Chủ tịch TP.HCM 'chốt' những vấn đề về liên kết vùng tại hội nghị với 5 tỉnh Đông Nam Bộ

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM tổng kết lại những nhóm vấn đề được lãnh đạo 6 tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ thảo luận, trao đổi tại hội nghị quý 3-2023 của vùng.

Chiều tối 20-10, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM đã tổng hợp các nhóm vấn đề được lãnh đạo các tỉnh thống nhất sau khi thảo luận, trao đổi tại hội nghị quý 3-2023 vùng Đông Nam Bộ.

Họp chuyên đề về dự án Đường Vành đai 4 TP.HCM

Theo ông Phan Văn Mãi, đường Vành đai 3 cơ bản đảm bảo tiến độ. Tuy nhiên còn ít nhất hai vấn đề là giải phóng mặt bằng và vật liệu xây dựng. Hiện các vướng mắc đã được báo cáo Thủ tướng Chính phủ để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm...

Thời gian tới đề nghị các tỉnh thúc đẩy đảm bảo tiến độ dự án. Các địa phương còn vướng về giải phóng mặt bằng cần tập trung giải quyết; cùng tìm giải pháp và kiến nghị về vấn đề vật liệu xây dựng cho dự án.

Trong đó cần làm việc với các tỉnh ĐBSCL, kiến nghị áp dụng sử dụng cát biển, nghiên cứu giải pháp tìm nguồn vật liệu tại chỗ để triển khai dự án; một số giải pháp về đầu tư, nguồn vốn…

 Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tổng hợp các vấn đề đã thống nhất tại hội nghị. Ảnh: VQ

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tổng hợp các vấn đề đã thống nhất tại hội nghị. Ảnh: VQ

Về đường Vành đai 4 TP.HCM các tỉnh thống nhất tiến độ đảm bảo kế hoạch đề ra; thống nhất về mặt kỹ thuật. Dự án hiện còn một số khó khăn về quy mô, nguồn vốn, đầu tư.

Chủ tịch Phan Văn Mãi đề nghị, giữa tháng 11-2023 sẽ tổ chức một cuộc họp chuyên đề về dự án, có lãnh đạo Bộ GTVT và một số bộ ngành tham dự. Qua đó thống nhất các nội dung và có bước đi tiếp theo. “Cơ chế vốn tôi đề nghị thống nhất như Vành đai 3 là Trung ương 50%, các địa phương 50%. Riêng Long An có thể 80-90% là vốn Trung ương..."- Ông Phan Văn Mãi nêu.

Trong quý 4-2023 quyết tâm trình cho Thủ tướng Chính phủ chủ trương đầu tư hai dự án cao tốc TP.HCM- Mộc Bài và cao tốc TP. HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; khởi động lại cao tốc Bến Lức- Long Thành; mở rộng cao tốc TP.HCM- Dầu Giây; chuẩn bị cho mở rộng cao tốc TP.HCM-Trung Lương.

 Thúc đẩy lại tiến độ dự án cao tốc Bến Lức- Long Thành. Ảnh: PLO

Thúc đẩy lại tiến độ dự án cao tốc Bến Lức- Long Thành. Ảnh: PLO

Thúc đẩy, nghiên cứu mạnh hơn tuyến đường sắt đô thị TP.HCM- Long Thành (Đồng Nai); Biên Hòa-Vũng Tàu; TP.HCM- Cần Thơ; Ga đường sắt quốc gia và có kết nối với đường sắt cao tốc. Đường sắt đô thị TP.HCM tuyến 1 nối dài và các kế hoạch đường sắt của Đồng Nai, Bình Dương.

Các nội dung này giao Sở GTVT TP.HCM phối hợp các sở các tỉnh chuẩn bị, nếu được sẽ báo cáo với Bộ GTVT cùng trong cuộc họp chuyên về dự án đường Vành đai 4 tới.

Ngoài ra, tiếp tục thúc đẩy các dự án giao thông thủy, đường ven sông, đường vành đai biên giới, lập dự án BOT cho tuyến Quốc lộ 13 tiếp theo Bình Dương.

Thống nhất tên gọi Quỹ phát triển hạ tầng vùng

Về cơ chế đặc thù vùng thống nhất kiến nghị vận dụng Nghị quyết 98/2023 của QH về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM và xác định các nội dung đặc thù cho vùng Đông Nam Bộ.

Ở đây có hai phương án, một là cho các địa phương Đông Nam Bộ được áp dụng các cơ chế như trong Nghị quyết 98.

Hai là cho các địa phương lựa chọn từ Nghị quyết ra một vấn đề ví dụ như thí điểm mô hình phát triển đô thị (TOD), thu hút nhà đầu tư chiến lược, các hình thức đầu tư PPP, thúc đẩy phát triển khoa và công nghệ, quỹ hạ tầng vùng, phân cấp phân quyền cho các địa phương. Việc này giao cho Sở KH&ĐT TP.HCM phối hợp các tỉnh để trình lại trong quý 4-2023.

 Quỹ Phát triển hạ tầng vùng không chỉ sử dụng để đầu tư phát triển trong lĩnh vực giao thông kết nối mà còn mở rộng nhiều lĩnh vực. Ảnh minh họa: TK

Quỹ Phát triển hạ tầng vùng không chỉ sử dụng để đầu tư phát triển trong lĩnh vực giao thông kết nối mà còn mở rộng nhiều lĩnh vực. Ảnh minh họa: TK

Theo ông Phan Văn Mãi, nên thống nhất lấy tên Quỹ phát triển hạ tầng vùng nó sẽ phù hợp. Đây là quỹ thành lập mới, có nguồn vốn quốc tế, nguồn vốn trung ương, địa phương và doanh nghiệp.

"Chúng ta đề nghị hoặc là một Nghị quyết của Quốc hội hoặc một Nghị định của Chính phủ về thành lập, hoạt động của quỹ này. Tức nó có một cơ chế đặc thù. Tôi đề nghị Viện nghiên cứu tiếp tục phối hợp các sở ngành, địa phương để lấy ý kiến các chuyên gia, báo cáo trong quý 4-2023, để từ đó báo cáo Thủ tướng Chính phủ…”- Ông Phan Văn Mãi, nhấn mạnh.

TRÙNG KHÁNH

Nguồn PLO: https://plo.vn/chu-tich-tphcm-chot-nhung-van-de-ve-lien-ket-vung-tai-hoi-nghi-voi-5-tinh-dong-nam-bo-post757561.html