Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi đẩy nhanh xây dựng 'cường quốc không gian'

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm qua (23/9) đã kêu gọi các nhân viên trong ngành hàng không vũ trụ nước này tiếp tục làm việc chăm chỉ, đẩy nhanh tiến độ xây dựng cường quốc không gian.

Lời kêu gọi của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được đưa ra tại cuộc gặp đại diện các nhà khoa học và kỹ sư vũ trụ tham gia nghiên cứu và phát triển sứ mệnh thám hiểm Mặt Trăng Hằng Nga-6 tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh.

Ông nhấn mạnh, Hằng Nga-6 đã thu thập được mẫu từ phía xa (vùng tối) của Mặt Trăng lần đầu tiên trong lịch sử loài người và đột phá nhiều công nghệ lõi, “đánh dấu thành tựu mang tính bước ngoặt khác trong nỗ lực xây dựng cường quốc không gian và khoa học công nghệ” của Trung Quốc, cũng là cột mốc quan trọng trong chương trình thám hiểm Mặt Trăng của nước này.

Chủ tịch Tập Cận Bình và các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc tham quan triển lãm mẫu vật Mặt Trăng và kết quả chương trình thám hiểm Mặt Trăng ngày 23/9. Ảnh: Tân Hoa xã

Chủ tịch Tập Cận Bình và các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc tham quan triển lãm mẫu vật Mặt Trăng và kết quả chương trình thám hiểm Mặt Trăng ngày 23/9. Ảnh: Tân Hoa xã

Theo ông, trong 20 năm qua, chương trình này đã tập trung vào việc khắc phục các công nghệ cốt lõi quan trọng và đạt được thành quả to lớn trong khám phá khoa học, đổi mới công nghệ, thực hành kỹ thuật, ứng dụng thành tựu và hợp tác quốc tế. Ông cho rằng, việc thám hiểm Mặt Trăng đã đóng góp lớn cho sự phát triển của ngành công nghiệp hàng không vũ trụ Trung Quốc và hoạt động khám phá không gian vũ trụ của loài người.

Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh, trong 75 năm qua kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, ngành công nghiệp hàng không vũ trụ Trung Quốc đã phát triển từ yếu đến mạnh và đạt được sự phát triển mang tính lịch sử, chất lượng cao và có bước nhảy vọt.

Ông khích lệ đội ngũ làm việc trên mặt trận hàng không vũ trụ nước này tiếp tục nỗ lực hơn nữa, chuyên tâm nghiên cứu khoa học về các mẫu vật Mặt Trăng, tiếp tục thực hiện các chương trình hàng không vũ trụ lớn như thám hiểm không gian sâu, thúc đẩy khoa học, công nghệ và ứng dụng không gian phát triển toàn diện, đồng thời “lập thêm công trạng mới góp phần xây dựng cường quốc không gian”.

Theo Tân Hoa xã, kể từ những năm 1950, đã có hơn 100 sứ mệnh thám hiểm Mặt Trăng được thực hiện trên thế giới, trong đó có 10 sứ mệnh đem thành công các mẫu từ phía trước (vùng sáng) của Mặt Trăng trở về Trái Đất. Tuy nhiên, việc khám phá phía xa của Mặt Trăng luôn là một thách thức.

Vào tháng 1/2019, tàu Hằng Nga-4 của Trung Quốc đã hạ cánh ở phía xa của Mặt Trăng. Tháng 12/2020, sứ mệnh Hằng Nga-5 đã mang những mẫu đất đầu tiên thu thập được từ phía trước của Mặt Trăng về cho Trung Quốc. Đây là những mẫu mới nhất trên thế giới kể từ những năm 1970.

Ngày 25/6/2024, tàu thăm dò Hằng Nga-6 đã mang về 1.935,3 gam mẫu đất đầu tiên thu thập được từ phía xa Mặt Trăng. Con tàu này cũng đã mang theo 4 trọng tải khoa học quốc tế của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu, Pháp, Italia và Pakistan lên không gian.

Đến nay, sứ mệnh Hằng Nga-7 đã chọn được 6 trọng tải quốc tế, trong khi Hằng Nga-8 có khả năng mang theo khoảng 200 kg trọng tải.

Không chỉ thám hiểm Mặt Trăng, Trung Quốc hồi đầu tháng còn công bố kế hoạch đầy tham vọng về sứ mệnh Thiên Vấn-3, nhằm lấy các mẫu từ sao Hỏa và đưa trở về Trái Đất vào khoảng năm 2028, sớm hơn kế hoạch đề ra 2 năm. Đây cũng là nỗ lực lấy mẫu từ Hành tinh Đỏ đầu tiên trên thế giới.

Sứ mệnh thám hiểm Mặt Trăng là chương trình có công nghệ tiên tiến nhất trong lịch sử ngành hàng không vũ trụ Trung Quốc cho đến nay. Việc Hằng Nga-6 lần đầu tiên mang về các mẫu từ phía xa Mặt Trăng, được nước này đánh giá là sẽ đặt nền móng vững chắc cho các chuyến thám hiểm Mặt Trăng và các hành tinh của Trung Quốc trong tương lai.

Bích Thuận/VOV-Bắc Kinh

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/chu-tich-tap-can-binh-keu-goi-day-nhanh-xay-dung-cuong-quoc-khong-gian-post1123662.vov