Chủ tịch TBS Group: Thế giới làm được, ắt ta làm được

Đến hết 2019, TBS đã xây dựng và điều hành 5 trung tâm phát triển sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ ngành sản xuất công nghiệp thời trang, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

CEO Nguyễn Đức Thuấn cho hay, trong tổng số 50 triệu đôi giày và 30 triệu chiếc túi xuất đi 60 nước trên thế giới hàng năm, đã có giá trị chất xám của người Việt.

Tiên phong chuyển đổi, học hỏi từ môi trường quốc tế

Năm 2019, TBS Group chạm mốc 30 năm thành lập và phát triển, lọt top 10 thương hiệu mạnh Việt Nam, nhận huân chương lao động hạng Nhất. Về ngành sản xuất thời trang, TBS đã xuất khẩu đi hơn 60 nước trên thế giới, đạt công suất 50 triệu đôi giày, 40 triệu đôi đế và 30 triệu túi xách một năm. Đồng thời, TBS cũng lọt top 10 doanh nghiệp kinh doanh Cảng & Logistics, sân golf Montgomerie Links của TBS luôn nằm trong danh sách các sân golf tốt nhất Việt Nam.

 Một tổ hợp nhà xưởng của TBS Group

Một tổ hợp nhà xưởng của TBS Group

Khởi nghiệp từ những năm đầu thập niên 90, chỉ trong năm đầu nhà máy đi vào hoạt động, CEO Nguyễn Đức Thuấn đã nhận thấy giá trị gia tăng trên mỗi đơn vị thành phẩm chưa cao, quá trình sản xuất chưa tạo ra lợi nhuận lớn. Vậy làm thế nào để các nhãn hàng lớn trên thế giới có thể vượt qua giai đoạn này và phát triển bền vững?

Việc được tiếp cận với thương hiệu quốc tế và tham gia các hội chợ triển lãm, tham quan nhà máy, phòng nghiên cứu và phát triển của họ đã tạo ra một bước ngoặt về tư duy và định hướng đối với ban lãnh đạo TBS. Qua đó họ nhìn thấy toàn cảnh ngành công nghiệp sản xuất thời trang toàn cầu và nhận ra hướng đi giúp người Việt có thể gia tăng giá trị lao động, đó là phải làm chủ chuỗi sản xuất, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, đưa người Việt làm chủ.

 Tinh thần người lính đồng nhất từ lãnh đạo đến nhân viên là động lực đưa TBS đến với thành công ngày hôm nay

Tinh thần người lính đồng nhất từ lãnh đạo đến nhân viên là động lực đưa TBS đến với thành công ngày hôm nay

Gia nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu

Đến năm 1999, TBS Group là đơn vị đầu tiên xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D). Từ đây, trong tổng số 50 triệu đôi giày và 30 triệu chiếc túi xuất đi 60 nước trên thế giới hàng năm, đã có sự tham gia của người Việt.

 Sản phẩm của TBS Group đã xuất đi hơn 60 nước trên thế giới

Sản phẩm của TBS Group đã xuất đi hơn 60 nước trên thế giới

Năm 2002, nhận thấy ngành sản xuất trong nước lúc bấy giờ đang phụ thuộc vào một đối tác duy nhất cung cấp đế giày do Đài Loan làm chủ, TBS xây dựng nhà máy đế đầu tiên. Đây là nước đi quan trọng giúp TBS có đủ tầm cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI.

Năm 2008, TBS ra mắt hệ thống kho đầu tiên tại Tân Vạn, triển khai xây dựng nhiều kho hàng, bến bãi, nhanh chóng lọt vào top 10 doanh nghiệp Logistic tại Việt Nam, với hệ thống kho hiện đại và lớn nhất trong cả nước. Kết quả quan trọng nhất của giai đoạn này là làm chủ được một bước tiếp theo trong chuỗi giá trị toàn cầu, đảm bảo cho các đối tác có một dòng chảy thông suốt từ khâu nghiên cứu tạo mẫu, sản xuất, đến lưu trữ và vận chuyển.

Làm chủ thành công ngành sản xuất công nghiệp giày, TBS đồng thời mở rộng sản xuất sang sản xuất túi xách cho thương hiệu cao cấp hàng đầu thế giới.

Thay đổi tư duy quản lý và số hóa

Ở một hội thảo về kinh tế trong thời đại 4.0, Chủ Tịch Nguyễn Đức Thuấn nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc quản lý dữ liệu khi ứng dụng nền tảng công nghệ nhằm quản trị hệ thống, gia tăng năng suất sản xuất.

Từ khi ứng dụng quản lý SAP, báo cáo được cập nhật chỉ trong 1 giờ và có thể theo dõi mọi số liệu trong thời gian thực. Vấn đề nào phát sinh có thể được phát hiện và xử lý ngay lập tức.

Bên cạnh đó, phòng nghiên cứu và phát triển TBS cũng sử dụng công nghệ thực tế ảo (VR) trong thiết kế tạo mẫu sản phẩm mới, rút ngắn quá trình trao đổi với đối tác từ 9 tháng xuống còn 3 tháng, đảm bảo việc “bắt trend" nhanh hơn với các xu hướng thời trang quốc tế.

 Ứng dụng VR ở TBS Group

Ứng dụng VR ở TBS Group

Quyết tâm chinh phục những “đỉnh núi” mới

Ông Thuấn chia sẻ câu chuyện về một chuyên gia người Hàn Quốc khuyên ông “Hãy chỉ tập trung vào sản xuất đi, tôi sẽ giúp bạn hiệu quả kinh tế tốt hơn vì bạn không có được công nghệ, không có vật tư và khách hàng". Chỉ ba năm sau, chính những bạn hàng của chuyên gia này đã chuyển sang hợp tác với TBS Group, với đội ngũ nhân sự TBS toàn bộ là người Việt.

Tiếp tục chinh phục đỉnh núi mới mà các công ty và quốc gia tiến tiến đã làm được, ông Thuấn cùng ban lãnh đạo đang xây dựng quá trình làm chủ trong các ngành kinh doanh khác, điển hình là ngành khách sạn và nghỉ dưỡng tại Việt Nam. Một khách sạn 5 sao Mai House do người Việt làm chủ đã đi vào hoạt động tại TP.HCM. Một định hướng phát triển TBS Land đã được đề ra đến năm 2025.

Khách sạn Mai House ở TP.HCM

Khách sạn Mai House ở TP.HCM

Tổng kết con đường phát triển của TBS Group, ông Thuấn tin tưởng “Thế giới làm được, ắt ta sẽ làm được". Người Việt Nam có đủ khả năng để làm chủ trên quê hương của chính mình.

Lệ Thanh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/chu-tich-tbs-group-the-gioi-lam-duoc-at-ta-lam-duoc-609609.html