 và có Kết luận số 48 ngày 30.1.2023 về tiếp tục thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, thực hiện theo hai giai đoạn cụ thể là 2023-2025 và 2026-2030.

Để thực hiện chủ trương theo Kết luận số 48, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng kết, đánh giá và tiến hành sửa đổi hai Nghị quyết về tiêu chí của đơn vị hành chính và tiêu chí, tiêu chuẩn đô thị. Ngay trong chiều 3.7, trước khi về tiếp xúc cử tri huyện Vĩnh Bảo, Chủ tịch Quốc hội đã chủ trì phiên họp của Đảng đoàn Quốc hội về việc ban hành Nghị quyết mới của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.

“Quyết tâm là ban hành Nghị quyết này ngay trong tháng 7”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đồng thời nêu rõ, “việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nhằm tinh gọn đầu mối, tinh giản biên chế, nhưng quan trọng hơn nữa là phải nâng cao được chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và quản lý nhà nước ở cơ sở chứ không phải sắp xếp để mà sắp xếp”.

Theo quy định, có hai tiêu chí chính để sắp xếp là: quy mô dân số và diện tích, nếu đơn vị nào không đáp ứng về quy mô dân số và diện tích thì sẽ sắp xếp lại. Tuy nhiên, Nghị quyết số 37 và Kết luận số 48 của Bộ Chính trị cũng đều nhấn mạnh không làm cơ học như vậy. "Đây là hai tiêu chí cơ bản để xem xét thôi, còn việc sắp xếp cụ thể phải căn cứ vào hoàn cảnh địa lý, lịch sử, văn hóa, truyền thống, dân tộc, tôn giáo và cả những yêu cầu về phát triển, được cấp ủy chính quyền địa phương quyết định, các tỉnh, thành phố phải có đề án chứ Trung ương không làm thay. Có những đơn vị bắt buộc phải sắp xếp, nhưng do yếu tố khách quan, chủ quan có thể chưa sắp xếp ngay. Nhưng Nghị quyết số 37 và Kết luận số 48 cũng nêu rõ, có những đơn vị không thuộc diện bắt buộc phải sắp xếp nhưng Trung ương khuyến khích nếu thuận lợi, đáp ứng được yêu cầu phát triển thì cũng ủng hộ sắp xếp lại”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Ảnh: Lâm Hiển

Ảnh: Lâm Hiển

Bày tỏ hoàn toàn nhất trí với ý kiến của cử tri về việc phải khắc phục cho được những tồn tại, hạn chế trong sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã của giai đoạn trước mà giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua đã chỉ ra, Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi: thực tế có những xã biên giới, vùng cao, hải đảo, nông thôn, các điểm trường cách rất xa nhau, nếu hai xã sáp nhập thì các điểm trường của hai xã này có nhất thiết phải ghép lại với nhau không? Theo Chủ tịch Quốc hội, “nếu thuận tiện thì có thể sáp nhập nhưng nếu không thuận tiện, chưa thể sáp nhập được trong một giai đoạn nhất định thì đây là vấn đề hoàn toàn do địa phương quyết định được, Trung ương không yêu cầu sáp nhập một cách cơ học, máy móc vì phải bảo đảm yêu cầu dạy và học cho địa phương. Về trụ sở các đơn vị hành chính cấp huyện, xã sau sắp xếp cũng tương tự như vậy”.

Cùng với đó, tại Nghị định số 29/NĐ-CP của Chính phủ về tinh giản biên chế và Nghị định số 33/NĐ-CP của Chính phủ về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố đã quy định những địa phương có diện tích quá lớn hoặc quy mô dân số đông thì phải cho phép tăng thêm cán bộ chuyên trách ở cấp xã, miễn là số dự kiến tinh giản biên chế và số lượng biên chế tiết kiệm được do việc sắp xếp lớn hơn số tăng thêm, bù trù lại vẫn bảo đảm tinh giản được biên chế.

Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, không phải chờ Nghị quyết mới của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được ban hành mới triển khai mà trong thời gian qua, cùng với việc nghiên cứu, ban hành Nghị quyết mới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch, dự kiến những huyện, xã nào cần sắp xếp, số lượng cán bộ dôi dư như thế nào, hướng dẫn quản lý trụ sở, tài sản công ra sao... Có nhiều chế độ, chính sách không phải chỉ cắt giảm là xong mà phải có lộ trình thực hiện.

