Chủ tịch UBND quận 11: 'Đánh đổi mọi giá để người dân tử vong ít nhất'
Dù tỷ lệ tử vong của quận 11 thuộc nhóm thấp nhất TP.HCM nhưng ông Trần Phi Long cho rằng mọi nỗ lực vẫn là chưa đủ, bởi lẽ vẫn có tới 430 người ra đi trong đại dịch.
5 tháng chống dịch cũng là 5 tháng ông Long xa nhà. Người dân quận 11 không còn xa lạ với hình ảnh vị chủ tịch khoác tấm áo lưới gile, chân đi xăng đan, mặc đồ bảo hộ tự lái xe cấp cứu, tự mua đồ giúp dân…
Với ông, làm chừng ấy vẫn là chưa đủ. Bởi 430 người quận không cứu được, buộc họ phải chia xa người thân yêu mãi mãi.
Đến nay, ông còn ám ảnh mãi hình ảnh người mẹ dần lịm đi trong vòng tay con ngay trước cổng Bệnh viện quận 11, dưới cơn mưa tầm tã. Mới 15 phút trước đó, bà vẫn còn nói chuyện được. Thế nhưng chỉ một quãng đường ngắn ngủi từ nhà tới viện, bà ra đi mãi mãi.
"Tôi cứ tự hỏi nếu đấy là người thân của mình thì sao?. Thời gian đó, tôi chỉ nghĩ rằng nếu còn sống, còn làm việc thì bằng mọi giá làm sao để người dân mình tử vong ít nhất”, ông Trần Phi Long, Chủ tịch UBND quận 11, kể lại.
Chỉ có tiêm vaccine, người dân mới giảm chết
Cuối tháng 6, đầu tháng 7, dịch bùng lên khắp thành phố. Là địa bàn rộng lớn với hơn 10 triệu dân, TP.HCM giống như một đại gia đình 22 đứa con, không thể “cầm tay chỉ việc” từng đứa mà chỉ có thể lo cho cái chung. Hiểu tình thế ấy, quận 11 xác định tâm thế tự chủ động, không dựa vào thành phố.
Khi đó, ông Trần Phi Long lựa chọn vaccine là trụ cột “hàng đầu của hàng đầu”. Toàn bộ Thường vụ Quận ủy, UBND được phân công phụ trách 21 điểm tiêm, điều hành từ sáng tới tối. Chính vị Chủ tịch UBND quận cũng đích thân “ra trận”. Ông nhìn nhận khi nguồn lực có hạn, thiếu nhiều thứ thì không thể cùng lúc đánh trọng điểm 4 mặt trận là vaccine, giãn cách, điều trị, an sinh, mà sẽ phải có trụ cột ưu tiên hơn.
Việc điều trị quan trọng, nhưng chỉ có thể xử lý trên từng cá thể, nên ông lựa chọn dồn nhiều nguồn lực vào tiêm vaccine. Vị chủ tịch phân tích vốn dĩ chúng ta đã chậm hơn virus, nếu tiếp tục tập trung vào công tác điều trị thì sẽ luôn trong trạng thái đuổi theo tốc độ lây nhiễm của dịch. Vì thế, vaccine là giải pháp giúp giảm lây nhiễm, tử vong về lâu dài, “đánh chặn” virus từ sớm.
Với chiến lược đó, quận 11 luôn là đơn vị đi đầu thành phố về tốc độ tiêm chủng, hiệu suất cũng cao nhất. Thời điểm đầu, Bộ Y tế quy định mỗi bàn tiêm tiêm ít nhất 150 mũi vaccine/ngày, riêng quận 11 khi đó đã tiêm tới 401 người/bàn tiêm. Trước 1/10, quận đã phủ 98% vaccine mũi 2 cho người dân.
“Tụi tôi xác định từ đầu đây là nhiệm vụ quan trọng nên bằng mọi giá phải tiêm cho bằng được. Và chỉ có tiêm, người dân mới giảm chết”, ông nói.
Tìm mọi cách cứu dân
Ông Long chia sẻ rằng giống như nhiều nơi khác trên TP, quận 11 sớm phải đối mặt với cảnh quá tải điều trị.
