Chủ tịch tỉnh Bình Định yêu cầu quản chặt các mỏ vật liệu xây dựng
Chủ tịch tỉnh Quảng Trị yêu cầu bắt buộc triển khai hệ thống kiểm soát khối lượng khai thác, lắp đặt camera (có chức năng đếm), thiết bị quẹt thẻ xe ra vào khu vực khai thác và xe vận chuyển khoáng sản vật liệu xây dựng thi công công trình để đảm bảo khai thác khoáng sản làm vật liệu theo đúng mục đích...
Nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản trên địa bàn tỉnh, nhất là công tác hậu kiểm sau khi cấp phép khai thác đối với mỏ vật liệu phục vụ thi công xây dựng các công trình, dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, ông Phạm Anh Tuấn Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định vừa có ý kiến chỉ đạo về việc tăng cường công tác quản lý hoạt động các mỏ vật liệu khoáng sản trên địa bàn tỉnh tại Công văn số 7348/UBND-TH ngày 07/10/2023.
Theo công văn nêu trên, ông Phạm Tuấn Anh đề nghị Ban Quản lý dự án 2 và Ban Quản lý dự án 85 theo dõi, giám sát hoạt động khai thác mỏ vật liệu của các nhà thầu thi công theo đúng phạm vi, tọa độ, diện tích, khối lượng, đúng mục đích phục vụ các Dự án thành phần đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, đoạn qua tỉnh Bình Định do Ban quản lý.
Trong quá trình khai thác phải tuân thủ đầy đủ các quy trình, quy định, bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn theo quy định pháp luật. Sau khi kết thúc khai thác yêu cầu nhà thầu cải tạo, phục hồi môi trường; nghiệm thu khối lượng đã khai thác gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng giao các Ban Quản lý dự án của tỉnh (chủ đầu tư) triển khai bắt buộc hệ thống kiểm soát khối lượng khai thác, lắp đặt camera (có chức năng đếm), thiết bị quẹt thẻ xe ra vào khu vực khai thác và xe vận chuyển khoáng sản vật liệu xây dựng thi công công trình; thực hiện nghiêm biện pháp kiểm đếm, giám sát số lượng xe vận chuyển, khối lượng khai thác vật liệu xây dựng thi công công trình, đảm bảo việc sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng đúng theo mục đích phục vụ thi công công trình, dự án đã được UBND tỉnh chấp thuận.
Lãnh đạo Ban quản lý dự án của tỉnh chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng sử dụng khối lượng khai thác không đúng mục đích, gây thất thoát nguồn tài nguyên.
Bên cạnh đó, các Ban Quản lý dự án của tỉnh làm việc và yêu cầu các đơn vị thi công sử dụng xe vận chuyển vật liệu xây dựng phải có bảng hiệu công trình, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đồng thời thông tin về hành trình di chuyển của phương tiện, thiết bị sử dụng khai thác, vận chuyển khoáng sản làm vật liệu xây dựng để các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và người dân giám sát.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các Ban Quản lý dự án và các ngành chức năng tổ chức công khai các dự án khai thác khoáng sản (được cấp mới) trên địa bàn cho các cơ quan, đơn vị và người dân biết để tham gia giám sát; kịp thời giải quyết theo thẩm quyền những kiến nghị, khiếu nại của người dân về các vấn đề liên quan đến dự án khai thác khoáng sản trên địa bàn.
Không để phát sinh điểm nóng, đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ khoáng sản chưa khai thác và có cam kết không được thông đồng và không cho khai thác đất (đất đồi, đất ruộng, đất vườn...) thuộc quyền sử dụng đất của mình khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.
Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép (kể cả các trường hợp đã hết thời hạn Giấy phép vẫn còn cố tình chây ỳ, dây dưa kéo dài khai thác) nhất là khai thác cát, sỏi lòng sông, vật liệu san lấp kéo dài trên địa bàn quản lý mà không có giải pháp xử lý, ngăn chặn triệt để, dứt điểm.
Cục Thuế tỉnh thường xuyên phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc kiểm tra, đối chiếu số liệu kê khai, nộp thuế, phí với sản lượng đã được cấp phép và sản lượng thực tế khai thác của các chủ đầu tư, đơn vị nhà thầu (đơn vị khai thác) nhằm đảm bảo thu đúng, thu đủ theo quy định; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các nguồn thu từ khoáng sản; phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các trường hợp khai thác sản lượng vượt giấy phép, tiêu thụ tài nguyên, khoáng sản không đúng quy định.
Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Cục Thuế tỉnh và UBND cấp huyện kiểm soát chặt chẽ sản lượng khai thác khoáng sản thực tế của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản; đối chiếu sản lượng khoáng sản khai thác thực tế với sản lượng kê khai thuế để giám sát việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, đảm bảo thu đúng, thu đủ theo đúng quy định pháp luật.