“Việc sắp xếp này không phải là cơ học mà là khoa học về tổ chức bộ máy, quản lý nhà nước. Mục tiêu tối thượng vẫn là phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp, làm sao để thuận lợi nhất, hiệu quả nhất, phải tính toán rất kỹ lưỡng vấn đề này. Tới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ sẽ tiếp tục triển khai thực hiện tốt chủ trương này”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Về kiến nghị của cử tri liên quan đến chế độ, chính sách, thu nhập, đời sống của cán bộ không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, đây là vấn đề đã được Trung ương quan tâm từ nhiều năm nay.

Có hai phương thức để giải quyết bài toán tiền lương – thu nhập của cán bộ cơ sở đã được thực hiện nhất quán trong thời gian qua. Một là, phấn đấu tăng tiền lương cơ sở và cải cách tiền lương. Vừa qua, Quốc hội đã có Nghị quyết yêu cầu Chính phủ báo cáo lộ trình cải cách tiền lương vào quý IV năm nay. Chính phủ cũng đã tăng tiền lương cơ sở lên 1.800.000 từ ngày 1.7 năm nay. Hai là, thực hiện chế độ khoán, cho phép một người kiêm nhiệm vài ba việc và kiêm nhiệm việc nào thì được hưởng thêm chế độ của công việc đó. Chủ tịch Quốc hội cũng nêu quan điểm, ngoài chính sách chung của Trung ương thì những địa phương có điều kiện, đi trước được thì khuyến khích nên mở rộng các chính sách, đây là thẩm quyền của địa phương; đồng thời đề nghị TP. Hải Phòng bên cạnh các chính sách đặc thù đã áp dụng cho cán bộ, công chức thì cần quan tâm hơn nữa đến cán bộ ở cơ sở.

Đấu thầu, đặt hàng dịch vụ công “tắc” vì 10/15 bộ chưa ban hành định mức mới

Ghi nhận những bất cập trong thực hiện quy định sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước để thực hiện xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng tài sản công hàng năm, đặc biệt đối với những dự án có quy mô nhỏ dưới 15 tỷ đồng được cử tri Phạm Đức Thảo (Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Vĩnh Bảo) phản ánh, Chủ tịch Quốc hội cho biết, vấn đề này liên quan đến Luật Ngân sách Nhà nước, do đó, vừa qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất với Chính phủ sớm sửa đổi Luật này. Trong khi chưa sửa đổi Luật thì để giải quyết vấn đề bức xúc trong một số lĩnh vực có thể trình Quốc hội ban hành một Nghị quyết thí điểm với phạm vi không gian, thời gian rõ ràng.

Các đại biểu tham dự cuộc tiếp xúc cử tri. Ảnh: Lâm Hiển

Các đại biểu tham dự cuộc tiếp xúc cử tri. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ tịch Quốc hội nhất trí với đề xuất của cử tri về việc sớm sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí; ban hành đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo lộ trình giá dịch vụ được tính đủ chi phí để các địa phương có căn cứ triển khai thực hiện. Phải có tiêu chuẩn, quy chuẩn, đơn giá mới có cơ sở để đấu giá, đấu thầu, đặt hàng các dịch vụ công. Nhưng trong số 15 bộ phải ban hành các định mức mới thì mới chỉ có 5 bộ ban hành nên việc đấu thầu, đặt hàng dịch vụ công vừa qua là “tắc” hết. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, vừa qua, Bộ Chính trị đã họp về tổng kết Nghị quyết số 19 – NQ/TW về sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập và sắp tới sẽ ban hành kết luận để thúc đẩy việc thực hiện Nghị quyết số 19, trong đó, nội dung trọng tâm là phải sửa ngay vấn đề này.

Cử tri Nguyễn Thị Ngọc Diệp (Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vĩnh Bảo) nêu thực tế, hiện nay, việc lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại được thực hiện thông qua các hình thức đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất theo quy định tại Điều 22 Luật Nhà ở năm 2020. Để có quỹ đất thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất thì phải có quỹ đất đã giải phóng mặt bằng theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 119 Luật Đất đai năm 2013. Tuy nhiên việc thu hồi đất để giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện các dự án phát triển nhà ở không thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng được quy định tại khoản 3 Điều 62 Luật Đất đai năm 2013. Để có thể phát triển nguồn lực đất đai, cử tri đề nghị phải có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.

