Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Tỉnh Hậu Giang phải 'đi nhanh hơn, bứt phá hơn và trường sức hơn'

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025, Hậu Giang đã đạt nhiều kết quả khá toàn diện, nhiều dấu ấn nổi bật, tạo tiền đề để tỉnh tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Nhấn mạnh từ những kết quả này có thể lạc quan, tin tưởng vào chặng đường phát triển tới, song Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng lưu ý, không được chủ quan, thỏa mãn. Tỉnh đã xác định quan điểm tỉnh nhỏ phải có khát vọng phải lớn thì bây giờ phải đi nhanh hơn, bứt phá hơn và trường sức hơn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Như Báo Đại biểu Nhân dân đã đưa tin, sáng nay, 10.10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác Trung ương đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang về: việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm từ đầu nhiệm kỳ đến nay, định hướng nhiệm vụ trọng tâm đến cuối nhiệm kỳ; quán triệt và thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 13); thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các dự án cao tốc qua địa bàn tỉnh Hậu Giang...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác của Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác của Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ động tham gia liên kết vùng và các chuỗi giá trị vùng

Tỉnh Hậu Giang kiến nghị với Quốc hội một số nội dung liên quan đến: tiêu chí phân bổ kinh phí cho các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long; tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh như quy định tại Nghị quyết số 43 của Quốc hội đến năm 2025, cho phép giải ngân nguồn vốn đầu tư công thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đến tháng 6.2024.

Liên quan đến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), tỉnh Hậu Giang kiến nghị: bổ sung nội dung cho phép doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp được phép thuê nhà ở xã hội ở ngoài các khu công nghiệp để cho công nhân vào ở, nhằm phù hợp với thực tế; bổ sung quy định hướng dẫn đối với “Đất Khu nông nghiệp công nghệ cao”, “đất khu kinh tế tuần hoàn”; xem xét bổ sung quy định cụ thể mục đích sử dụng đất nông nghiệp khác (thực tế việc sử dụng đất nông nghiệp khác, có sự đầu tư kiên cố, thay đổi hoàn toàn mục đích sử dụng đất, ví dụ: nhà nuôi yến cao tầng; các trang trại chăn nuôi có đầu tư nền móng kiên cố, khó có thể để sử dụng đất sang đất nông nghiệp)...

Tỉnh Hậu Giang cũng kiến nghị Chính phủ ban hành chính sách đầu tư, hỗ trợ đặc biệt cho các tỉnh sản xuất nông nghiệp để tạo sự cân bằng giữa các tỉnh trong khu vực và trong cả nước; sửa đổi, bổ sung Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo hướng giảm bớt thủ tục.

Cùng với đó, cần sớm phê duyệt quy hoạch nông nghiệp đồng bộ với quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng, tập trung nguồn lực phát triển sản xuất nông nghiệp, cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả theo chuỗi giá trị, có cơ chế, chính sách để khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, để người dân có nơi tiêu thụ sản phẩm thúc đẩy tiêu thụ nông sản, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Ban hành chính sách khuyến khích phát triển văn hóa - xã hội ngang bằng phát triển kinh tế, để đất nước phát triển toàn diện hơn. Hạn chế tệ nạn xã hội, nâng cao đạo đức, mức sống cho Nhân dân. Quan tâm phát triển du lịch phù hợp từng vùng, miền nhằm phát triển kinh tế đất nước. Sớm phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, làm cơ sở để tỉnh thực hiện các bước tiếp theo.

Tại cuộc làm việc, các thành viên Đoàn công tác Trung ương đánh giá cao những kết quả đạt được của tỉnh Hậu Giang trong thời gian qua; cho rằng, tỉnh đang đi đúng hướng và đã có nhiều mô hình hay, cách làm tốt nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển đã đề ra. Các đại biểu cũng nhấn mạnh, giai đoạn hiện nay "đang là thời kỳ của ĐBSCL" khi Đảng và Nhà nước đang triển khai rất nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách lớn cho các tỉnh trong vùng, các thành viên Đoàn công tác nhấn mạnh, đây là cơ hội lớn cho Hậu Giang nói riêng và các tỉnh trong vùng nói chung. Nhiều ý kiến đề nghị, Hậu Giang cần đặc biệt chú trọng vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển hài hòa kinh tế, xã hội, môi trường; chủ động tham gia liên kết, kết nối vùng và các chuỗi giá trị trong khu vực. Các thành viên Đoàn công tác cũng đã trao đổi cụ thể về các kiến nghị của tỉnh Hậu Giang.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Lạc quan, tin tưởng nhưng không được chủ quan, thỏa mãn

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao và nhất trí với các báo cáo của tỉnh Hậu Giang, đề nghị tỉnh nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của các thành viên Đoàn công tác.

Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Đoàn công tác, Chủ tịch Quốc hội biểu dương sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Hậu Giang đã đạt nhiều kết quả khá toàn diện, nhiều dấu ấn nổi bật, tạo tiền đề để tỉnh tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao quà tặng lãnh đạo tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao quà tặng lãnh đạo tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, tăng trưởng kinh tế là điểm sáng của tỉnh với tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2021 đạt 3,28%, cao hơn mức bình quân chung cả nước; năm 2022 đạt 13,94%, mức cao nhất kể từ khi thành lập tỉnh, đứng thứ tư cả nước; 9 tháng đầu năm 2023, đạt 13,3%, vươn lên đứng đầu cả nước.

Sau 20 năm tách tỉnh, quy mô kinh tế của Hậu Giang đã tăng hơn 10 lần, năm 2004 chỉ đạt khoảng 4.700 tỷ đồng, năm 2022 khoảng 48.062 tỷ đồng. Thu nội địa trong 3 năm qua đã tăng bình quân 1.000 tỷ đồng/năm, tăng 20,45%. Thu nhập bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước, bình quân trên 15%/năm. Đặc biệt là, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, công nghiệp tiếp tục tăng trưởng cao, từng bước khẳng định vai trò tạo động lực phát triển kinh tế của tỉnh.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác chứng kiến Lãnh đạo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam trao bảng tượng trưng 5 tỷ đồng ủng hộ Quỹ vì người nghèo của tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác chứng kiến Lãnh đạo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam trao bảng tượng trưng 5 tỷ đồng ủng hộ Quỹ vì người nghèo của tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Lâm Hiển

Cùng với đó, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, có nhiều cơ hội phát triển mới, nhiều nhà đầu tư có uy tín đã đến Hậu Giang tìm cơ hội đầu tư. Cơ sở hạ tầng tiếp tục được quan tâm đầu tư, nhiều công trình, dự án được đẩy nhanh tiến độ; các tuyến đường cao tốc đi qua tỉnh Hậu Giang được triển khai tích cực, bài bản, huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Theo Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, sắp tới Hậu Giang sẽ có 2 tuyến đường cao tốc (Bắc - Nam và Đông - Tây) đi qua. Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao việc tỉnh Hậu Giang đã nhận thức đây là thời cơ, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, từ đó đã rất khẩn trương phối hợp với các địa phương trong vùng để đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục được chú trọng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, bình quân giảm 1,44%/năm. Lĩnh vực y tế có nhiều tiến bộ, nhất là trong công tác phòng, chống dịch Covid – 19, nằm trong nhóm các tỉnh kiểm soát dịch Covid-19 tốt của cả nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Công tác an sinh, phúc lợi xã hội cơ bản được bảo đảm, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân được nâng lên, thực hiện chủ trương vận động xây dựng 1.400 căn nhà “Đại đoàn kết” cho các đối tượng khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh.

Quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; nắm chắc tình hình và chủ động triển khai các phương án bảo đảm an ninh trật tự, không để hình thành điểm nóng.

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận tỉnh Hậu Giang có nhiều đổi mới thực chất, đạt kết quả tích cực, trong đó hoạt động của HĐND có nhiều điểm sáng với việc tổ chức nhiều kỳ họp bất thường để kịp thời xem xét, quyết định các vấn đề của địa phương.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Trong công tác cán bộ, Hậu Giang có nhiều cách làm mới: đã ban hành Đề án về thí điểm đổi mới tinh giản biên chế gắn với tuyển dụng cán bộ trẻ ngang tầm nhiệm vụ, mạnh dạn giảm biên chế nhiều hơn quy định Trung ương để tuyển mới cán bộ trẻ, có trình độ năng lực vào hệ thống chính trị. Trong bổ nhiệm cán bộ, tỉnh yêu cầu cán bộ phải bảo vệ chương trình hành động trước tập thể lãnh đạo - nếu tập thể đồng ý thì mới thực hiện quy trình tiếp theo...

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, Hậu Giang cần xác định rất rõ các khó khăn, thách thức của mình để có giải đúng, trúng và đột phá hơn, trong đó, đặc biệt lưu ý vấn đề quy mô nền kinh tế còn nhỏ, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, tỷ trọng công nghiệp mới chỉ chiếm khoảng 30% GDP và chưa có ngành công nghiệp chủ lực, yếu tố bền vững cũng còn hạn chế, năng suất lao động, thu nhập bình quân thu nhập đầu người còn thấp...

“Qua đó để thấy rằng, chúng ta có lạc quan, tin tưởng nhưng không được chủ quan, thỏa mãn. Quy mô nền kinh tế nhỏ, xuất phát điểm thì thấp nên các đồng chí đã xác định quan điểm khát vọng phải lớn, bây giờ phải đi nhanh hơn, bứt phá hơn và trường sức hơn”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Tập trung cao nhất để trong năm nay ban hành được Quy hoạch tỉnh Hậu Giang

Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh Hậu Giang trước hết, cần tập trung toàn lực thực hiện thành công các mục tiêu đề ra, rà soát nhiệm vụ, phân giao nhiệm vụ, trách nhiệm rõ ràng để duy trì được đà tăng trưởng, phấn đấu đạt cao nhất các chỉ tiêu của năm 2023 và cả nhiệm kỳ. Cùng với đó, sớm thông báo, quán triệt, triển khai thực hiện các kết luận, nghị quyết vừa được Ban Chấp hành Trung ương quyết định tại Hội nghị Trung ương lần thứ Tám vừa qua, nhất là các nghị quyết rất thiết thực với Hậu Giang về bảo vệ Tổ quốc, đại đoàn kết, chính sách xã hội...

