Chủ tịch UBND Hà Nội: Cố gắng để 10 triệu công dân thủ đô có y bạ điện tử

Theo chủ tịch UBND Hà Nội, việc có sổ y bạ điện tử tích hợp dữ liệu khám chữa bệnh của bệnh viện công lập và tư nhân sẽ tiết kiệm rất nhiều tiền cho bệnh nhân.

Sáng 16/8, tại Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, đồng chí Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP. Hà Nội đã chủ trì Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - xã hội trên địa bàn.

Tham dự Hội nghị còn có Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Vũ Thu Hà; Lãnh đạo các sở ngành Thành phố và Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã; Hiệp hội Quảng cáo Hà Nội; cùng hơn 120 doanh nghiệp đại diện cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - xã hội trên địa bàn Thành phố.

Sau khi lắng nghe các ý kiến của đại diện doanh nghiệp, đồng chí Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP. Hà Nội phát biểu: ''Chúng ta cùng nhau chia sẻ ý kiến là để hỗ trợ lẫn nhau. Tôi rất vui về sự có mặt đông đủ của các lãnh đạo cấp sở, cấp quận, huyện và đại diện các doanh nghiệp đang kinh doanh về ngành nghề thuộc lĩnh vực văn hóa – xã hội trên địa bàn thủ đô Hà Nội trong hội nghị hôm nay''.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trần Đình

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trần Đình

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Hà Nội thông tin rằng thủ đô đã đạt được những kết quả phát triển kinh tế vững vàng trong những năm gần đây, đặc biệt là sau thời điểm COVID-19 có nhiều khởi sắc trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, từ nghệ thuật biểu diễn, sản phẩm văn hóa trưng bày, sự kiện du lịch, các làng nghề,… Đóng góp về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) về lĩnh vực này phát triển nhanh, thậm chí nhanh hơn ngành công nghiệp, chế biến.

''Những kết quả kể trên là công sức đóng góp rất lớn từ các doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa – xã hội. Điển hình như việc các doanh nghiệp giáo dục tư thục đã góp phần giúp TP. Hà Nội đưa tổng cộng 2,3 triệu học sinh có thể tiếp cận với giáo dục phổ thông'', đồng chí Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.

Cùng với đó, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố cho biết các doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế đã góp phần đảm bảo cho người dân Hà Nội được chăm sóc sức khỏe. Theo đồng chí Trần Sỹ Thanh, Hà Nội sẽ cố gắng để 10 triệu công dân ở thủ đô có sổ khám sức khỏe, y bạ điện tử được kết hợp với bảo hiểm y tế, tích hợp dữ liệu từ hệ thống bệnh viện công lập, bệnh viện tư nhân. Hiện nay, một số đơn vị y tế tư nhân đã thực hiện xét nghiệm cơ bản cho rất nhiều công dân của Hà Nội, nhưng kết quả này chưa được công nhận ở các bệnh viện công lập. Do đó, nếu tích hợp dữ liệu xét nghiệm, theo dõi sức khỏe của công dân tại các bệnh viện công lập và bệnh viện tư nhân đạt tiêu chuẩn thì sức khỏe công dân được theo dõi có hệ thống, chặt chẽ, không cần xét nghiệm cơ bản nhiều lần trong một khoảng thời gian ngắn khi đi khám ở các đơn vị khác nhau. Điều này sẽ tiết kiệm rất nhiều tiền cho bệnh nhân và xã hội.

Quang cảnh buổi hội nghị. Ảnh: Trần Đình

Quang cảnh buổi hội nghị. Ảnh: Trần Đình

Cũng tại Hội nghị, đồng chí Lê Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội đã có những báo cáo về tình hình đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa – xã hội tại thủ đô.

