Đẩy nhanh giải ngân đầu tư công để đưa dòng tiền vào thị trường
Các chuyên gia cho rằng, để thúc đẩy kinh tế trong năm 2025, giải ngân đầu tư công cần được thực hiện nhanh chóng để đưa dòng tiền vào thị trường, từ đó giảm áp lực cho các ngân hàng thương mại.
Ngày 8/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025, với chủ đề “Khai thông và bứt phá” do VietnamBiz tổ chức.
Tại diễn đàn, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội khóa XV cho biết, cuối năm 2024 đến năm 2025, kinh tế Việt Nam có nhiều cơ hội. Những cải cách về thể chế và quyết sách đầu tư mới kỳ vọng sẽ tích cực hơn, giúp cải thiện thực lực tài chính. Bên cạnh đó, kinh tế đối ngoại của Việt Nam trong 2 - 3 năm trở lại đây phát huy tốt, mở ra cơ hội giao lưu kinh tế, thương mại, đầu tư.
“Từ nay đến cuối năm, các quyết sách lớn về kinh tế - xã hội, các dự án đầu tư lớn và công cuộc về xây dựng, cải cách thể chế kỳ vọng sẽ được khai thông, bứt phá. Các quyết sách thông qua sắp tới sẽ phản ánh mạnh mẽ mục tiêu năm 2025”, ông Hiếu chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Bá Hùng - chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, nhận định, năm 2024 kinh tế nội địa vẫn đang khó khăn, tuy nhiên, năm 2025 có thể sẽ tốt hơn.
Do cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc, xu hướng tìm kiếm nền kinh tế thứ ba để duy trì chuỗi sản xuất vẫn sẽ duy trì trong thời gian tới. Việt Nam là một trong những nước trong khu vực hưởng lợi ích nhất định trong dòng chuyển dịch đầu tư quốc tế này và sẽ duy trì trong vài ba năm tới.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Bá Hùng cũng cho rằng, đầu tư nước ngoài đã bắt đầu gây áp lực lên hạ tầng trong nước, bao gồm hạ tầng giao thông, năng lượng, bến cảng, đường xá. Đồng thời, chi phí logistics của Việt Nam vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực. Cho nên, để tận dụng được cơ hội trong xu hướng dịch chuyển dòng vốn, việc tháo gỡ những nút thắt về hạ tầng và nhận lực là yếu tố quan trọng.
Bên cạnh đó, một trong những ẩn số trong thời gian tới là chính quyền mới của Mỹ. Dù có thực hiện những chính sách ông Trump đã hứa trong lúc tranh cử hay không, nhưng chắc chắn sẽ có ảnh hưởng nhất định tới tình hình thương mại thế giới.
“Việt Nam có độ mở thương mại cao, tỷ lệ xuất khẩu trên GDP cao, thời gian vừa qua đóng góp xuất khẩu cho tăng trưởng cũng rất mạnh. Nếu trong bối cảnh khó khăn về chính sách thương mại toàn cầu, đặc biệt thị trường Mỹ, thì chúng ta cũng gặp nhiều thách thức.
Vì vậy, bên cạnh việc phát huy lợi thế vì kinh tế đối ngoại, Việt Nam cần tập trung kích cầu kinh tế nội địa, kích thích đầu tư nội địa, giúp nền kinh tế trong nước phục hồi tốt hơn, biến thành động lực cho tăng trưởng”, ông Nguyễn Bá Hùng nói.
Trong khi đó, ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc Khối Đầu tư Dragon Capital cho rằng, các con số dự báo GDP cho thấy, để những chính sách kích thích đi vào đời sống nhanh nhất, doanh nghiệp cần được phép làm những gì luật không cấm, chứ không phải chỉ làm những cái được phép làm.
Mặc dù năm 2025 được dự báo sẽ mang nhiều tín hiệu tích cực, nhưng ông Nguyễn Tú Anh - Giám đốc Trung tâm thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban kinh tế Trung ương - cho rằng, Việt Nam cần quyết liệt trong việc xóa bỏ rào cản trong việc sử dụng nguồn lực sẵn có.
Một điều đáng nói là nền kinh tế thì đang thiếu vốn nhưng giải ngân đầu tư công chậm, ông Tú Anh kỳ vọng trong 2025, giải ngân đầu tư công sẽ nhanh hơn, giúp thị trường huy động tiền dễ dàng, giảm áp lực cho ngân hàng trong việc duy trì lãi suất thấp.
“Tôi cho rằng, cán cân thanh toán năm 2025 sẽ dương. Thứ hai là tiền từ Kho bạc Nhà nước kỳ vọng cũng sẽ được đưa ra nhanh chóng, bên cạnh đó, những ngân hàng yếu kém cũng được tái cấu trúc. Khi dòng tiền được đưa ra thị trường từ các kênh này, lãi suất có thể giữ ổn định là tốt, nhưng giảm được thì tốt hơn”, ông Tú Anh nói.
Dưới góc độ ngân hàng thương mại, theo ông Trần Hoài Nam - Phó Tổng Giám đốc HDBank, trừ năm 2022 lãi suất có một số biến động khoảng nửa năm, nhưng đến cuối năm 2023 và năm 2024, lãi suất đã ở mức độ chấp nhận được. Sang năm 2025, nếu Fed vẫn tiếp tục giảm lãi suất thì về lý thuyết, lãi suất Việt Nam có thể có xu hướng giảm theo.
“Tôi cho rằng duy trì lãi suất ở mức độ hiện nay đã là rất tốt, nếu giảm thì tốt hơn, bởi sẽ giúp giá vốn rẻ đi, từ đó thúc đẩy lãi suất cho vay thấp hơn, ủng hộ doanh nghiệp, cá nhân trong việc phát triển kinh tế”, ông Hoài Nam nói.