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Nhiệm vụ thứ hai theo Chủ tịch Quốc hội là phải khẩn trương ban hành được Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

“Các đồng chí phải cố gắng quyết liệt để trong năm nay ban hành được Quy hoạch tỉnh Hậu Giang vì hiện đã chậm 1 năm so với Nghị quyết số 61 của Quốc hội. Phải tập trung thúc đẩy vấn đề này. Quy hoạch phải đi trước một bước, từ đó cũng mới có cơ sở tính toán lại cơ cấu đất công nghiệp như các đồng chí kiến nghị”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Dự thảo Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt ra mục tiêu đến năm 2030: Hậu Giang trở thành tỉnh có nền sản xuất công nghiệp phát triển ở mức khá, đến năm 2050, trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng ĐBSCL. Tỉnh cũng xác định thực hiện 3 đột phá chiến lược và cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh nền kinh tế theo phương châm “Một tâm, Hai tuyến, Ba thành, Bốn trụ, Năm trọng tâm”.

Trong đó, Một tâm: phát triển huyện Châu Thành trở thành trung tâm phát triển về công nghiệp và đô thị của tỉnh trong trung và dài hạn. Hai tuyến: tập trung khai thác phát triển theo 2 tuyến động lực cao tốc Cần Thơ - Cà Mau kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh và tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng kết nối với các tỉnh Nam Sông Hậu. Ba thành: ưu tiên phát triển nâng tầm các trung tâm đô thị gồm TP. Vị Thanh, TP. Ngã Bảy và thị xã Long Mỹ. Bốn trụ: phát triển 4 trụ cột gồm công nghiệp hiện đại, nông nghiệp sinh thái, đô thị thông minh, du lịch chất lượng. Năm nhiệm vụ trọng tâm: hoàn thiện thể chế, chính sách; phát triển nguồn nhân lực chất lượng phục vụ các lĩnh vực; cải cách hành chính - ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; hoàn thiện hạ tầng, chú trọng hạ tầng giao thông và công nghiệp; phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Cơ bản nhất trí và đánh giá cao các định hướng phát triển của tỉnh, Chủ tịch Quốc hội đồng thời nhấn mạnh quan điểm phát triển công nghiệp và đô thị hóa theo tinh thần tại chỗ và thuận thiên.

Trong đó, về phát triển công nghiệp, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Hậu Giang cần coi trọng phát triển cả khu công nghiệp và cụm công nghiệp, nhất là trong điều kiện quỹ đất đai phục vụ phát triển công nghiệp không còn nhiều; đặc biệt lưu ý vấn đề lựa chọn rất kỹ lưỡng các nhà đầu tư sử dụng diện tích đất ít nhưng giá trị đầu tư cao, công nghệ cao.

Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Về nông nghiệp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, tỉnh Hậu Giang phát huy lợi thế, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, đồng thời chú trọng vấn đề liên kết để hình thành chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp chung của vùng. Nông nghiệp phải chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy các mô hình, sáng kiến hiệu quả, đơn cử như mô hình “đập thời vụ” trước đây.

Về giao thông, Chủ tịch Quốc hội nhất trí cho rằng, tỉnh cần thực hiện những dự án trọng điểm, nhưng cần tính toán kỹ lưỡng các nút giao, đường gom, kết nối nội vùng để phát huy tối đa hiệu quả các đường cao tốc đi qua tỉnh.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Đối với một số kiến nghị của tỉnh Hậu Giang, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận và giao Văn phòng Quốc hội tổng hợp các đề xuất, kiến nghị để gửi tới các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, trên nguyên tắc tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa cho địa phương.

Với những vấn đề thuộc thẩm quyền Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ khẩn trương xem xét, quyết định. Trong đó, liên quan đến cơ chế đặc thù cho dự án đường 61C, Chủ tịch Quốc hội cho biết hiện đã có trong danh mục và tại Phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, gắn với phân bổ nguồn vượt thu ngân sách năm 2022. Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét việc có thể ban hành một Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, trong đó có việc xem xét có giao cho tỉnh có năng lực làm chủ đầu tư dự án giao thông kết nối vùng hay việc bố trí vốn hỗn hợp trung ương - địa phương...

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chứng kiến Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam trao tượng trưng 5 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng 100 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ đặc biệt khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh.

Phạm Thúy

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/chu-tich-quoc-hoi-vuong-dinh-hue-tinh-hau-giang-phai-di-nhanh-hon-but-pha-hon-va-truong-suc-hon-i345916/