Chủ tịch Trung Quốc thăm Triều Tiên: Thắt chặt quan hệ đối phó Mỹ
Trung Quốc có thể đóng vai trò thu hẹp khoảng cách Mỹ - Triều Triên trong đàm phán hạt nhân, đổi lại Mỹ sẽ 'mềm dẻo' hơn với Trung Quốc trong tranh chấp thương mại.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa có chuyến thăm Triều Tiên không chỉ nhắc nhở tới kỷ niệm 70 năm Trung - Triều thiết lập quan hệ ngoại giao, khẳng định mối quan hệ đối tác chiến lược bền chặt hơn trong tương lai mà còn nhắm tới đích xa hơn là hạ nhiệt cuộc “thương chiến” Mỹ - Trung Quốc và khẳng định với Mỹ rằng: Đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều Tiên không thể thiếu vai trò của Trung Quốc.
Chuyến đi củng cố quan hệ
Trong vòng 1 năm nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã thăm Trung Quốc 4 lần, điều này cho thấy phía Triều Tiên rất coi trọng mối quan hệ với Trung Quốc cả về chính trị và kinh tế… Bởi từ lâu Trung Quốc là nhà cung cấp lương thực - năng lượng chính của Triều Tiên và chiếm tới 90% tổng kim ngạch thương mại của Triều Tiên với thế giới bên ngoài, khi quốc tế áp các đòn trừng phạt trên nhiều lĩnh vực đối với Triều Tiên. Năm 2017, nhập khẩu từ Triều Tiên vào Trung Quốc giảm 88% xuống còn 1,42 tỷ nhân dân tệ (209 triệu USD), xuất khẩu của Trung Quốc sang Triều Tiên giảm 33% xuống còn 14,67 tỷ nhân dân tệ (2,2 tỷ USD). Sang năm 2018, tình hình có tiến triển hơn nhiều và những tháng đầu năm 2019 xuất khẩu từ Trung Quốc tăng 38,5%, đạt 197,9 triệu USD cùng với kết quả giao lưu kinh tế có chuyển biến rất tích cực thể hiện mối quan hệ bền chặt giữa hai nước. Một sự kiện chưa từng có tại Triều Tiên đó là ngay trước chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc, Báo Rodong Sinmun - cơ quan của Đảng Lao động Triều Tiên đã đăng trang nhất bài của Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định hai nước sẽ “tăng cường liên lạc và giao lưu chiến lược”, nhấn mạnh Trung Quốc sẽ “ủng hộ mạnh mẽ” những thành tựu của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un “trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội bằng cách dẫn dắt Đảng Lao động Triều Tiên và nhân dân thông qua một con đường chiến lược mới tập trung mọi nỗ lực của ông vào công cuộc phát triển kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân”.
Như vậy 14 năm sau ngày thăm Triều Tiên của ông Hồ Cầm Đào, người tiền nhiệm Chủ tịch Tập Cận Bình kéo dài 3 ngày, vào tháng 10.2005 khi ấy ông này đặt trọng tâm vào các cuộc đàm phán hạt nhân 6 bên trong đó có Triều Tiên, Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản (các cuộc đàm phán do Trung Quốc chủ trì), tới chuyến thăm lần này của Chủ tịch Tập Cận Bình đã được nâng cấp cao hơn.
Vì mục tiêu của cả hai nước
Chuyến thăm Triều Tiên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và hình thức đón tiếp của nước chủ nhà được giới phân tích đánh giá là chưa từng có trong lịch sử của Triều Tiên, vượt xa việc tiếp đón cấp cao nhất của Triều Tiên với một lãnh đạo nước ngoài đến thăm Triều Tiên từ khi Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên được thành lập. Đây là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo nước ngoài được đón tiếp tại quảng trường của Cung điện mặt trời Kumsusan ở thủ đô Bình Nhưỡng, 250.000 người được huy động để chào đón. Với sự đón tiếp đặc biệt trọng thị trên cho thấy “mối quan hệ hữu nghị lâu đời không thể thay đổi” như nhà lãnh đạo Kim Jong Un nói đã phản ánh mối quan hệ đặc biệt Trung Quốc – Triều Tiên. Giới phân tích đặt câu hỏi tại sao Chủ tịch Trung Quốc lại chọn đúng thời điểm hiện nay để thăm Triều Tiên? Và chính giới phân tích đã lý giải rằng:
Về phía Triều Tiên, chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình mang tính biểu tượng cao minh chứng cho sự ủng hộ và hỗ trợ đáng kể của Trung Quốc đối với Triều Tiên trong bối cảnh nước này đang chịu các lệnh trừng phạt quốc tế và phần nào bị cô lập do phía Mỹ gây sức ép nên Triều Tiên rất cần mối quan hệ tốt đẹp với nước láng giềng lớn là đồng minh, đồng thời là một cường quốc thế giới. Mặt khác tiến trình đàm phán hạt nhân với Mỹ đang bế tắc, Triều Tiên đang đưa những “con bài mặc cả” với Mỹ về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, mọi sự ủng hộ quốc tế đều có lợi cho Triều Tiên và chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc lần này rất có thể sẽ trở thành yếu tố tích cực giúp cho Triều Tiên “sức mạnh” khi đàm phán Mỹ - Triều Tiên nối lại.