Ghi nhận vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội cho biết, có sự không tương thích giữa các luật hiện hành. Quá trình tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013 đã nhận diện được khó khăn, vướng mắc này và hiện Quốc hội đang xem xét sửa đổi trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến thông qua tại Kỳ họp cuối năm nay. Cũng liên quan đến Luật Đất đai (sửa đổi), trả lời kiến nghị về việc tăng tự chủ cho địa phương trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đất trồng lúa là vấn đề phải quản lý nghiêm ngặt. Tuy nhiên, tìm điểm trung hòa giữa giao quyền tự chủ cho địa phương và kiểm soát vấn đề này cũng cần phải nghiên cứu trong sửa đổi Luật Đất đai, kèm theo đó là các điều kiện về đánh giá tác động môi trường, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, trong đó có đất trồng lúa. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tổng hợp các ý kiến của cử tri để Chính phủ và Quốc hội tiếp tục làm rõ hơn nội dung này để có quy định cho phù hợp.

Toàn cảnh cuộc tiếp xúc cử tri. Ảnh: Lâm Hiển

Toàn cảnh cuộc tiếp xúc cử tri. Ảnh: Lâm Hiển

Sản phẩm OCOP - giải quyết bài toán cho hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa

Chủ tịch Quốc hội cũng ghi nhận các ý kiến xác đáng của cử tri liên quan đến định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định tại khoản 5 Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; hướng dẫn hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đối với lĩnh vực xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định của pháp luật, trong đó hướng dẫn về phương pháp, tiêu chí đánh giá để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển công nghệ trong nước, công nghệ tiên tiến.

Thông tin thêm về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trong năm 2022, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tổ chức Phiên giải trình việc thực hiện pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Kết luận phiên giải trình đã đánh giá, bên cạnh những kết quả đạt được, còn có một số hạn chế, bất cập trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt.

Cụ thể là, cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương chưa ban hành đầy đủ, hướng dẫn hoặc rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo thẩm quyền. Một số nhiệm vụ được yêu cầu trong Nghị quyết số 499/NQ-UBTVQH15 ngày 28.3.2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đến nay chưa hoàn thành; các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt chưa kịp thời rà soát, sửa đổi; hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt chưa được ban hành để các địa phương có cơ sở sớm triển khai thực hiện; hướng dẫn mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại đô thị và nông thôn; việc lựa chọn công nghệ, danh mục công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt được khuyến khích chưa được hướng dẫn cụ thể.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố tổng hợp nội dung kiến nghị này gửi Ban Dân nguyện tiếp tục yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định pháp luật.

Tại cuộc tiếp xúc cử tri, Chủ tịch Quốc hội cũng đã trao đổi, làm rõ thêm ý kiến cử tri liên quan đến y tế, văn hóa, du lịch, phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ, xây dựng nông thôn mới...

Ghi nhận kiến nghị xác đáng của cử tri Hoàng Hữu Thủ (xã Hòa Bình) về việc nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể đối với từng loại hình doanh nghiệp, hợp tác xã như chính sách về đất đai, hỗ trợ về tiếp cận tín dụng, thị trường, khoa học - công nghệ và xúc tiến thương mại, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Luật Hợp tác xã (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Năm đã có rất nhiều quy định tiến bộ. Theo đó, đã có 8 loại chính sách rất chi tiết đối với hợp tác xã và đã bổ sung chính sách đối với hợp tác xã nông nghiệp. Tuy nhiên, với doanh nghiệp vừa và nhỏ, dù đã có Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng luật thuế chưa sửa được và các chính sách ưu tiên đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng chưa sửa, thiếu hướng dẫn cụ thể.

Về vấn đề đào tạo nghề cho nông dân, ứng dụng công nghệ thông tin, Chủ tịch Quốc hội thông tin, tháng 9 tới, Quốc hội sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu về chủ đề chuyển đổi số và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trong khuôn khổ của Hội nghị sẽ tổ chức triển lãm toàn quốc về thành tựu của sản phẩm OCOP và thành tựu trong chuyển đổi số, khởi nghiệp của thanh niên Việt Nam. Nhấn mạnh OCOP chính là gia tăng giá trị thương hiệu, gia tăng hàm lượng khoa học công nghệ cho các sản phẩm địa phương, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hải Phòng cần tập trung thêm vào việc phát triển các sản phẩm OCOP, chính là giải quyết bài toán cho hợp tác xã, cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Phạm Thúy

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/chu-tich-quoc-hoi-vuong-dinh-hue-muc-tieu-cao-nhat-cua-viec-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-la-phuc-vu-tot-nhat-cho-nguoi-dan-i334915/