Chủ tịch Trần Sỹ Thanh: Hà Nội triển khai nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân còn chậm

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh thẳng thắn thừa nhận việc triển khai nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân còn chậm, một phần lỗi là của thành phố, sở ngành, quận huyện...

 Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh trao đổi với người lao động Thủ đô. Ảnh: Viết Thành

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh trao đổi với người lao động Thủ đô. Ảnh: Viết Thành

Ngày 23/5, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chủ trì hội nghị đối thoại với công nhân, người lao động Thủ đô tại Công ty cổ phần Thuốc lá Thăng Long (khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai, huyện Quốc Oai). Vấn đề được người lao động quan tâm nhất là thiếu nhà ở xã hội.

Trên 70% công nhân tại Hà Nội đang phải thuê trọ

Tại hội nghị, nhiều ý kiến công nhân đề nghị thành phố quan tâm đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; có cơ chế, chính sách hỗ trợ về điều kiện mua, thuê mua nhà ở xã hội, hỗ trợ về chính sách vay vốn…

Đại diện Liên đoàn Lao động thành phố thông tin, hiện Hà Nội có 10 khu công nghiệp và chế xuất, khu công nghệ cao Hòa Lạc với 661 doanh nghiệp, khoảng 167.000 lao động, trong đó trên 80% đến từ các tỉnh thành khác. Song, chỉ 3 khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai (huyện Quốc Oai), Thăng Long (Đông Anh), Phú Nghĩa (Chương Mỹ) có dự án nhà ở, đáp ứng gần 20% nhu cầu về chỗ ở của công nhân. Các khu công nghiệp còn lại chưa có nhà ở, do vậy trên 70% công nhân đang phải thuê trọ ở khu dân cư.

Một lao động nữ tại Thủ đô phát biểu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Viết Thành

Một lao động nữ tại Thủ đô phát biểu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Viết Thành

Ngoài ra, chị Nguyễn Thị Mai Loan (Công ty TNHH Kenmec Việt Nam) cũng thông tin, từ ngày 1/7/2023, mức lương cơ sở theo quy định của Nhà nước là 1,8 triệu đồng. Tuy nhiên đến nay, cán bộ, công nhân, viên chức, lao động trong ngành Thủy lợi thuộc thành phố Hà Nội vẫn chỉ được hưởng lương và đóng bảo hiểm xã hội theo mức lương cơ sở cũ là 1,49 triệu đồng.

Chị Đỗ Thị Giang (Trường Mầm non Mỹ Đình) thông tin, dù thời gian qua, thành phố đã rất quan tâm đến chính sách giáo viên, nhân viên trường học, song nhiều giáo viên, nhân viên có bằng đại học vẫn chỉ được hưởng lương trung cấp hoặc cao đẳng.

Trong năm 2024, khởi công bằng được khu nhà ở cho công nhân

Tại buổi đối thoại, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho rằng: "Chúng ta phải hết sức thẳng thắn, nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá lại việc triển khai nhà ở xã hội. Rõ ràng, Hà Nội triển khai việc này còn chậm".

Đánh giá vấn đề nhà ở rất quan trọng vì "có an cư mới lạc nghiệp", Chủ tịch TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề nghị Sở Xây dựng và các sở, ngành khác xử lý nhanh nhất, quyết liệt nhất để có quỹ nhà cung ứng cho công nhân.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh trao đổi, trả lời các kiến nghị của người lao động. Ảnh: Viết Thành

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh trao đổi, trả lời các kiến nghị của người lao động. Ảnh: Viết Thành

Về phía thành phố, ngoài chính sách của Trung ương, tới đây khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua, Hà Nội cũng sẽ có thêm quyền nhất định để ban hành một số cơ chế đặc thù về hỗ trợ cho phúc lợi xã hội nói chung, trong đó có chính sách hỗ trợ để người lao động có thể thuê, mua nhà ở xã hội. Cùng với đó, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Quy hoạch và Kiến trúc rà soát, quy hoạch bố trí bổ sung quỹ đất để tiếp tục phát triển nhà ở xã hội.

Ông Trần Sỹ Thanh yêu cầu các đơn vị liên quan trong năm 2024 và những năm còn lại của nhiệm kỳ, phải khởi công cho được các khu nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội theo kế hoạch.

Các bất cập về tiền lương, tiền công…, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội khẳng định, UBND thành phố sẽ tiếp thu, có những quyết sách trình HĐND thành phố cho phù hợp lộ trình phát triển Thủ đô trong thời gian hiện nay và thời gian tới.

H.Y

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/chu-tich-tran-sy-thanh-ha-noi-trien-khai-nha-o-xa-hoi-nha-o-cho-cong-nhan-con-cham-20240523182642483.htm