Tin tặc quốc tế tấn công doanh nghiệp Việt Nam
Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, tin tặc quốc tế thời gian qua tập trung tấn công vào doanh nghiệp Việt Nam. Với cá nhân, có tới 2/3 dân số bị thu thập, chia sẻ thông tin, dữ liệu cá nhân nghiêm trọng. Trong năm 2023, tấn công mạng gây thiệt hại cho Việt Nam khoảng 17.300 tỷ đồng.
Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo An toàn thông tin trong chuyển đổi số năm 2024, diễn ra ngày 24/9, tại TP. Cần Thơ, do Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ phối hợp với Hội Truyền thông số Việt Nam và Tạp chí điện tử VietTimes tổ chức.
2/3 dân số bị lộ thông tin cá nhân
Ông Phạm Tuấn An - Phó Trưởng phòng An toàn hệ thống thông tin (Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, tin tặc quốc tế thời gian qua tập trung tấn công vào doanh nghiệp Việt Nam. Cụ thể, năm 2022, có hơn 517.600 địa chỉ máy tính của Việt Nam bị tấn công mạng botnet; năm 2023, có hơn 5,5 triệu tài khoản có tên miền .VN bị tấn công mạng; năm 2024, hàng loạt các vụ các vụ tấn công mã hóa dữ liệu đòi tiền chuộc, như các công ty VNDirect, PVOil, VN Post gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.
Gần 78 triệu người Việt hàng ngày sử dụng Internet, đặc biệt có 2/3 dân số bị thu thập, chia sẻ thông tin, dữ liệu cá nhân nghiêm trọng.
Đại diện Cục An toàn thông tin chỉ ra 3 nguyên nhân xảy ra tình trạng trên, trong đó có việc các cơ quan, tổ chức thu thập nhiều thông tin cá nhân nhưng không có biện pháp bảo vệ, hoặc sẵn sàng chia sẻ, bán trái phép cho bên thứ ba, hoặc lộ lọt từ nhân viên quản lý dữ liệu, hoặc có liên quan lừa đảo trực tuyến.
Cũng có nguyên nhân liên quan nhận thức về bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân còn thấp. Hoặc người dùng bất cẩn, tùy tiện trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, lỗi hệ thống dẫn tới các thông tin cá nhân thu thập, xử lý, lưu trữ không đảm bảo an toàn, nên bị tấn công, khai thác.
Ông Nguyễn Trọng Anh (Phòng 7, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - A05, Bộ Công an) cho biết, trong năm 2023, A05 phát hiện 14.000 vụ tấn công ransomware với khoảng 83.000 máy tính, máy chủ bị nhiễm mã độc (tăng hơn 8% so với năm 2022), với 37.500 biến thể mã độc. Thiệt hại do hoạt động tấn công mạng, mã độc đối với Việt Nam trong năm 2023 khoảng 17.300 tỷ đồng (toàn thế giới thiệt hại khoảng 8.000 tỷ USD). Trong 6 tháng đầu năm 2024, đã có 211.000 cảnh báo tấn công mạng và 20 sự cố tấn công mạng đặc biệt nghiêm trọng được A05 xử lý.
“Hầu hết các hình thức tấn công mạng trên thế giới đều đã xuất hiện tại Việt Nam. Trong đó, nổi lên hình thức tấn công mã hóa dữ liệu, đòi tiền chuộc nhắm vào các tập đoàn, doanh nghiệp tài chính, năng lượng, viễn thông gây ngưng trệ hoạt động quản lý điều hành, thiệt hại lớn về kinh tế và uy tín doanh nghiệp”, đại diện A05 nói.
Đại diện A05 khẳng định, sau thời gian tập trung đấu tranh với các đối tượng tin tặc, đến nay, tình trạng tấn công các hệ thống thông tin tại Việt Nam đã giảm.
Nguy cơ mất an toàn thông tin rất cao
Ông Nguyễn Ngọc Hè - Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho rằng, chuyển đổi số không chỉ giúp tăng năng suất, giảm chi phí, còn mở ra không gian phát triển mới, tạo ra các giá trị mới. Thời gian qua, Cần Thơ đã tập trung nhiều giải pháp, quyết liệt trong thực hiện chuyển đổi số và đã đạt được những kết quả nhất định, phục vụ cơ bản công tác chỉ đạo quản lý điều hành, người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, các nguy cơ về an toàn, an ninh mạng đặt ra vấn đề phải đối mặt.
Dẫn các tham luận tại hội thảo, theo ông Hè nêu, quý 1/2024, nguy cơ tấn vào các mạng thông tin trọng yếu tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm 2023. Hiện, nhiều hệ thống công nghệ thông tin trọng yếu trong các cơ quan Đảng và Nhà nước trở thành mục tiêu của tin tặc, các chiến dịch tấn công mạng gia tăng cả về cường độ và tính chất nguy hiểm. “Vấn đề an toàn thông tin đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Việc bảo đảm an toàn thông tin trong bối cảnh chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu”, ông Hè nói.
Ông Nguyễn Minh Hồng - Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam cho rằng, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, mang tính quyết định sự tồn tại, phát triển của mỗi tổ chức trong thời đại số. Tuy vậy, nguy cơ mất an toàn thông tin rất cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho mọi tổ chức, cơ quan, cả Nhà nước lẫn doanh nghiệp.
"Số vụ phản ánh lừa đảo trực tuyến, tấn công mạng tới cơ quan chức năng ở mức rất cao, với những con số đáng báo động, gây thiệt hại lớn cho các tổ chức, doanh nghiệp. Điều đó đòi hỏi sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn dân, để bảo đảm sự hoạt động hiệu quả của công tác an ninh mạng”, ông Hồng nói.