Bộ trưởng GTVT: Phân cấp địa phương quản lý quốc lộ ngay khi Luật Đường bộ có hiệu lực

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu đơn vị trực thuộc phối hợp xây dựng nghị định, thông tư hướng dẫn, triển khai các bước theo quy trình để phân cấp quản lý quốc lộ cho các địa phương ngay khi Luật Đường bộ có hiệu lực.

Khẩn trương xây dựng các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật mới ban hành

Sáng nay (3/7), Bộ GTVT tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị (Ảnh: Tạ Hải).

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị (Ảnh: Tạ Hải).

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đánh giá, 6 tháng đầu năm, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng các cơ quan, đơn vị trong ngành GTVT đã đoàn kết cố gắng bám sát nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đạt được nhiều kết quả tích cực.

Nhiều khó khăn, vướng mắc kéo dài được xử lý, đặc biệt là việc tháo gỡ thủ tục khai thác cát biển; Một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam có khả năng hoàn thành sớm hơn kế hoạch từ 3 - 6 tháng, thậm chí có thể là 8 tháng; Hai dự án cuối cùng trên tuyến đường Hồ Chí Minh đã được khởi công, cụ thể hóa mục tiêu nối thông toàn tuyến vào năm 2025; Bộ GTVT tiếp tục là một trong số bộ, ngành có mức giải ngân vốn đầu tư công cao trong cả nước…

"Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Vụ Tổ chức cán bộ chủ động phối hợp làm việc với Bộ Nội vụ xây dựng chương trình thi đua 500 ngày nỗ lực cố gắng hoàn thành các dự án đường bộ cao tốc chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 14 của Đảng", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng giao nhiệm vụ.

"Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế có nhiều đột phá. Trong đó, Luật Đường bộ đã được thông qua tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, giảm thiểu thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp phân quyền, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Đây là dự án Luật chúng ta đã rất vất vả, tốn rất nhiều công sức. Tôi đánh giá cao các Vụ, Cục đã rất quyết liệt đeo bám cơ quan liên quan giải trình để hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội xem xét", Bộ trưởng nói.

Xác định 6 tháng cuối năm, nhiệm vụ của ngành GTVT còn rất lớn, người đứng đầu Bộ GTVT yêu cầu Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đường bộ và Luật Trật tự ATGT đường bộ, đặc biệt là Nghị định thanh toán điện tử giao thông đường bộ, Nghị định thu phí sử dụng đường cao tốc, Nghị định thu phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện, hoàn thành trình trước ngày 15/8/2024.

"Việc xây dựng nghị định, thông tư phải bảo đảm có thể triển khai ngay khi Luật có hiệu lực. Cần nhanh chóng triển khai các bước theo quy trình để thực hiện phân cấp quản lý quốc lộ cho các tỉnh, thành ngay sau khi Luật Đường bộ có hiệu lực", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Toàn cảnh hội nghị của Bộ GTVT sáng nay (Ảnh: Tạ Hải).

Toàn cảnh hội nghị của Bộ GTVT sáng nay (Ảnh: Tạ Hải).

Xử lý ngay nguy cơ uy hiếp an toàn hàng không

Đối với công tác quản lý hoạt động vận tải, Cục trưởng các Cục quản lý chuyên ngành được yêu cầu tăng cường cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng các cảng, bến, nhà ga phục vụ hành khách; phối hợp với địa phương bảo đảm đầy đủ phương tiện phục vụ an toàn, thuận lợi nhu cầu đi lại của người dân, nhất là trong dịp cao điểm hè, dịp nghỉ lễ mùng 2/9, tết Dương lịch và tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

"Phải đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn hàng không, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ an ninh, an toàn hàng không, kịp thời phát hiện, xử lý ngay những nguy cơ có khả năng dẫn tới sự cố uy hiếp an ninh an toàn hàng không. Vừa qua chúng ta đã làm rất tốt nhưng tuyệt đối không được lơ là", Bộ trưởng nói, đồng thời yêu cầu cầu các đơn vị liên quan đẩy mạnh thanh tra, kiểm soát chặt chẽ giá vé máy bay, không để tình trạng tăng giá vé trái quy định; quản lý nghiêm việc điều phối, sử dụng slot của các hãng hàng không.

Dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các chủ đầu tư/Ban QLDA phối hợp chặt chẽ với các địa phương để tháo gỡ khó khăn trong công tác GPMB, bảo đảm nguồn cung vật liệu, thúc đẩy tiến độ các dự án.

Riêng hệ thống trạm dừng nghỉ, Cục Đường cao tốc VN cần chỉ đạo, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư.

"Giai đoạn 1 đã làm tốt, giai đoạn 2 phải làm rất nhanh, làm đồng thời. Cần phải lưu ý, nhiều đoạn tuyến thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đến ngày 30/4 đã hoàn thành. Phải đảm bảo thời điểm khánh thành, dự án được đầu tư đồng bộ các hạng mục, trong đó có hệ thống trạm dừng nghỉ", Bộ trưởng lưu ý.

Đảm bảo tiến độ đầu tư kết cấu hạ tầng 6 tháng cuối năm, Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp với UBND tỉnh Bình Phước triển khai đúng tiến độ dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành; Xây dựng kế hoạch để rút ngắn tiến các Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Hồ Chí Minh theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Cùng đó là hoàn thành thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án thành phần 4 cảng hàng không quốc tế Long Thành theo đúng kế hoạch; đẩy nhanh triển khai nghiên cứu thí điểm mở rộng sử dụng cát biển theo đúng kế hoạch để sớm có kết quả chính thức, toàn diện trong năm 2024 nhằm phục vụ cho các dự án triển khai trong thời gian tiếp theo.

"Vụ Kế hoạch - Đầu tư có trách nhiệm theo dõi, kịp thời tham mưu Bộ điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2024 của các dự án chậm giải ngân sang các dự án khác giải ngân nhanh và có nhu cầu bổ sung vốn theo quy định, đảm bảo mục tiêu 100% kế hoạch vốn năm 2024", Bộ trưởng giao nhiệm vụ.

Thực hiện mục tiêu giảm khí phát thải trong lĩnh vực GTVT, ngay từ bây giờ, các đơn vị cũng phải chủ động nghiên cứu các giải pháp chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Làm những gì? Giai đoạn nào phải làm? Nguồn lực ở đâu? Tất cả các vấn đề đó phải sớm được xác định.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng

Nhiều điểm sáng

Trước đó, thông tin tại hội nghị, ông Uông Việt Dũng, Chánh Văn phòng Bộ GTVT cho biết, hai quý đầu năm 2024, Bộ GTVT đạt được nhiều kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực.

Kết quả giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm đạt 25.500 tỷ đồng, đạt 40% kế hoạch vốn được giao.

Những tháng đầu năm, Bộ GTVT đã khởi công 7 dự án đường bộ, 1 dự án đường sắt, hoàn thành đưa vào khai thác 4 dự án, trong đó có 2 dự án đường bộ cao tốc được đầu tư theo hình thức BOT là Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Diễn Châu - Bãi Vọt.

Qua đó đã đưa vào khai thác toàn bộ 11 Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 giúp nối thông và rút ngắn thời gian đi từ Hà Nội đến Vinh và từ TP.HCM đến Nha Trang, nâng tổng số chiều dài đường bộ cao tốc trên cả nước lên hơn 2.000km. Các dự án lĩnh vực đường sắt, hàng không cơ bản bám sát tiến độ yêu cầu.

Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, Bộ GTVT đã hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cổng dịch vụ công của Bộ với 50/63 Cổng dịch vụ công các địa phương; cơ bản hoàn thành cơ sở dữ liệu nền tảng dùng chung về đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa

Từ đầu năm đến nay, các trung tâm đăng kiểm cũng duy trì được trạng thái bình thường, không để xảy ra tình trạng ùn tắc.

Nam Khánh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/bo-truong-gtvt-phan-cap-dia-phuong-quan-ly-quoc-lo-ngay-khi-luat-duong-bo-co-hieu-luc-192240703142256931.htm