Chủ tịch SHS tự tin kế hoạch tăng vốn 'khủng',đặt mục tiêu trở lại Top 10 thị phần
Kế hoạch tăng vốn lên 17.000 tỷ đồng, chủ yếu thông qua chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ 1:1), khi thành công sẽ đưa SHS vươn lên trở thành công ty chứng khoán có quy mô vốn điều lệ lớn thứ hai trong ngành.
Tăng vốn, định hướng tận dụng thế mạnh hệ sinh thái
Với sự tham gia của 1.600 cổ đông/người được ủy quyền thông qua phương thức trực tiếp và trực tuyến, sở hữu số cổ phần tương ứng tỷ lệ 54,6%, ĐHĐCĐ thường niên 2024 của Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) vừa tổ chức là một trong những đại hội có đông đảo cổ đông tham dự.
Một trong những nội dung “nóng” nhất tại cuộc họp lần này là kế hoạch tăng vốn điều lệ theo tờ trình bổ sung được gửi đến cổ đông một tuần trước Đại hội.
Theo đó, SHS đề ra phương án tăng vốn điều lệ thêm tối đa 8.994,7 tỷ đồng, tương đương với số lượng cổ phiếu phát hành thêm là 899.472.424 cổ phiếu. Trong đó, công ty phát hành 40.657.838 cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 5%, 40.657.838 cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu tỷ lệ 5%, chào bán thêm 813.156.748 cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 1:1, và 5.000.000 cổ phiếu ESOP theo chương trình lựa chọn cho người lao động trong công ty.
Vốn điều lệ dự kiến sau khi tăng tối đa là 17.126,2 tỷ đồng. Với giá chào bán dự kiến là 10.000 đồng/ cổ phiếu, số vốn huy động từ các cổ đông và người lao động xấp xỉ 8.181,6 tỷ đồng. Trong đó, với phương án chào bán cho cổ đông, SHS dự kiến sử dụng 40% số tiền thu về cho hoạt động cho vay margin, ứng trước và 60% cho hoạt động đầu tư chứng khoán.
Theo ban lãnh đạo SHS, việc tăng vốn điều lệ cho SHS không chỉ là một bước đi chiến lược, mà còn là một động thái cần thiết để tận dụng cơ hội và thúc đẩy sự tăng trưởng trong bối cảnh thị trường tài chính Việt Nam hiện đang trên đà phát triển mạnh mẽ.
Trả lời câu hỏi của cổ đông, ông Đỗ Quang Vinh, Chủ tịch HĐQT công ty cũng nhấn mạnh SHS thời gian vừa qua vẫn chưa tận dụng được các công ty thành viên liên kết sẵn có là hệ sinh thái liên quan đến ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư.
Theo ông Vinh, thực chất đây là thế mạnh của SHS nhưng chưa tận dụng tối đa. Việc công ty tăng vốn là để tạo sức mạnh tài chính nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển trong nhiều năm tới, với định hướng SHS trở thành đơn vị trung tâm cùng với các công ty thành viên trở thành Tập đoàn tài chính đầu tư hàng đầu Việt Nam. SHS sẽ có kế hoạch cụ thể trình Đại hội đồng cổ đông trong thời gian 1 đến 2 năm tới.
Trong các phương án sử dụng vốn vốn, ngoài mở rộng đầu tư, SHS còn dành nguồn lực để gia tăng mảng môi giới với mục tiêu sẽ trở lại Top 10 thị phần lớn nhất. Ông Vinh cũng cho biết SHS đang mở rộng thị phần và cũng đưa ra các giải pháp đồng bộ để phát triển mảng môi giới.
Giải thích về việc lợi nhuận đề ra cho năm 2024 tương đối khiêm tốn so với mức tăng quy mô vốn, Chủ tịch HĐQT SHS cũng cho biết kế hoạch tăng vốn trên để sử dụng và thực sự triển khai cho năm 2025 trở đi. “SHS có thể đạt được lợi nhuận khoảng 1.600 - 1.800 tỷ đồng vào năm 2025, tùy biến động thị trường. Thậm chí, có thể tăng đột biến hơn nếu điều kiện nền kinh tế duy trì ổn định hoặc như chúng tôi kỳ vọng”, Chủ tịch Đỗ Quang Vinh cho hay.
Trước ý kiến của cổ đông về việc trở lại chia cổ tức bằng tiền mặt, Chủ tịch SHS cũng cho biết nếu đúng theo dự kiến, SHS sẽ chia cổ tức tiền mặt cho các cổ đông và hi vọng có thể chia ngay năm tới.
Không chỉ lên kế hoạch tăng vốn qua phát hành cổ phiếu, SHS còn dự kiến phát hành trái phiếu huy động vốn từ các trái chủ. Theo ông Nguyễn Chí Thành, Tổng giám đốc SHS, công ty mong muốn phát hành trái phiếu riêng lẻ và công chúng với kỳ vọng lãi suất trái phiếu 8%.
