Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm Đại sứ quán và gặp cộng đồng người Việt Nam tại Ấn Độ

Theo đặc phái viên TTXVN, ngay sau khi đến Thủ đô New Delhi, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Ấn Độ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã tới trụ sở Đại sứ quán và gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Ấn Độ.

Trong không khí vui tươi, đầm ấm, thắm tình đồng bào, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng và xúc động gặp đại diện cộng đồng người Việt Nam và các cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội gửi tới toàn thể bà con, cộng đồng người Việt Nam tại Ấn Độ lời thăm hỏi ân cần và tình cảm ấm áp nhất từ quê nhà.

Trò chuyện với cán bộ, nhân viên của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, cộng đồng người Việt tại Ấn Độ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ những kết quả nổi bật trong chuyến thăm chính thức Hàn Quốc trước khi sang thăm chính thức Ấn Độ. Ấn Độ là một cường quốc mới nổi, ngày càng có tiếng nói quan trọng trong khu vực và thế giới. Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh tình hình thế giới và khu vực đang diễn biến khó lường, đại dịch Covid-19 đang có nguy cơ bùng phát phức tạp trở lại tại nhiều nơi trên thế giới, quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ tiếp tục phát triển tốt đẹp trên tất cả các trụ cột, đạt hiệu quả và độ tin cậy cao. Hai nước kỷ niệm 5 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện năm 2021 và đang chuẩn bị các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (7/1/1972 - 7/1/2022) vào năm 2022.

Chủ tịch Quốc hội cho biết chuyến thăm của Đoàn đại biểu Việt Nam lần này nhằm góp phần cùng với nỗ lực của Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước đưa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ đi vào chiều sâu, thực chất hơn nữa, nhất là các lĩnh vực trụ cột của mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước như quốc phòng, ngoại giao, thương mại, đầu tư, giáo dục, du lịch, khoa học công nghệ và giao lưu nhân dân; sẽ trao đổi với các nhà lãnh đạo Ấn Độ về phương hướng thúc đẩy hợp tác giữa hai nước, Quốc hội hai nước.

Tại cuộc gặp, Chủ tịch Quốc hội đã chia sẻ với những khó khăn và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của cán bộ, nhân viên Đại sứ quán cũng như cộng đồng người Việt Nam trong phòng, chống dịch Covid-19, nhất là thời điểm nước bạn gặp rất nhiều khó khăn, mất mát do tác động của đại dịch.

Về công tác đối với cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài, Chủ tịch Quốc hội khẳng định chính sách Đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước nước ta theo tinh thần Nghị quyết 36 và Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài; Kết luận số 12-KL/TW về công tác này trong tình hình mới luôn dành sự quan tâm đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và cộng đồng người Việt ở Ấn Độ nói riêng.

Chia sẻ những điểm mới, đáng chú ý về Kết luận 12, Chủ tịch Quốc hội cho biết, ngày 12-8-2021, Bộ Chính trị ban hành Kết luận 12-KL/TW về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới khẳng định vị trí, vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Bộ Chính trị yêu cầu việc thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp trong tình hình mới phải thể hiện rõ hơn tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đồng thời tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện để đồng bào hướng về quê hương.

Kết luận 12 khẳng định việc tiếp tục nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc đối với người Việt Nam ở nước ngoài; triển khai các biện pháp tổng thể chăm lo, hỗ trợ kiều bào; nâng cao hiệu quả công tác bảo hộ công dân, quản lý lao động, du học sinh…; chú trọng đổi mới, nâng cao hiệu quả, phương thức tổ chức dạy và học tiếng Việt.

Thời gian tới, Quốc hội, Chính phủ sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ cho việc thực hiện và giám sát thực hiện pháp luật về người Việt Nam ở nước ngoài.

Chính phủ cũng đã giao Bộ Ngoại giao xây dựng chương trình hành động của Chính phủ về công tác người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2021-2026. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Ủy ban Đối ngoại phối hợp với Bộ Ngoại giao rà soát các chính sách, pháp luật cho người Việt Nam ở nước ngoài để thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng vào chính sách pháp luật; triển khai các biện pháp tổng thể hỗ trợ kiều bào, nhất là những địa bàn khó khăn. Qua đó, đảm bảo cho người Việt Nam ở nước ngoài ổn định địa vị pháp lý, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, tuân thủ pháp luật và hội nhập thuận lợi với xã hội sở tại; khuyến khích và tạo điều kiện để người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Đảng và và Nhà nước đã hết sức quan tâm, chăm lo, kịp thời có các biện pháp hỗ trợ, trong đó đã tổ chức gần 200 chuyến bay đưa hơn 53.000 công dân mắc kẹt, những người có hoàn cảnh khó khăn từ hơn 50 quốc gia/vùng lãnh thổ về nước; khẳng định người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để bà con về thăm quê hương, đầu tư kinh doanh, đồng thời có những biện pháp hỗ trợ để cộng đồng ổn định pháp lý, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ở sở tại.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của bà con thời gian qua khắc phục khó khăn, vượt qua đỉnh điểm đại dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp. Ấn Độ là một trong những nước có số người nhiễm cao nhất trên thế giới nhưng nước bạn đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất; hiện đã mở cửa nền kinh tế, có những kinh nghiệm đáng quý trong phòng, chống dịch, đang nỗ lực phục hồi kinh tế. Chủ tịch Quốc hội cho rằng đây cũng là lĩnh vực hợp tác mới mà trong chuyến thăm này, lãnh đạo Quốc hội cũng như đại diện Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan hai nước thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm giữa hai nước để góp phần phòng, chống dịch tốt hơn cũng như tìm kiếm lĩnh vực hợp tác mà Ấn Độ có thế mạnh trong giai đoạn hiện nay, hy vọng sẽ tạo ra một làn sóng mới về đầu tư từ Ấn Độ tới Việt Nam, nhất là những ngành mà bạn có thế mạnh như về công nghệ cao, công nghệ thông tin, hợp tác về lĩnh vực dầu khí...

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao cộng đồng người Việt tại Ấn Độ tuy điều kiện cuộc sống còn nhiều vất vả nhưng bà con luôn hưởng ứng tích cực các cuộc vận động, quyên góp giúp đỡ đồng bào trong nước bị bão lũ, ủng hộ người nghèo, nạn nhân của chất độc màu da cam, ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong nước… Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ vui mừng trước sự phát triển của cộng đồng người Việt tại Ấn Độ. Các thế hệ người Việt thứ 2, thứ 3 tại Ấn Độ vẫn giữ gìn được văn hóa, tiếng Việt và luôn hướng về quê hương đất nước.

Thay mặt Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao và biểu dương những thành tích mà Đại sứ Phạm Sanh Châu và toàn thể cán bộ, nhân viên Đại sứ quán đã đạt được trong các năm qua bất chấp những khó khăn, thách thức không nhỏ của địa bàn, góp phần không ngừng tăng cường và củng cố quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Ấn Độ, tạo dựng được niềm tin chiến lược cấp cao giữa lãnh đạo hai nước; tăng cường được sự hiểu biết và ủng hộ lẫn nhau giữa Chính phủ và nhân dân hai nước.

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ hy vọng trong thời gian tới, tập thể Đại sứ quán sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa để tăng cường quan hệ hai nước, góp phần thực hiện thành công các chính sách đối ngoại với Ấn Độ mà Đảng và Nhà nước ta đã đề ra.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định Đảng, Nhà nước và Quốc hội luôn dành sự quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện để các Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài hoạt động một cách thuận lợi nhất nhằm góp phần phục vụ công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/1020050/chu-tich-quoc-hoi-vuong-dinh-hue-tham-dai-su-quan-va-gap-cong-dong-nguoi-viet-nam-tai-an-do