Những ngày cuối tháng 7 là giai đoạn khủng hoảng của quận. Việc điều trị bệnh nhân chủ yếu dựa vào bệnh viện quận do hệ thống điều trị, hotline cấp cứu toàn thành phố gần như tê liệt.
Khu cách ly tập trung của quận hơn 900 giường, tiếp nhận tất cả bệnh nhân, nếu bệnh nhân nặng thì chuyển lên tầng 2 là Bệnh viện quận 11. Cơ sở điều trị này vốn dĩ chỉ có 30 giường điều trị Covid-19, sau nâng dần lên 150, 200 nhưng vẫn không đủ đáp ứng, giường bệnh tràn cả ra đường.
Ký ức khủng hoảng nhất với ông Long là một đêm mưa giữa tháng 7, ông chỉ đạo các đơn vị dựng 2 lều dã chiến để người dân nằm tạm khi bệnh viện quá tải. Trong 2 giờ, lều điều trị dã chiến ngay trước cổng Bệnh viện quận 11 được dựng xong dưới cơn mưa tầm tã. 30 người bệnh lập tức lấp đầy không gian 20 m 2.
“Thời điểm đó thảm lắm. Trời mưa. Người bệnh mệt mà phải mặc áo mưa chờ giữa trời mưa, tôi không cầm được nước mắt. Trong 2 giờ đêm đó, tôi chứng kiến 6 người chết”, ông Long trải lòng.
Thiếu xe cứu thương, quận hoán cải được 2 xe cấp cứu. Đêm đầu tiên, đích thân ông cùng một phó phòng trực tiếp chạy xe đưa dân tới viện. Đêm đó, ông đưa cấp cứu được 4 người dân. Ngay hôm sau, một đội tình nguyện lái xe cấp cứu được huy động với 7 người tham gia. Số điện thoại của ông cùng một phó chủ tịch quận trở thành hotline cấp cứu, điện thoại reo từ sáng tới đêm.
Khi đã đưa được bệnh nhân vào viện, bài toán tiếp theo phải giải là biết ai nặng để điều trị kịp thời.
Theo tham mưu của Giám đốc Bệnh viện quận 11, ông quyết định thuê ngay một máy chụp X-quang lưu động từ Bình Dương để chụp phổi bệnh nhân, đánh giá tình trạng bệnh. Ông ký một hợp đồng thuê xe từ tháng 6 đến tháng 12 với tổng chi phí 180 triệu - hoàn toàn từ nguồn xã hội hóa.
Với máy này, F0 được đánh giá tình trạng bệnh từ sớm, nếu có dấu hiệu tổn thương phổi thì kịp thời chuyển lên tuyến trên. Nhờ máy này, tại khu cách ly 900 giường của quận 11 gần như không có ca tử vong.
Giải pháp thứ 2 là thành lập trung tâm phân phối và sang chiết oxy ngay tại quận, phân phối xuống 32 điểm ở phường. Vỏ bình khan hiếm, toàn bộ nguồn vỏ và oxy mà quận có được đều qua vận động xã hội hóa, xin mỗi nơi một ít.
Khu điều trị của bệnh viện quận khi đó chỉ có 2 bồn oxy 1 m3 cho mấy trăm người dùng cùng lúc, tình trạng thiếu oxy xuất hiện. Nhờ các mối quan hệ, quận tiếp tục lắp đặt và vận hành một bồn oxy 21 m3. Đây cũng là một trong những đơn vị đầu tiên đưa bồn oxy công nghiệp vào sử dụng cùng đường ống thở.
Đến thời điểm TP.HCM có chính sách xét nghiệm diện rộng để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng thì số F0 được phát hiện ngày càng nhiều. Khu cách ly dù được nâng công suất lên 2.500 giường cũng không đủ đáp ứng.
Tình thế buộc quận phải lập một đội khám F0 tại nhà khi Sở Y tế chưa có hướng dẫn và cũng chưa có mô hình nào để học hỏi. 22 bác sĩ được vận động tham gia, trong 4 ngày đã khám cho 1.000 trường hợp. Một tuần sau đó, theo chỉ đạo của Thủ tướng, bộ đội quân y được tăng cường và các trạm y tế lưu động được thành lập.
