Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo 'nóng' tập trung khắc phục đê biển sạt lở
Kinhtedothi – Sau khi xảy ra sự cố công trình đê biển bị sạt lở nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến an toàn tính mạng tài sản của người dân, UBND tỉnh Bạc Liêu đã huy động nhân vật lực để tập trung khắc phục thiệt hại, thực hiện các phương án để bảo vệ đê.
Ngày 23/2, thông tin với báo Kinh tế và Đô thị, ông Từ Minh Phúc Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh này - ông Phạm Văn Thiều vừa ký công văn chỉ đạo khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục vụ sạt lở nghiêm trọng trên tuyến đê biển Đông, đoạn giáp ranh giữa 2 tỉnh Bạc Liêu - Sóc Trăng (thuộc xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu).
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu giao Sở NN & PTNT chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và UBND TP Bạc Liêu huy động lực lượng, phương tiện để xử lý khẩn cấp bước đầu, nhằm hạn chế sạt lở và các biện pháp cần thiết khác để đảm bảo an toàn đê điều khu vực này; khoanh vùng khu vực bị sạt lở, thiết lập hành lang an toàn; lắp đặt biển báo không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở; bố trí lực lượng trực, theo dõi diễn biến hiện trường để kịp thời ứng cứu...
Giao UBND TP Bạc Liêu khẩn trương huy động các lực lượng hỗ trợ người dân đắp đất, bao cát ngăn chặn nước biển tràn vào nhà. Đồng thời triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn tính mạng của người dân ở khu vực bị ảnh hưởng.
Giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN & PTNT đẩy nhanh tiến độ thi công công trình kè ngầm giảm sóng thuộc Dự án gia cố chống xói lở bờ biển Vĩnh Trạch Đông - Nhà Mát (TP Bạc Liêu).
Như báo Kinh tế & Đô thị đã thông tin, chiều 21/2, trên tuyến đê biển Đông, đoạn giáp ranh giữa 2 tỉnh Bạc Liêu - Sóc Trăng (thuộc xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu) đã xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng. Đoạn sạt lở chiều dài tổng cộng 46 m. Trong đó, đoạn dài 25 m, chiều rộng sạt lở 6 m, sâu 1,5 m; đoạn dài 21 m, chiều rộng sạt lở từ 1 - 3 m, sâu 1 m. Nguyên nhân sạt lở là vị trí đoạn đê biển này đã mất hoàn toàn rừng phòng hộ nên khi thủy triều dâng cao, sóng đánh trực tiếp vào mái và thân đê.
Không riêng Bạc Liêu, tình trạng sạt lở đê biển Đông - Tây cũng đã xuất hiện từ lâu ở tỉnh Cà Mau vào mùa mưa bão, triều cường gây thiệt hại nghiêm trọng. Nguyên nhân do biến đổi khí hậu, nhiều đoạn rừng phòng hộ ven biển bị sóng biển xoáy mòn, sóng đã đánh trực tiếp vào thân đê và mái đê.