Chủ tịch Tập đoàn KN Holdings Lê Văn Kiểm: Chất lính thấm đẫm trong mọi quyết sách kinh doanh
Hơn nửa thế kỷ sau ngày 30/4/1975 - thời khắc ông Lê Văn Kiểm cùng đoàn quân Giải phóng tiếp quản Bộ Giao thông Công chánh của chính quyền Sài Gòn - chất lính vẫn rõ nét trong mọi quyết sách kinh doanh táo bạo của Chủ tịch Tập đoàn KN Holdings.

Chủ tịch Tập đoàn KN Holdings Lê Văn Kiểm.
Từ chiến sĩ đến doanh nhân tiên phong
Năm 1975, khi quân Giải phóng tiến vào tiếp quản Sài Gòn, người lính kỹ sư Lê Văn Kiểm là một trong những cán bộ được phân công tiếp quản Bộ Giao thông Công chánh của chính quyền cũ. “Tôi được chứng kiến thời khắc lịch sử quan trọng của dân tộc, trở thành một phần nhỏ bé của lịch sử ấy”, ông Kiểm xúc động nhớ lại sau nửa thế kỷ.
Sau ngày thống nhất, ông được bổ nhiệm làm Phó ban Kiến thiết cầu đường bộ miền Nam - một vị trí quan trọng thời hậu chiến khi cả nước bắt tay vào tái thiết. Chính trong giai đoạn này, ông có dịp quan sát cách vận hành của doanh nghiệp tư nhân - mà cụ thể là nhà thầu Mai Hà - và lần đầu tiên nhận ra sự linh hoạt, chủ động và hiệu quả mà kinh tế tư nhân có thể mang lại.
“Tôi chứng kiến ông chủ thầu sửa chiếc xe máy ủi bị hỏng bằng cách rất… dân dã: mua cháo gà, mời các thợ máy giỏi tới, hứa thưởng nếu làm xong trong đêm. Sáng hôm sau, xe hoạt động trở lại, công trường tiếp tục thi công. Còn cơ quan nhà nước, chỉ riêng việc chờ xe chở thiết bị ra sửa đã mất cả tuần. Từ đó tôi tự hỏi: tại sao không phát huy vai trò của kinh tế tư nhân?”.
Câu hỏi ấy sau này trở thành động lực lớn giúp ông chuyển mình - một quyết định mang tính bước ngoặt trong đời ông…
Ba lần khởi nghiệp và những cú xoay chuyển ấn tượng
Thời bao cấp, đời sống cán bộ khó khăn. Cũng như nhiều hộ khác, gia đình ông Kiểm nuôi gà, nuôi lợn cải thiện thu nhập. Nhưng thay vì chỉ chăn nuôi, ông cùng vợ - bà Trần Cẩm Nhung - nghĩ xa hơn: tại sao không sản xuất thức ăn chăn nuôi để bán cho đồng nghiệp?
Hai vợ chồng quyết định bán chiếc xe máy được 1.000 USD, mua mô-tơ, chế máy xay thức ăn chăn nuôi, ban ngày đi làm, ban đêm xay ngô làm cám. Cơ sở nhỏ thủ công ấy không đủ hàng bán, có người đặt tiền trước. Kinh tế gia đình nhanh chóng khởi sắc. Nhưng rồi cạnh tranh ập đến. Chỉ sau hai năm, hàng loạt cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi mọc lên, dùng mọi thủ thuật để cạnh tranh. Cơ sở gia đình bị ép co cụm.
Tuy nhiên, ông Kiểm không bỏ cuộc. Trong một lần nghỉ chân tại rừng cao su Đồng Nai, khi ăn khoai nướng, bà Nhung - vốn là kỹ sư hóa - phát hiện tia lửa từ hạt cao su trong đống lửa, nghi ngờ chúng chứa dầu. Họ lượm hạt cao su mang về ép thử và phát hiện có thể dùng làm sơn quét tường, còn bã làm phân bón. Lập tức, họ cải tạo máy xay cám thành máy ép dầu. Chỉ riêng tiền bán bã đã thu hồi vốn. Dầu bán cho nhà máy sơn, thu lãi lớn.
