Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm chính thức Kazakhstan

Ngày 2/7, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới thủ đô Astana của Kazakhstan để tham dự hội nghị lần thứ 24 Hội đồng Nguyên thủ quốc gia Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và có chuyến thăm cấp nhà nước tới quốc gia Trung Á này.

Biểu tượng SCO đặt tại sân bay quốc tế Astana của Kazakhstan để chào mừng các nguyên thủ quốc gia đến tham dự Hội nghị thượng đỉnh của khối, diễn ra từ 3-4/7. (Nguồn: Kazinform)

Biểu tượng SCO đặt tại sân bay quốc tế Astana của Kazakhstan để chào mừng các nguyên thủ quốc gia đến tham dự Hội nghị thượng đỉnh của khối, diễn ra từ 3-4/7. (Nguồn: Kazinform)

Hãng thông tấn Trung Quốc Tân Hoa xã đưa tin, trong bài viết do truyền thông đăng tải, Chủ tịch nước này bày tỏ mong muốn thảo luận với tất cả các bên trong khuôn khổ SCO về tương lai của tổ chức, cũng như các biện pháp thúc đẩy hợp tác nhằm đạt được tiến bộ mới và lớn hơn cho cơ chế đa phương quan trọng này.

SCO chỉ gồm 9 thành viên là Kazakhstan, Ấn Độ, Trung Quốc, Kyrgyzstan, Pakistan, Nga, Tajikistan, Uzbekistan và Iran, song bao phủ một vùng lãnh thổ rộng lớn với khoảng một nửa dân số thế giới. Năm nay, Belarus dự kiến sẽ được kết nạp vào tổ chức này.

Sau cuộc họp tại Astana, Trung Quốc sẽ đảm nhận chức chủ tịch luân phiên của SCO trong nhiệm kỳ 2024-2025.

Trước đó, ngày 1/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết, Bắc Kinh tin rằng, Hội nghị thượng đỉnh SCO 2024 sẽ "giúp xây dựng sự đồng thuận hơn nữa, đóng góp vào việc thúc đẩy an ninh, ổn định và phát triển của các nước thành viên", đồng thời thúc đẩy "hòa bình lâu dài và thịnh vượng chung trên thế giới".

Theo bà Mao Ninh, trong chuyến thăm Astana, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ có cuộc hội đàm "sâu rộng" với Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev về quan hệ song phương, hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng cũng như thảo luận về tình hình khu vực và quốc tế.

Sau đó, nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ tới Tajikistan và cùng Tổng thống nước chủ nhà Emomali Rahmon "lập kế hoạch mới cho sự phát triển quan hệ song phương".

Bắc Kinh đã đẩy mạnh các nỗ lực ngoại giao ở Trung Á, một mắt xích quan trọng trong dự án phát triển cơ sở hạ tầng quốc tế Vành đai và con đường của Trung Quốc.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Trung Á hồi tháng 5 năm ngoái, Trung Quốc đã cam kết mở rộng các tuyến giao thông với khu vực và thúc đẩy đường ống dẫn khí đốt Trung Á-Trung Quốc.

Bảo Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chu-tich-trung-quoc-tap-can-binh-tham-chinh-thuc-kazakhstan-277163.html