Chủ tịch TPHCM Nguyễn Thành Phong: 'F0 trong cộng đồng đang tăng'
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, tỷ lệ F0 trước đây trong cộng đồng chỉ chiếm trên dưới 20% (các khu phong tỏa chiếm gần 80%) số ca nhiễm mới, tuy nhiên trong ngày 16/8, tỷ lệ F0 mới trong cộng đồng tăng đến 53%.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong
Kết luận cuộc họp trực tuyến về triển khai, quán triệt Kế hoạch thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo Nghị quyết số 86/NQ-CP của Chính phủ, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cảnh báo trong những ngày qua, tỷ lệ F0 trong cộng đồng ở TPHCM đang có dấu hiệu tăng.
Theo Chủ tịch TPHCM, tỷ lệ F0 trước đây trong khu phong tỏa chiếm gần 80%. Tuy nhiên, trong ngày hôm nay, số ca F0 mới phát hiện trong cộng đồng chiếm đến 53% (3.342 trường hợp) tổng số ca nhiễm mới. Số ca F0 trong khu phong tỏa giảm còn 41%.
"Chúng ta không còn tính theo tuần nữa mà theo từng giờ và từng ngày. 7 quận huyện chỉ có một giai đoạn và phải kiểm soát dịch trước 30/8, không có giai đoạn thứ hai” - Chủ tịch TPHCM Nguyễn Thành Phong.
Trước tình hình trên, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đề nghị các địa phương lên kế hoạch chi tiết đến từng ngày để thực hiện kế hoạch phòng chống dịch và phải tranh thủ triển khai sớm nhất.
Đối với 7 quận huyện (Cần Giờ, Củ Chi, Nhà Bè, Phú Nhuận, quận 5, 7, 11), ông Phong nói mục tiêu kiểm soát đươc dịch trước 30/8 theo kế hoạch của UBND TPHCM là mệnh lệnh.
"Chúng ta không còn tính theo tuần nữa mà theo từng giờ và từng ngày. 7 quận huyện chỉ có một giai đoạn và phải kiểm soát dịch trước 30/8, không có giai đoạn thứ hai”, ông Phong nhấn mạnh.
Về các chính sách an sinh xã hội, người đứng đầu chính quyền TPHCM yêu cầu các địa phương thống kê đầy đủ danh sách, không bỏ sót trường hợp nào. Thành phố sẽ hỗ trợ người dân tiền thuê nhà trọ, cung cấp lương thực, thực phẩm và tiêm vắc xin phòng COVID-19.
"Thời gian trước kia không có dịch, bà con đem sức lao động đóng góp cho thành phố phát triển. Trong điều kiện hiện nay, trách nhiệm của thành phố là chăm lo đầy đủ cho bà con cô bác. Đây là vấn đề đạo lý ", ông Phong chia sẻ.
Theo kế hoạch của UBND TPHCM, việc phòng chống dịch sẽ thực hiện qua 3 giai đoạn.
Từ ngày 15/8 đến ngày 22/8, TPHCM sẽ nỗ lực kéo giảm tỷ lệ bệnh nhân tử vong do COVID-19; không để xảy ra trường hợp F0 chuyển nặng mà không được tiếp nhận, điều trị. TPHCM xác định chiến lược chuyển đổi "vùng đỏ", "vùng cam", "vùng vàng"; mở rộng "vùng xanh" tại các quận, huyện, TP Thủ Đức.
Từ ngày 23/8 đến ngày 31/8, TPHCM sẽ dần mở rộng "vùng xanh" trên địa bàn, phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh tại các quận 5, 7, 11, Phú Nhuận và các huyện Cần Giờ, Củ Chi, Nhà Bè.
Từ ngày 1/9 đến 15/9, TPHCM sẽ duy trì và kiểm soát lây nhiễm trong cộng đồng. Số lượng nhập viện điều trị mỗi ngày không vượt quá số xuất viện mỗi ngày. Số nhập viện dưới 2.000 người mỗi ngày (tương đương dưới 200 trường hợp/triệu dân), đảm bảo hơn 70% người dân (trên 18 tuổi) được tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 1 và 15% người dân được tiêm mũi 2.
TPHCM tiếp tục thực hiện nghiêm, hiệu quả giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ 0 giờ ngày 16/8 đến 15/9 với nguyên tắc "ai ở đâu thì ở đó". Tiếp tục siết chặt giãn cách xã hội một cách thực chất, nghiêm ngặt, mạnh mẽ, quyết liệt, chặt chẽ, đặc biệt trong khung giờ từ 6 giờ đến 18 giờ cùng ngày; thực hiện phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người", phát hiện, xử lý ngay những trường hợp vi phạm.
TPHCM sẽ tổ chức xét nghiệm đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, nhằm phát hiện kịp thời bệnh nhân COVID-19 để điều trị hiệu quả, thu hẹp "vùng đỏ’, "vùng cam", "vùng vàng", mở rộng "vùng xanh" trên địa bàn.
Để thực hiện kế hoạch trên, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch TPHCM yêu cầu tại các khu phong tỏa phải đảm bảo "ngoài chặt, trong chặt" và sẽ kiên quyết xử lý nghiêm người đứng đầu và các cá nhân liên quan nếu buông lỏng quản lý, để lây nhiễm chéo trong khu phong tỏa.
TPHCM sẽ tổ chức xét nghiệm đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, nhằm phát hiện kịp thời bệnh nhân COVID-19 để điều trị hiệu quả, thu hẹp "vùng đỏ’, "vùng cam", "vùng vàng", mở rộng "vùng xanh" trên địa bàn.
Về an sinh xã hội, TPHCM vừa triển khai hoạt động Trung tâm An sinh TPHCM và thí điểm Trung tâm An sinh tại quận 5, 7 và quận 12.
Bên cạnh đó, TPHCM đẩy nhanh tiến độ gói hỗ trợ thứ 2 cho người lao động tự do, hỗ trợ người nghèo, chuẩn bị 1 triệu túi cứu tế cho người dân đang gặp khó khăn do dịch, hỗ trợ chi phí thuê trọ, tổ chức tiêm vắc xin để người dân yên tâm ở lại nơi cư trú trong thời gian giãn cách xã hội.