Cứ thế, mô hình kinh doanh mới lại cất cánh. Nhưng chỉ hai năm sau, thị trường lại tràn ngập đối thủ. Ông Kiểm và vợ tiếp tục xoay hướng, nghiên cứu sản xuất bột màu dùng cho gạch ốp lát. Nhờ độc quyền công nghệ, họ thu lãi “chở bằng xe tải”, tích lũy được cả nửa tấn vàng - một con số phi thường với một hộ kinh doanh cá thể những năm 1980.

Tổng Bí thư Tô Lâm trò chuyện cùng ông Lê Văn Kiểm và các đại biểu dự gặp mặt đại diện cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, dân quân tự vệ tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, sáng 9/4/2025.
Tiên phong thời mở cửa, khởi nghiệp lần thứ tư
Khi Đảng và Nhà nước ban hành chính sách Đổi mới năm 1986, ông Kiểm không chần chừ. Ông dốc toàn bộ tài sản thành lập Công ty cổ phần May và Xây dựng Huy Hoàng, nhập dây chuyền sản xuất tiên tiến từ Nhật Bản và Italia.
Không chỉ là một trong những công ty tư nhân đầu tiên tại Việt Nam, Huy Hoàng còn là doanh nghiệp may mặc có quy mô và công nghệ hiện đại bậc nhất thời kỳ đó. Với hơn 2.000 công nhân chính thức và 20.000 lao động vệ tinh, công ty sản xuất các sản phẩm xuất khẩu chất lượng cao, được ưa chuộng tại châu Âu. Thậm chí, nhãn hiệu Huy Hoàng từng được Chính phủ chọn làm hàng trả nợ quốc gia.
Tên tuổi Lê Văn Kiểm gắn liền với thành công của Huy Hoàng và đưa ông trở thành một trong những doanh nhân tư nhân có ảnh hưởng sớm nhất tại Việt Nam.
Từ hàng may mặc đến bất động sản, ngân hàng và hạ tầng
Không dừng lại ở may mặc, doanh nhân Lê Văn Kiểm sớm nhận ra tiềm năng của lĩnh vực hạ tầng và bất động sản. Đầu những năm 1990, ông đã tiên phong tham gia xây dựng các công trình hạ tầng quan trọng mang tính đột phá và đòi hỏi phải có năng lực triển khai như thi công móng trụ điện 500 kV Bắc - Nam, nút giao Ngã tư Hàng Xanh - công trình đầu tiên thí điểm mô hình BT tại Việt Nam đạt chất lượng vượt trội khi vận hành 25 năm mà không bị hư hỏng, sửa chữa.
Năm 1993, ông cũng là một trong những doanh nghiệp tư nhân đầu tiên đầu tư, xây dựng khách sạn resort tại khu vực Phước Hải, Bà Rịa - Vũng Tàu và trở thành điểm du lịch hấp dẫn cho đến thời điểm hiện tại. Cùng thời điểm này, ông còn tham gia thành lập hai ngân hàng - trong làn sóng ra đời của các ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên như Việt Hoa, VPBank…
Thành công nối tiếp thành công cho đến khi sóng gió ập đến…
Vượt khủng hoảng bằng tinh thần người lính
Đang lúc kinh doanh phát triển mạnh, thì khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 khiến Huy Hoàng gần như tê liệt, hợp đồng xuất khẩu bị hủy, giá bất động sản và vàng lao dốc, thị trường “đóng băng”. Gia đình ông phải bán vàng để giữ chân công nhân, nuôi nhà máy cầm cự.
“Lúc đó, tôi nghĩ nếu mình có mệnh hệ gì thì mấy ngàn công nhân mất việc, vợ con, gia đình họ khổ sở. Tôi tự nguyện với lòng mình là không thể thất bại, không để doanh nghiệp sụp đổ. Tôi bước ra thương trường với tinh thần của người lính nên không chấp nhận đầu hàng”, ông Kiểm từng kể với báo giới như vậy.
Đứng trước nguy cơ phá sản, ông Kiểm viết thư gửi Trung ương Đảng, kiến nghị không hình sự hóa khó khăn doanh nghiệp do biến động khách quan. Kiến nghị ấy được chấp thuận, nợ cũ được khoanh lại, Chính phủ cho vay 500 tỷ đồng trong 3 năm để hồi phục.
