Chủ tịch tỉnh Sóc Trăng ra tận ruộng, vào tận vườn kiểm tra hạn, mặn

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng yêu cầu ngành nông nghiệp cùng với chính quyền địa phương cần tuyên truyền cho bà con có ý thức sử dụng nước sinh hoạt cũng như nước sản xuất một cách tiết kiệm.

Ngày 25-3, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, đã trực tiếp đi khảo sát tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở các huyện Kế Sách, Long Phú và Trần Đề.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Sóc Trăng, từ ngày 8-2 đến ngày 1-3, xâm nhập mặn bắt đầu vào sâu trong nội đồng trên tuyến sông Hậu và có xu hướng ngày càng tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc cung cấp nước sản xuất cho nông dân.

Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng đến khảo sát tình hình hạn, mặn tại vườn cây ăn trái của hộ nông dân trên địa bàn huyện Kế Sách

Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng đến khảo sát tình hình hạn, mặn tại vườn cây ăn trái của hộ nông dân trên địa bàn huyện Kế Sách

Theo quan trắc và dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, các đợt xâm nhập mặn cao nhất năm trên tuyến sông Hậu tập trung trong tháng 2 và tháng 3 với độ mặn đo được thường xuyên ở mức trên 8g/lít, gây khó khăn trong việc vận hành công trình thủy lợi lấy nước phục vụ sản xuất vùng Long Phú – Tiếp Nhật.

Về tình hình thiệt hại, Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết do làm sớm công tác phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn ngày từ đầu mùa khô nên ngành nông nghiệp đã chủ động tạo mọi điều kiện để nông dân vùng có nguy cơ nhiểm mặn thực hiện thắng lợi vụ đông xuân 2023 – 2024.

Cũng theo Sở NN-PTNN tỉnh Sóc Trăng, đến nay vụ lúa đông xuân muộn có khoảng 6.000ha canh tác ngoài kế hoạch, trong đó ghi nhận khoảng 1.000 ha lúa bị ảnh hưởng do thiếu nước kết hợp ngộ độc phèn.

Lý giải về nguyên nhân 1.000 ha lúa thiệt hại, ông Phạm Tấn Đạo, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng, cho biết vì áp lực giá lúa tăng cao nên bà con tranh thủ xuống giống vụ đông xuân muộn. Vì diện tích xuống giống này không nằm trong kế hoạch nên phần lớn bị thiệt hại do thiếu nước và ngộ độc phèn.

Tại các nơi đến trong chuyến khảo sát, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đánh giá cao công tác chuẩn bị của các địa phương trong việc ứng phó với hạn, mặn.

Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng (bìa trái) xem kết quả đo độ mặn của nước phục vụ sản xuất tại đồng lúa của nông dân thuyện Trần Đề

Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng (bìa trái) xem kết quả đo độ mặn của nước phục vụ sản xuất tại đồng lúa của nông dân thuyện Trần Đề

Đồng thời, lưu ý các địa phương cần xem ngành nông nghiệp là trụ đỡ trong cơ cấu ngành kinh tế của tỉnh. Vì thế, bên cạnh tập trung ứng phó với cao điểm hạn, mặn thì ngành nông nghiệp tỉnh và các địa phương cần quan tâm đến các giải pháp lậu dài để phát triển bền vững.

"Các địa phương cần lưu ý tài nguyên nước là quan trọng nhất, ngành nông nghiệp cùng với chính quyền địa phương cần tuyên truyền cho bà con có ý thức sử dụng nước sinh hoạt cũng như nước sản xuất tiết kiệm. Ngoài ra, cần phát huy các mô hình tưới tiêu tiết kiệm nước, thực hiện thường xuyên, liên tục việc rà soát, nạo vét kênh, mương để dự trữ nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt" – Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng còn yêu cầu ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp với địa phương thực hiện rà soát, lập kế hoạch kiểm tra hoạt động của các cống trên địa bàn, kịp thời sửa chữa những cống xuống cấp nhằm đảm bảo các cống ngăn mặn, trữ ngọt trên địa bàn đảm bảo hiệu quả trong suốt quá trình hoạt động.

Tin - ảnh: Lê Hoàng

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/chu-tich-tinh-soc-trang-ra-tan-ruong-vao-tan-vuon-kiem-tra-han-man-1962403251521109.htm