Cụ thể, về lĩnh vực y tế, tính đến 20/5/2024, có 488/579 (84,28%) xã, phường, thị trấn đã được công nhận đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã theo Quyết định số 1300/QĐ-BYT ngày 09/3/2023 của Bộ Y tế. Trong đó, 15 quận, huyện có 100% xã, phường, thị trấn đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã bao gồm: Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Long Biên, Hoàng Mai, Hà Đông, Ba Vì, Đan Phượng, Sóc Sơn, Thường Tín, Hoài Đức, Phú Xuyên, Thanh Oai.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội thông báo về tình hình đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa – xã hội. Ảnh: Trần Đình

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội thông báo về tình hình đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa – xã hội. Ảnh: Trần Đình

Trong năm 2023, Sở Y tế đã cấp phép hoạt động cho 483 cơ sở hành nghề y dược ngoài công lập thuộc các doanh nghiệp sau đăng ký thành lập. Bao gồm 227 cơ sở kinh doanh dược, 256 phòng khám trực thuộc Công ty. Các doanh nghiệp sau đăng ký thành lập được cấp phép hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Xét về tổng quan các dự án xã hội hóa bệnh viện có sử dụng đất đang triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 1 dự án hoàn thành giai trong giai đoạn 2021-2025 và 16 dự án xã hội hóa Bệnh viện có sử dụng đất đang triển khai (các dự án này đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư và văn bản pháp lý tương đương) với tổng vốn đầu tư được phê duyệt là 16.744 tỷ đồng; Quy mô giường bệnh là 5.352 giường bệnh.

Đối với lĩnh vực giáo dục, đến tháng 7/2024 tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia toàn Thành phố đạt 79,6% (1.789/2.251 trường). Mỗi xã, phường, thị trấn có trường công lập theo tiêu chí: 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học, 1 trường THCS, đảm bảo 30.000 – 50.000 dân có 1 trường THPT, đáp ứng chỉ tiêu tối thiểu tại Nghị quyết số 05/NQ-HĐND ngày 05/4/2012 của HĐND Thành phố và Quy hoạch mạng lưới trường học thành phố Hà Nội tại Quyết định số 3075/QĐ-UBND ngày 12/7/2012 của UBND Thành phố.

Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục đẩy mạnh phân cấp quản lý và đầu tư xây dựng trường học cho Ủy ban Nhân dân cấp huyện nhằm tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ giải quyết các dự án.

Về vấn đề giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông ngoài công lập, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư thông tin rằng trên địa bàn thành phố có 151 dự án đầu tư xây dựng Trường học nguồn vốn ngoài ngân sách (vốn đầu tư trong nước) được cấp Giấy chứng nhận đầu tư/Chấp thuận chủ trương đầu tư/Cho phép thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án với Tổng vốn đầu tư khoảng 14.000 tỷ đồng. Trong đó, 62 Dự án đã hoàn thành xây dựng công trình, đưa vào khai thác sử dụng; 89 Dự án đang triển khai.

Công tác xã hội hóa giáo dục đào tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội trong những năm qua đã đạt được những kết quả tích cực, số trường tư thục tăng cả về số lượng và chất lượng, số trường tư thục chiếm 20,5% (591/2.874 trường), số học sinh 14,8%, với 24.148 giáo viên, 8.000 nhân viên đã tạo việc làm cho lực lượng lao động với mức thu nhập và các chế độ, chính sách ưu đãi tương đương hoặc hơn mức thu nhập tại các trường công lập, mỗi năm thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách khoảng gần 2.000 tỷ đồng để trả lương cho người lao động.

Ngoài ra, trên địa bàn Thành phố có khoảng 67 dự án đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục nghề nghiệp (vốn đầu tư trong nước) được cấp Giấy chứng nhận đầu tư/Chấp thuận chủ trương đầu tư/Cho phép thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án với Tổng vốn đầu tư khoảng 10.684 tỷ đồng. Trong đó: 8 dự án đã hoàn thành xây dựng công trình, đưa vào khai thác sử dụng; 50 Dự án đang triển khai; 05 Dự án mới có chủ trương đầu tư; 4 dự án chấm dứt hoạt động.

Trần Đình

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chu-tich-ubnd-ha-noi-co-gang-de-10-trieu-cong-dan-thu-do-co-y-ba-dien-tu-339367.html