Trung tâm giải quyết tình huống khẩn cấp về Covid-19 (cấp cứu); Trung tâm phân phối oxy; Máy chụp X-quang lưu động và đội điều trị F0 tại nhà là 4 mô hình giúp địa phương này có tỷ lệ tử vong thuộc nhóm thấp nhất thành phố. Đây đều là những mô hình quận tự triển khai khi chưa có hướng dẫn.
Nghĩ lại, ông Long thừa nhận nhiều quyết định mà trong điều kiện bình thường "có khi đã bị kỷ luật tới mấy lần".
"Dù mất việc, tôi vẫn phải làm"
Trong số những bệnh nhân dương tính, nhiều trường hợp, ngành y tế vẫn không thể giành giật được bệnh nhân từ tay tử thần.
Giai đoạn đầu, TP có 9 đội mai táng đủ nghiệp vụ, được giao phụ trách xử lý thi hài người tử vong vì Covid-19 trên toàn thành phố. Thế nhưng, thực tế khi số ca tử vong tăng cao, 9 đội này không đủ đáp ứng xử lý cả thi hài trong bệnh viện lẫn ngoài cộng đồng. Nhiều thi thể thậm chí 3 ngày chưa được xử lý.
22h một ngày cuối tháng 7, ông gọi cho một vị lãnh đạo TP để phản ánh 3 vấn đề: Không đưa người tử vong đi hỏa thiêu được; Không có định mức mai táng và các đội mai táng của TP làm không nổi.
8h hôm sau, đoàn công tác của TP xuống làm việc với quận. Sau buổi họp đó, 2 vấn đề được giải quyết. Thứ nhất, TP giao địa phương chủ động liên hệ nhà mai táng, đội mai táng tình nguyện mà không cần chờ 9 đội mà thành phố quy định. Thứ 2, định mức mai táng được xác định là 17 triệu đồng/trường hợp.
Thế nhưng, còn vấn đề cuối cùng là nơi đặt thi hài chờ đưa đi hỏa thiêu thì chưa được giải quyết. Khi đó, quận 11 đề xuất sử dụng container lạnh làm nơi lưu giữ thi hài, nhưng chưa được thành phố chấp thuận.
Số trường hợp tử vong tiếp tục tăng, các đội mai táng không đáp ứng kịp. Nhiều thi thể phải đặt nằm tạm tại hành lang bệnh viện, trung tâm y tế, thậm chí ngoài trời. Nhìn hình ảnh ấy, ông Long vừa thấy có lỗi với người đã khuất, vừa gây tâm lý hoang mang cho người còn sống.
Vị chủ tịch quận 11 quyết định buộc phải “xé rào”. Dù chưa có sự đồng ý của TP, ông chỉ đạo đưa một container lạnh về bệnh viện trong đêm làm nơi tạm lưu giữ thi hài của người tử vong do Covid-19, chờ tới khi được đưa đi mai táng. Sau này, container lạnh chính thức được sử dụng như một nơi lưu giữ thi hài bệnh nhân tử vong vì Covid-19 toàn thành phố.
“May mắn là tôi quyết định đúng", vị chủ tịch nói. Ông chia sẻ thêm: "Tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm hết với những quyết định đó, kể cả có nguy cơ bị kỷ luật. Nhớ lại hình ảnh những cảnh người mẹ ra đi trên tay con mình, tôi quyết dù mất việc, nghỉ việc tôi vẫn phải làm”.
20h ngày 19/11, TP.HCM cùng cả nước tổ chức lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch. Quận 1, 3, 4, 5, 8, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình sẽ thả đèn hoa đăng trên tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và tuyến kênh Tàu Hủ - Bến Nghé lúc 20h35. Tàu, thuyền, sà lan... đang lưu đậu tại các cụm cảng sẽ kéo còi; các cơ sở tôn giáo (chùa, nhà thờ...) đồng loạt đánh chuông tưởng niệm vào 20h30 cùng ngày.
Thành phố vận động người dân tắt đèn, thắp nến tại khu vực công cộng, đường đi bộ, công viên, khu dân cư, căn hộ, khách sạn, văn phòng, nhà dân... để tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch.