Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Tập trung cải cách hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ

Nhà nước kiến tạo thì phải đồng hành với người dân và doanh nghiệp. Phải rà soát lại hết tất cả các vấn đề, khởi động lại các cơ chế đã có; tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Giữ vữngổn định vĩ môtrước các cú sốc trong và ngoài nướclà thành công lớn

Điểm sáng của quý IV năm 2022 là nỗ lực giữ ổn định kinh tế vĩ mô trước các cú sốc trong và ngoài nước. Bắt đầu sang quý III, quý IV, chúng ta đối diện mấy cú sốc liền, Fed tăng lãi suất liên tục, trong nước lại đối diện với cú sốc về SCB và nhiều vấn đề khó khăn nữa. Trong bối cảnh đó, Bộ Chính trị đã có Kết luận về kinh tế vĩ mô. Chúng ta đã giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, giữ được ổn định về tỷ giá và lạm phát. Điều này có ý nghĩa lớn lắm. Cả báo cáo Chính phủ, báo cáo thẩm tra cần nhấn thật mạnh điều này. Năm ngoái, chúng tôi lo đến không ngủ được, thế mà chúng ta đã giữ được. Đây là cố gắng, nỗ lực rất lớn trong lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Chính phủ là cơ quan tổ chức thực thi vấn đề này, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Kinh tế Trung ương, các cơ quan chịu trách nhiệm về vĩ mô. Năm ngoái là chao đảo, chứ không phải đơn giản. Từ rất khó khăn của quý III, sang quý IV chúng ta nỗ lực vượt được và cả năm đạt được 8,02% tăng trưởng, lạm phát ở mức 3,15% - phải nói là thắng lợi lớn, tổng quát lại năm 2022 là năm khá tốt.

Tuy nhiên, suy giảm động lực và tốc độ tăng trưởng đã bắt đầu rất rõ, từ quý III tăng trưởng gần 14% sang đến quý IV còn có 5,9%, bắt đầu sang quý I năm nay còn có 3,32%, rơi gần như thẳng đứng như thế. Tới đây, nhiệm vụ là phải đánh giá, dự báo xem đã xuống đáy chưa và bắt đầu có chiều hướng đi lên không hay vẫn tiếp tục xuống?

Tôi đề nghị bám sát kết luận của Bộ Chính trị về kinh tế vĩ mô để đánh giá thêm năm 2022, kể cả những nỗ lực, cố gắng đã đạt được, những vấn đề đang đặt ra và việc đó sẽ kéo theo cả năm 2023 nữa.

Đối với năm 2023, đề nghị phải quán triệt, bám sát những nghị quyết của Quốc hội, kết luận của Trung ương. Năm ngoái, chỉ số lạm phát đạt 3,15% vừa là thành tích nhưng nhiều chuyên gia cũng nói là mình kìm nén tốc độ lạm phát, điều hành chưa được nhịp nhàng lắm, nhất là một số dịch vụ công nếu năm ngoái chớp cơ hội đó mình điều chỉnh thì đỡ áp lực cho năm nay rất nhiều, giữa tăng trưởng với lạm phát hay là mình quá chú trọng kiềm chế lạm phát, dư địa Quốc hội cho 4% mà thực hiện có 3,15%. Lạm phát thì thấp nhưng lãi suất thì cao, như vậy lãi suất thực dương là đúng nguyên lý nhưng chênh lệch giữa lãi suất huy động với lạm phát lớn, chưa nói đến lãi suất cho vay nên doanh nghiệp càng khó khăn.

Ảnh: Lâm Hiển

Ảnh: Lâm Hiển

Trong điều hành chính sách tiền tệ thì nới room tín dụng quá muộn. Còn có hơn 10 ngày nữa mới tuyên bố là nới room tín dụng thì room cũ còn không dùng đến hết thì room mới làm sao thực hiện được? Cho nên, kết quả là không dùng được room mới mở ra mà cả room đã cho phép là 14% cũng không đạt được, mà sức ép nới room tín dụng là từ Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV khi chất vấn các thành viên Chính phủ đại biểu Quốc hội đã nêu rất nhiều. Đánh giá phản ứng chính sách là thiếu nhạy bén, thiếu kịp thời là chỗ này. Chúng ta phải suy nghĩ để rút kinh nghiệm trong việc điều hành.

Nhận diện rõ tình hình và xu hướng để có giải pháp phù hợp

4 tháng đầu năm nay, về vĩ mô chúng ta cơ bản vẫn giữ được. Điều này có ý nghĩa lớn lắm. Các nước lạm phát rất cao. Chúng ta vẫn giữ được các cân đối lớn của nền kinh tế; nông nghiệp vẫn tăng trưởng khá ổn định, hơn 2,5%; tổng mức bán lẻ số liệu của Tổng cục Thống kê tăng đến 12,8% so với cùng kỳ năm trước, trừ yếu tố giá thì vẫn tăng đến 8,3%... Đây có phải điểm sáng không?

Bên cạnh đó, phải đánh giá thật kỹ việc các chỉ tiêu khác bị giảm, trong đó có chỉ tiêu giảm rất nhanh như: chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước, trong khi cùng kỳ năm 2022 tăng đến 7,8%, vấn đề này rõ nhất, động lực tăng trưởng giảm mạnh. Hay báo cáo nêu lao động nhiều hơn, thu nhập cao hơn không đúng đâu. Số lao động đang làm việc trong doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm ngày 1.4.2023, tức là đến 31.3.2023 giảm 3,5% so với cùng thời điểm năm trước, làm gì có tăng. Tình hình đăng ký doanh nghiệp 4 tháng có 78,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 2%. Rút lui khỏi thị trường là 77.000 doanh nghiệp, tăng 25%. Như vậy, gần như số rút lui khỏi thị trường bằng số thành lập mới và quay trở lại hoạt động, gần như không có tăng trưởng về doanh nghiệp. Xu hướng này có thể diễn biến phức tạp hơn nữa trong những tháng tới đây. Phải nhận diện cho rõ vấn đề này. Bản thân con số đã nói lên tất cả.

Về đầu tư, nỗ lực như vậy, số tuyệt đối thì tăng lên nhưng cũng chỉ bằng 19% so với dự toán giao, cả 4 tháng được có 19%, thu hút FDI giảm 17,9% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư thực hiện cũng giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Năm ngoái, số vốn thực hiện luôn luôn tăng, nhưng năm nay số vốn thực hiện giảm. Nền kinh tế làm gì có vốn mà tăng trưởng được? Thu ngân sách nhà nước mặc dù đạt 39,8% dự toán nhưng giảm 5% so với cùng kỳ năm trước, tức là bằng 95%, chưa kể quý I vừa qua có một số khoản thu dư địa từ năm trước chuyển sang, nếu tách hết các yếu tố bất thường ra thì quy mô thu ngân sách của 4 tháng vừa qua, có số liệu cho thấy chỉ đạt khoảng 83% và tình hình này còn xuống nữa.

Nói thế để các đồng chí đề xuất giảm 2% thuế VAT, vấn đề này chưa có trong chương trình nghị sự để bàn, nhưng phải tính đến khả năng thu ngân sách năm nay thế nào, kích cầu là rất cần thiết. Nếu Quốc hội có biểu quyết thì cũng biểu quyết là đồng ý nhưng không được làm giảm thu ngân sách. Chắc không có cách nào khác. Đấy là mệnh lệnh.

Thu chi ngân sách nhà nước thì như thế, chưa nói là cơ cấu thu xuất khẩu giảm đến 11,8%, nhập khẩu thì còn giảm mạnh hơn là 15,4%, trong khi một trong những động lực của nền kinh tế nước ta là xuất khẩu. Xu hướng tới đây như thế nào nữa? Cán cân thương mại thì thặng dư, nhưng khu vực kinh tế trong nước nhập siêu hơn 8 tỷ USD, xuất siêu 14 tỷ USD này chủ yếu là đầu tư nước ngoài; chỉ số giá tiêu dùng bắt đầu có xu hướng tăng 3,84% so với cùng kỳ, nhưng lạm phát cơ bản cao hơn chỉ số giá bình quân.

Toàn cảnh phiên khai mạc. Ảnh: Lâm Hiển

Toàn cảnh phiên khai mạc. Ảnh: Lâm Hiển

Khách quốc tế đến Việt Nam tăng 19,2 lần cùng kỳ năm trước nhưng vẫn chỉ bằng 61% so với cùng kỳ của năm 2019, tức là năm chưa xảy ra dịch, chưa là gì cả. Chúng ta mở cửa gần 2 năm rồi nhưng đến bây giờ mới chỉ khoảng 61,7% thôi.

Phải phân tích trên cơ sở số liệu. Đánh giá xu hướng thì rõ ràng các thị trường vẫn đang vướng mắc, doanh nghiệp và người dân đang rất khó khăn.

Phảikhắc phục tình trạng né trách nhiệm, sợ sai và không chịu làm

Một trong những nội dung mấy hôm nay các cơ quan Trung ương và các chuyên gia cũng thảo luận là, bây giờ phải phân tích cho rõ nguyên nhân khách quan là gì và chủ quan là gì chứ không phải chỉ kể ra số liệu. Cái nào là bên ngoài, cái nào là bên trong? Chúng ta nói rằng khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi thì phải chứng minh được nhiều hơn ở chỗ nào, từ đó mới có giải pháp.

Phải bám sát Nghị quyết của Quốc hội, các nhóm giải pháp tập trung vào cái gì thì nói cho rõ. Ví dụ, quy hoạch bây giờ còn tắc như thế, quy hoạch chưa có, kế hoạch sử dụng đất sẽ vướng thì làm sao có dự án đầu tư được? Cả tư nhân cũng thế mà Nhà nước cũng thế. Như vậy thì giải pháp phải tập trung nỗ lực hoàn thành các quy hoạch, kế hoạch. So với Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu các quy hoạch đến ngày 31.12.2022 là phải xong hết, nhưng đến bây giờ - chậm 4 tháng rồi mới chỉ được có mấy quy hoạch. Quy hoạch cấp tỉnh đến nay đã được bao nhiêu rồi? Quy hoạch tỉnh chưa phê duyệt được thì làm sao người ta làm được?

Chúng ta không nói thẳng vào những chuyện này mà cứ nói ở đâu? Phải tập trung vào những giải pháp mà Nghị quyết Quốc hội đã có rồi, kết luận của Trung ương đã có rồi, bám vào đó, sát sàn sạt vào những nguyên nhân hiện nay.

Hiện nay các chuyên gia, nhà khoa học góp ý nhiều là phải tập trung vào vấn đề cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, siết chặt kỷ luật, kỷ cương công chức và công vụ. Các đồng chí cứ lấy số liệu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp (VCCI) ra để thấy, các vấn đề liên ngành như đầu tư xây dựng, đất đai và môi trường qua số liệu điều tra của VCCI là hiệu lực điều hành rất yếu, kể cả cấp Trung ương và địa phương. Những vấn đề có tính liên ngành là doanh nghiệp người ta nói hầu như “ngồi im”. Khi có một văn bản kết luận nào đó hoặc chỉ đạo nào đó của cả cấp địa phương, cấp Trung ương mà còn chung chung thì có hai trường hợp: một, ngồi chờ chỉ đạo tiếp; hai là, không làm gì.

Các đồng chí có số liệu thì nói thẳng vào chuyện này và trách nhiệm cuối cùng là của người đứng đầu. Đổi mới, sáng tạo, năng động, trách nhiệm là của người đứng đầu. Bây giờ cái gì cũng lấy ý kiến tập thể như thế này rồi thì làm sao? Chúng ta vẫn nói là Nhà nước kiến tạo thì phải đồng hành với người dân và doanh nghiệp. Phải rà soát lại hết tất cả các vấn đề, khởi động lại các cơ chế đã có. Trước đây doanh nghiệp, người dân phản ánh lên, có đầu mối để tiếp thu, kiến nghị lại cái gì, phản hồi lại cái gì, hàng tháng đều có. Bây giờ có kiểm điểm cái này không, đồng hành với doanh nghiệp, với người dân ở chỗ nào, kiến tạo phát triển ở đâu?

Nhà nước nhỏ, xã hội lớn, Chính phủ là Chính phủ kiến tạo, Nhà nước kiến tạo. Hôm qua đã nói rõ rồi, để khắc phục tình trạng một bộ phận, chưa biết là lớn hay nhỏ, nhưng cả Trung ương, địa phương, lẩn tránh trách nhiệm, né tránh trách nhiệm, sợ sai và không chịu làm. Việc đấy có thật, thiếu trách nhiệm, lẩn tránh, đùn đẩy, việc của mình thì đẩy cho người khác, việc cấp dưới thì đẩy cho cấp trên. Những việc này có phải là nguyên nhân chính, nguyên nhân chủ yếu bây giờ không? Chúng ta phải nói thẳng ra, tập trung vào khâu yếu này. Khâu làm thể chế chính sách thì các luật đang làm rất tích cực nhưng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các loại quy hoạch chuyên ngành như Quy hoạch điện VIII phải ban hành sớm thì mới nhanh khắc phục được. Bây giờ tác động vào phía cung là gì, tác động cầu thế nào? Ủy ban Kinh tế cũng phải chắt lọc để viết, trên cơ sở nội dung này nhưng chắt lọc, viết ngắn gọn, sâu.

Chúng ta nhận diện được hết tất cả những thành tựu, kết quả đạt được, những khó khăn. Khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi nhưng phải chỉ ra khó khăn, vướng mắc là gì, tập trung nhiều vào việc họp bàn kỹ, quyết theo từng nhóm vấn đề để giải quyết.

Quỳnh Chi lược ghi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/chu-tich-quoc-hoi-vuong-dinh-hue-tap-trung-cai-cach-hanh-chinh-siet-chat-ky-luat-ky-cuong-cong-vu-i327239/