Gia đình ông lập tức đề xuất 5 phương án trả nợ: bán nhà, bán khu du lịch, bán xí nghiệp may, bán đất ở An Phú và bán đất sân golf. Nhưng chỉ với 4 phương án đầu, sau 3 năm, ông trả trước hạn hết cả nợ gốc và lãi, tổng cộng 700 tỷ đồng.
Phương án cuối cùng không cần dùng đến. Và chính khu đất đó sau này trở thành sân golf Long Thành - sân golf đầu tiên do người Việt đầu tư, đạt chuẩn quốc tế và trở thành biểu tượng thành công mới của ông Kiểm. Ông Kiểm còn dùng tiền lãi chuộc lại khu du lịch ở Long Hải, khu du lịch ở Đà Lạt.
KN Holdings - hệ sinh thái sau một đời khởi nghiệp
Từ năm 2005, ông Kiểm và bà Nhung bắt đầu xây dựng hệ sinh thái đa ngành, nòng cốt là KN Holdings. Bắt đầu với sân golf Long Thành, rồi đến các năm cuối thập niên 2010, Tập đoàn tiếp tục khẳng định vị thế trong lĩnh vực bất động sản cao cấp, với hàng loạt dự án quy mô lớn tại TP.HCM và đặc khu kinh tế tại Lào.
Năm 2016, Tập đoàn mở rộng sang lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng với Dự án CaraWorld rộng gần 800 ha tại Khánh Hòa - một điểm đến quốc tế mới, nơi tổ chức nhiều sự kiện thể thao châu lục.
Đón đầu Chiến lược Phát triển năng lượng tái tạo (năm 2015), đến năm 2018, KN Holdings vận hành 3 nhà máy điện mặt trời, tổng công suất 200 MW và đang tiếp tục phát triển 2.600 MW điện mặt trời nổi.
Hiện nay, Tập đoàn định hình 5 trụ cột chiến lược: bất động sản - dịch vụ, năng lượng tái tạo, khu công nghiệp, logistics và nông nghiệp công nghệ cao, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam.
Tấm lòng vì cộng đồng
Không chỉ là doanh nhân thành đạt, ông Kiểm và bà Nhung còn nổi bật trong hoạt động thiện nguyện. Gia đình và doanh nghiệp đã đóng góp hơn 2.700 tỷ đồng cho công tác từ thiện, đền ơn đáp nghĩa, học bổng, xây trường học, nhà tình nghĩa… Năm 2008, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới - một sự ghi nhận xứng đáng cho chặng đường đầy gian khó, nhưng cũng trọn vẹn vinh quang.
Gặp ông Lê Văn Kiểm, người ta dễ bị ấn tượng bởi phong thái điềm đạm, lời nói cẩn trọng, nhưng ánh mắt không giấu được sự quyết liệt. Những điều ông làm suốt nửa thế kỷ qua không chỉ là các thương vụ thành công, mà còn là minh chứng sống động cho tư duy dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm - tinh thần không thể thiếu trong thời kỳ đất nước chuyển mình.
Hành trình của ông từ chiến trường đến thương trường không hề dễ dàng, luôn thấm đẫm “chất lính”: không lùi bước, không đầu hàng, luôn vươn lên bằng trí tuệ, nghị lực và niềm tin vào con đường đã chọn.
Doanh nhân Lê Văn Kiểm
Sinh năm 1945, quê Thừa Thiên Huế. Kỹ sư thủy lợi, từng công tác tại Ban Giao thông Công chánh Trung ương Cục miền Nam.
Năm 1975: Phó ban Kiến thiết cầu đường bộ miền Nam.
Năm 1983: chuyển sang làm kinh tế tư nhân.
Năm 2008: được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
Tâm huyết với cộng đồng: Không chỉ phát triển kinh tế, ông Lê Văn Kiểm và bà Trần Cẩm Nhung còn nổi bật với các hoạt động thiện nguyện. Gia đình và doanh nghiệp đã đóng góp hơn 2.700 tỷ đồng cho công tác đền ơn đáp nghĩa và các hoạt động vì cộng đồng.