Chủ tịch UBND dự hết các cuộc đối thoại thì 'không còn thời gian để điều hành'
Theo ông Lê Minh Trí, để đưa chế tài rõ ràng về trách nhiệm tố tụng hành chính đối với Chủ tịch UBND là rất khó. Bởi thực tế, ở những địa phương phát triển mạnh, Chủ tịch UBND tỉnh/thành có công việc rất áp lực.
Chiều 26/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Rất ít vụ án có lãnh đạo UBND trực tiếp tham dự
Tham gia ý kiến, ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết vẫn còn một số vấn đề, vướng mắc chưa được giải quyết, ông đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo xem xét, cân nhắc bổ sung vào luật hoặc đề nghị Chính phủ ban hành nghị định để hướng dẫn triển khai thi hành một số nội dung.

ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng (Ảnh: Media Quốc hội).
Theo đó, đại biểu cho biết Luật Tố tụng hành chính hiện hành và dự thảo luật sửa đổi bổ sung lần này chưa có quy định, chế tài xử lý các trường hợp Chủ tịch UBND, Phó chủ tịch hoặc người được ủy quyền không tham dự phiên tòa, không đối thoại hoặc không cung cấp chứng cứ đúng thời hạn.
"Thực tế cho thấy rất ít vụ án có lãnh đạo UBND trực tiếp tham dự gây khó khăn cho tranh tụng và làm giảm hiệu lực xét xử", ông Hùng nói và đề nghị ban soạn thảo xem xét cân nhắc bổ sung chế tài cụ thể để bảo đảm yêu cầu trách nhiệm và kỷ luật hành chính.
Ngoài ra, theo ông Hùng, Luật Tố tụng hành chính hiện hành chỉ cho phép Chủ tịch UBND ủy quyền cho Phó chủ tịch UBND cùng cấp nhưng thực tế lâu nay phổ biến là ủy quyền cho lãnh đạo cơ quan chuyên môn. Đại biểu cho rằng điều này không phù hợp với quy định.
Ông đề nghị ban soạn thảo xem xét cân nhắc giữ nguyên quy định để bảo đảm trách nhiệm trực tiếp của người đứng đầu hoặc mở rộng hợp lý cho phép ủy quyền cho người đứng đầu cơ quan chuyên môn với điều kiện rõ ràng, chặt chẽ.
Dự thảo luật đã quy định tòa án phải giải thích bản án trong vòng 15 ngày. Nhiều cơ quan chờ đợi nhưng không có phản hồi, gây đình trệ trong quá trình thi hành án.
Do đó, ông đề nghị ban soạn thảo xem xét, cân nhắc bổ sung chế tài trách nhiệm đối với tòa án khi không thực hiện đúng hạn thời gian đã quy định nhằm nâng cao kỷ cương và hiệu quả xử lý.
Ý kiến nữa được ông nêu ra là hiện chưa có quy định nào xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính nếu cố tình không thi hành hoặc để tồn đọng bản án hành chính.
Từ đó, ông đề nghị xem xét, cân nhắc bổ sung quy định về trách nhiệm cá nhân trong trường hợp này.

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Ảnh: Media Quốc hội).
Còn ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng phần lớn khi xét xử các quyết định hành chính của Chủ tịch UBND tỉnh hoặc UBND tỉnh thường ủy quyền rất ít cho các Phó Chủ tịch mà ủy quyền cho giám đốc sở; cấp huyện ủy quyền cho trưởng phòng, chánh thanh tra...
Ông cho rằng quy định như vậy sẽ hợp lý, bởi chủ tịch UBND cấp tỉnh rất bận rộn, "trăm công nghìn việc". Trong khi đó giám đốc sở, chánh thanh tra hoặc trưởng phòng sẽ nắm rõ sự việc, nhất là các vụ việc về đất đai.
Phản hồi lại vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng cho biết, việc ủy quyền dẫn đến tình trạng phổ biến xin vắng mặt hoặc ủy quyền không đúng thẩm quyền, gây khó khăn cho việc tranh tụng, giảm tính nghiêm minh của pháp luật.
Hiện cũng chưa có quy định cho phép tòa án buộc đại diện hợp pháp của UBND phải có mặt tại phiên tòa hoặc chế tài cụ thể nếu vi phạm.
Trong khi đó đây lại là yêu cầu quan trọng để bảo đảm quyền đối thoại, tranh tụng và trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền các cấp.
Một năm có khoảng 500 cuộc phải đối thoại
Giải trình làm rõ, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Lê Minh Trí ghi nhận góp ý của các đại biểu về quy định, chế tài xử lý các trường hợp Chủ tịch UBND, Phó chủ tịch hoặc người được ủy quyền không tham dự phiên tòa, không đối thoại hoặc không cung cấp chứng cứ đúng thời hạn.

Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Lê Minh Trí (Ảnh: Media Quốc hội).
Theo ông Trí, ngay từ thời ông làm ở cơ quan kiểm sát, ông và Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình (khi đó là Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao) đã trình bày trước Quốc hội về vấn đề này nhưng chưa có kiến nghị sửa luật để có chế tài mạnh hơn.
Lý do là vì để đưa chế tài rõ ràng về trách nhiệm tố tụng hành chính đối với Chủ tịch UBND là rất khó bởi thực tế, ở những địa phương phát triển mạnh, Chủ tịch UBND tỉnh/thành có công việc rất áp lực.
"Một năm có khoảng chừng 500 cuộc phải đối thoại hay phải ra phiên tòa thì không có thời gian để điều hành, quản lý Nhà nước", ông Trí nói.
Trong cuộc họp Đảng gần đây, ông cũng đã đặt vấn đề rằng: Nếu Chủ tịch UBND tỉnh/thành ra quyết định hành chính hoặc có hành vi hành chính mà bị người dân hoặc doanh nghiệp kiện nhưng lãnh đạo tỉnh/thành không cung cấp tài liệu, không tham gia đối thoại, không dự phiên tòa và không chấp hành án thì về mặt Đảng có kỷ luật hay không? Xử lý về mặt hành chính như thế nào?".
Qua góp ý của các đại biểu, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao khẳng định sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm để có quy định vừa nghiêm khắc vừa hài hòa với thực tiễn.