Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ủng hộ kéo dài thực hiện Nghị quyết 54
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ủng hộ việc trình Quốc hội cho phép kéo dài thực hiện Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM và kéo dài ít nhất 1 năm
Ngày 12-10, tiếp tục phiên họp thứ 16, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã họp cho ý kiến về việc thực hiện Nghị quyết số 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM (Nghị quyết 54); báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 115 về cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội (Nghị quyết 115).
Tại phiên họp, đại diện Chính phủ đã trình bày báo cáo đề nghị cho phép TP HCM tiếp tục thực hiện Nghị quyết 54 thêm 1 năm đến hết ngày 31-12-2023.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai cho biết thường trực ủy ban này cho rằng nếu tại kỳ họp thứ 4, Chính phủ không thể đưa ra những đề xuất chính sách của một nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 để áp dụng ổn định sau thời gian thí điểm theo quy định thì "phương án kéo dài thời hạn có hiệu lực của Nghị quyết 54 đến 31-12-2023 là cần thiết".
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra lưu ý việc đề nghị tiếp tục thực hiện Nghị quyết 54 thực chất là kéo dài thời gian áp dụng chính sách thí điểm có thời hạn. Ủy ban Tài chính - Ngân sách góp ý báo cáo của Chính phủ chưa làm rõ lý do, tính thuyết phục, căn cứ phù hợp để áp dụng việc kéo dài thời gian thực hiện; chưa dự báo được hiệu quả sẽ mang lại nếu kéo dài thời hạn thực hiện thêm 1 năm. Bên cạnh nguyên nhân khách quan do dịch bệnh COVID-19, báo cáo chưa chỉ ra nguyên nhân chủ quan trong tổ chức thực hiện dẫn đến phải kéo dài.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng trong bối cảnh Chính phủ chưa đề xuất các cơ chế, chính sách mới, việc đề nghị cho phép tiếp tục thực hiện Nghị quyết 54 là phù hợp để TP HCM khai thác các chính sách cần thiết để phát triển.
"Đề nghị TP HCM phải quyết tâm nghiên cứu đưa ra chính sách mới đột phá hơn cũng như điều chỉnh, dừng chính sách nào không còn phù hợp" - ông Vũ Hồng Thanh nêu ý kiến.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị cần nghiên cứu tổng kết thực tiễn gắn với chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 để vấn đề nào chính thì đưa luôn vào luật, đơn cử như Luật Đất đai (sửa đổi).
Giải trình các ý kiến góp ý, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan cho biết UBTVQH đã có những đánh giá rất tốt, đồng thời chỉ ra có nhiều yếu tố tác động bên ngoài ảnh hưởng đến quá trình triển khai thực hiện, trong đó có nguyên nhân chủ quan.
Ông Võ Văn Hoan dẫn ví dụ có những việc TP muốn làm nhưng cân nhắc vì mới, vì khó và trước khi làm cũng lắng nghe nhiều ý kiến, sau đó chưa mạnh dạn để đưa ra do có ý kiến trái chiều.
"Có cái chủ quan của chúng ta. Nghị quyết có đề cập nhưng thực tế thực hiện không phải đơn giản. Như những vấn đề thu hồi đất lúa trên 10 ha, nhưng thực hiện dự án trên 10 ha và có quy mô dân số từ 10.000 đến 15.000, khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ thì lại vướng thủ tục, các quy định của Luật Đầu tư. Đó là cái khó dẫn đến chậm triển khai" - Phó Chủ tịch UBND TP HCM nói.
Bên cạnh đó, như các vấn đề có liên quan đến cổ phần hóa để có nguồn lực, TP HCM có chậm phương án cổ phần hóa nhưng để có phương án cổ phần hóa thì phải chờ hướng dẫn các phương án sử dụng đất nên không làm được...
"Tài sản công của các cơ quan Trung ương trên địa bàn TP cũng chưa được sắp xếp nên không có cơ hội để TP triển khai thực hiện đúng theo tinh thần nghị quyết"- ông Võ Văn Hoan dẫn chứng.
Cùng với đó, TP HCM đã chuẩn bị dự thảo nghị quyết mới trình Quốc hội mang tính toàn diện hơn để huy động nhiều nguồn lực hơn, không phải chỉ nguồn lực từ Nhà nước. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND TP HCM, dự thảo nghị quyết mới mở ra cơ chế huy động nguồn lực tư nhân để đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, thể thao. Song Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) không cho lĩnh vực văn hóa, thể thao được xã hội hóa nên rất khó để thực hiện.
"Với các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM, nếu không huy động các nguồn lực để đầu tư các cơ sở vật chất về văn hóa, thể thao tầm cỡ thì chắc chắn Nhà nước sẽ không có nguồn lực để thực hiện" - ông Võ Văn Hoan nói.
Vì vậy, đại diện lãnh đạo TP HCM mong muốn Quốc hội cho thực hiện đối tác công - tư với hai lĩnh vực này. "TP HCM cố gắng làm và làm tốt để có nhiều kinh nghiệm góp ý cho quy định pháp luật của cả nước, đồng thời tạo điều kiện cho TP phát triển, có nhiều nguồn thu hơn để đóng góp nhiều hơn cho cả nước" - ông Võ Văn Hoan bày tỏ.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm là rất cần thiết và quá trình thực hiện chứng minh nhiều cơ chế, chính sách phát huy công năng, hỗ trợ cho phát triển kinh tế - xã hội của TP lớn.
Chủ tịch Quốc hội ủng hộ việc trình Quốc hội cho phép kéo dài thực hiện Nghị quyết 54 và đã kéo dài phải có thời hạn, ít nhất khoảng 1 năm. Trong thời gian này, các cơ quan nghiên cứu, đánh giá, tổng kết thấu đáo hơn để đề xuất một số chính sách có thể thể chế hóa bằng luật pháp chung, một số chính sách mới thí điểm thêm.
Kết lại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết UBTVQH thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định cho phép TP HCM tiếp tục thực hiện Nghị quyết 54 đến hết 31-12-2023 và đưa nội dung này vào nghị quyết chung của kỳ họp Quốc hội thứ 4 (dự kiến khai mạc 20-10-2022).