Giải đáp câu hỏi từ các cổ đông về tỷ trọng các vay ngân hàng trong cơ cấu nguồn vốn của SHS các năm qua đều thấp, ban lãnh đạo công ty cho biết SHS có thể huy động được vốn ngân hàng và hai kênh tín dụng và trái phiếu không loại trừ nhau. Ngoài ra, các khoản vay ngân hàng thường ngắn hạn, lãi suất không ổn định và có thể “bị động” trong những ngày thị trường căng thẳng. Phát hành trái phiếu sẽ giúp huy động vốn từ nhiều người hơn, nguồn đa dạng hơn và an toàn hơn cho các công ty”.
Quyết tâm làm lại mảng môi giới, thị phần đã tăng 30% sau vài tháng
Năm 2023, SHS thu về 1.465 tỷ đồng tổng doanh thu và 684,2 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt hoàn thành 75,4% và 62% so với kế hoạch đề ra. Tuy vậy, kết quả trên vẫn tăng trưởng mạnh so với năm 2022. Trong năm 2024, Chứng khoán SHS đặt mục tiêu tổng doanh thu 1.844 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.035 tỷ đồng, lần lượt tăng 26% và 51% so với kết quả thực hiện năm 2023.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về động lực tăng trưởng của SHS trong năm nay, ban lãnh đạo cho biết SHS sẽ cải tổ toàn diện tất cả các mảng hoạt động, động lực của do đó cũng sẽ nằm ở tất cả các mảng. Theo Tổng giám đốc Nguyễn Chí Thành, môi giới - một trong những mảng cổ đông có thể thấy SHS đang mất dần năng lực cạnh tranh qua con số thị phần sẽ là mảng mà năm nay SHS sẽ quyết tâm làm lại.
“Mảng môi giới càng ngày càng khó khi cạnh tranh giữa các công ty chứng khoán ngày càng khốc liệt. Tuy nhiên, SHS tự tin rằng với các con đường đang đi, công ty sẽ lấy lại được vị thế ở trong mảng môi giới”. Các giải pháp môi giới theo đó sẽ được triển khai đồng bộ. Cụ thể, theo ông Thành, công ty vừa ban hành cơ chế môi giới mới đủ sức cạnh tranh để phát triển đội ngũ môi giới và dự kiến trong khoảng một tuần tới sẽ ban hành một loạt sản phẩm cùng các chính sách khách hàng mới.
Quyết tâm đẩy hoạt động môi giới tăng lên, CEO của SHS cam kết mảnh kinh doanh này sẽ tăng trưởng trong năm nay. Đó là cam kết của tôi. Thị phần SHS thực tế cũng đã tăng khoảng 30% trong vài tháng qua.
Tại đại hội, không ít cổ đông đánh giá cao hoạt động tự doanh của SHS mong muốn ban lãnh đạo chia sẻ quan điểm đầu tư. Tổng giám đốc SHS, cho biết việc lựa chọn các mã chứng khoán tiềm năng tại SHS sẽ phải đi qua quy trình khắt khe, từ việc lập báo cáo về tất cả các mã cổ phiếu dự kiến đầu tư đến việc phân tích đưa ra kế hoạch thoái vốn hoặc giải ngân hiệu quả theo từng giai đoạn.
Với ý kiến của cổ đông về việc SHS có thể đưa ra các sản phẩm như "copy trade" theo danh mục của công ty, Tổng giám đốc SHS khẳng định sẽ nghiệm túc suy nghĩ về ý tưởng tạo ra một danh mục khuyến nghị đầu tư dựa theo khối tự doanh.
“Tôi đánh giá đây là một ý tưởng rất nghiêm túc. Tất nhiên, quy mô đầu tư của SHS so với các nhà đầu tư cá nhân có sự khác biệt rất lớn. Việc copy trade cả danh mục tự doanh của SHS có thể không khả thi. Tuy nhiên, việc có một sản phẩm kiểu như vậy hoặc ít nhất định hướng nhà đầu tư theo trường phái đầu tư của SHS là điều tôi cho rằng sẽ cần suy nghĩ rất nghiêm túc”, ông Thành cho hay.
Cũng theo Tổng giám đốc Nguyễn Chí Thành, một trong những tham vọng của SHS là có thể quản lý nhiều tài sản của khách hàng, giúp gia tăng thịnh vượng nhiều hơn. Thay vì câu chuyện là phải giao dịch quá nhiều, nhà đầu tư trading vừa đủ và tập trung cho câu chuyện phân bổ tỷ trọng. Chọn mã thực ra là yếu tố cuối cùng, quan trọng nhất là phân bổ tỷ trọng hợp lý.
Chia sẻ về quan điểm đầu tư, trong năm 2024, SHS đánh giá cao các ngành như công nghệ, tiêu dùng, bán lẻ và những ngành hưởng lợi từ sự gia tăng của dòng vốn FDI. Bản thân SHS đang nắm giữ các cổ phiếu như FPT, MWG, FRT, VTP và đang cho lợi nhuận khả quan.
Kết thúc Đại hội, các tờ trình được đại hội đồng cổ đông biểu quyết thông qua các vấn đề với tỷ lệ nhất trí cao.