Với Trung Quốc, giới phân tích cho rằng, nước này mong muốn khẳng định vị thế đối tác không thể thay thế trong hồ sơ hạt nhân Triều Tiên vốn đang rơi vào bế tắc sau hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 (tháng 2.2019 tại Hà Nội). Do đó, chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc tới Triều Tiên là gửi một thông điệp rõ ràng tới Mỹ rằng: Trung Quốc luôn là đối tác chủ chốt trong khu vực Đông Bắc Á, không có Trung Quốc mọi nỗ lực tháo gỡ bế tắc trong đàm phán phi hạt nhân bán đảo Triều Tiên khó thành công. Trung Quốc có thể đóng vai trò thu hẹp khoảng cách Mỹ - Triều Triên trong đàm phán hạt nhân, đổi lại Mỹ sẽ “mềm dẻo” hơn với Trung Quốc trong tranh chấp thương mại. Mặt khác nhắc nhở Mỹ rằng nếu Mỹ muốn đạt được các mục tiêu tại châu Á - Thái Bình Dương thì Mỹ phải có một số nhân nhượng với Trung Quốc.
Triều Tiên tăng vốn ngoại giao
Trong vòng 10 năm qua kể từ khi rút khỏi vòng đàm phán 6 bên về hạt nhân, đến nay theo ước tính của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, Triều Tiên đang sở hữu khoảng 20-30 đơn vị hạt nhân. Có quan điểm cho rằng nước này không cần phụ thuộc vào đối tác thân thiện nào cho sự tồn tại của mình. Thế nhưng thực tiễn lại khác hoàn toàn vì sau cuộc gặp thượng đỉnh tại Hà Nội (tháng 2.2019) không có kết quả, Triều Tiên đang lặng lẽ chuẩn bị cho mình các “vốn ngoại giao” và nhiều con bài khác để phục vụ cho các vòng đàm phán với Mỹ sắp tới bởi nước này nhận rõ tính bất cân xứng về mọi mặt đối với Mỹ.
Cụ thể, đối với Trung Quốc, quan hệ hai bên Trung Quốc - Triều Tiên không thể tách rời, việc củng cố mối quan hệ chiến lược với Trung Quốc là một lá bài quan trọng nhắc nhở Mỹ bởi Trung Quốc là một bên không thể tách rời vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Đối với Nga, sau 8 năm cầm quyền, nhà lãnh đạo Triều Tiên mới công du nước ngoài tới 4 nước là Singapo, Việt Nam, Trung Quốc và Nga. Với vấn đề hạt nhân Triều Tiên, quan điểm Nga – Trung Quốc là tương đồng, củng cố mối quan hệ với Nga cũng là một lá bài Triều Tiên nhắc nhở Mỹ bởi trong vấn đề hạt nhân, Triều Tiên không thể bỏ qua láng giềng Nga.
Như vậy, nếu diễn ra cuộc gặp lần thứ 3 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, vốn liếng của lãnh đạo Triều Tiên đã có nhiều “lá bài” quan trọng mà Mỹ không thể bỏ qua đó là các cường quốc Trung Quốc và Nga. Điều này Triều Tiên muốn nhắc nhở phải cứng rắn trong chính giới Mỹ rằng phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên nhưng phải coi trọng Triều Tiên cũng như các đối tác không thể thiếu của Triều Tiên.